Lục Yên: Khi nông dân làm lễ hội

  • Cập nhật: Thứ ba, 7/3/2023 | 7:19:38 AM

YênBái - Kinh tế khu vực nông thôn phát triển kéo theo nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân tăng mạnh. Sau nhiều năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa của huyện Lục Yên đã tưng bừng tổ chức các lễ hội đầu xuân, thu hút hàng nghìn du khách thập phương đến du xuân, hòa mình với nhịp sống vùng cao. Điều đặc biệt là kinh phí tổ chức các lễ hội hoàn toàn bằng xã hội hóa, tự nguyện tham gia, đóng góp của người dân.

Phụ nữ Tày xã Khánh Thiện lựa chọn những bông lúa nếp Lào Mu đạt tiêu chuẩn về làm cốm - sản vật có tiếng của địa phương.
Phụ nữ Tày xã Khánh Thiện lựa chọn những bông lúa nếp Lào Mu đạt tiêu chuẩn về làm cốm - sản vật có tiếng của địa phương.

Nếu như trước đây, việc tổ chức các lễ hội truyền thống thường rất khó do thiếu kinh phí và chỉ có vài lễ hội chính của cấp huyện được cấp kinh phí để thực hiện. 

Tuy nhiên, ngày nay ở nhiều xã của huyện Lục Yên, những vùng đất giàu truyền thống văn hóa với nét đẹp trong sinh hoạt đời thường vẫn còn được lưu giữ như: trang phục, ẩm thực, nghề truyền thống, thể thao dân tộc… cùng với đó là hệ thống đền, chùa, đình làng gắn liền với các điển tích, lịch sử của mỗi vùng đất, mỗi dân tộc thì việc tổ chức lễ hội là nhu cầu cấp thiết. 

Sau nhiều năm kiên trì thực hiện các chính sách phát triển kinh tế vùng nông thôn miền núi, vùng cao đặc biệt khó khăn, bộ mặt nông thôn có sự thay đổi toàn diện. Đời sống người dân được cải thiện, nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người dân cũng được nâng lên. 

Điều đó được thể hiện rõ nét qua các lễ hội đầu xuân, hay các lễ hội truyền thống khác của các địa phương. Tháng 10/2022, xã Khánh Thiện lần đầu tiên tổ chức lễ hội Cắc Kéng - một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Tày xã Khánh Thiện. 

Từ một xã vùng sâu đặc biệt khó khăn của huyện, năm 2022, xã Khánh Thiện vươn lên đạt chuẩn nông thôn mới. Đường bê tông được kiên cố từ xã đến các thôn bản, hệ thống kênh mương nội đồng được kiên cố giúp cho nông nghiệp địa phương có bước phát triển đột phá. 

Nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao được sản xuất tập trung trở thành hàng hóa như: lúa nếp Lào Mu, vịt bầu, gà thiến… Đời sống kinh tế được nâng lên, người dân có điều kiện hơn để tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao nâng cao đời sống tinh thần, đây cũng là cơ sở quan trọng để lãnh đạo xã khôi phục lại các lễ hội truyền thống của địa phương. 

Ông Triệu Đức Chính - Bí Thư Đảng ủy xã Khánh Thiện cho biết: "Ban đầu khi xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội chúng tôi có rất nhiều mối lo như: kinh phí ở đâu, người dân có hưởng ứng hay không, tổ chức như thế nào cho phù  hợp… Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm chúng tôi nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Theo đó, các thôn tự thành lập các đội văn nghệ, thể thao, hào hứng tập luyện sau những buổi lao động. Rồi các thôn đăng ký và tự xây dựng các gian hàng trưng bày sản vật của thôn mình”. 


Thi đồ xôi, gói bánh chưng tại lễ hội Xo May, xã Mường Lai. 

Kết quả, lễ hội đã được tổ chức thành công ngoài sức mong đợi của địa phương, hàng nghìn du khách trong và ngoài huyện đổ về Khánh Thiện trong những ngày diễn ra lễ hội, họ hào hứng lựa chọn những món quà cho người thân là các sản vật của địa phương. Người dân địa phương đã có một tuần được sống trong không khí lễ hội sôi động trước khi trở về với công việc thường ngày. Qua lễ hội, tình cảm hàng xóm, láng giềng thêm thắt chặt, mối quan hệ cán bộ với dân, dân với Đảng thêm gắn bó.

Bên cạnh những địa phương có điều kiện tổ chức lễ hội truyền thống, thì xã Mai Sơn lại chọn một hướng đi khá độc đáo, đó là khôi phục nét đẹp của chợ quê xưa. Và rồi với mục tiêu gìn giữ, bảo tồn và phát triển những sản phẩm, trang phục, ẩm thực cũng như nét đẹp phong tục tập quán của đồng bào Tày, chợ quê xã Mai Sơn trở thành một điểm đến thú vị, chợ họp đều đặn 2 lần/tuần. 

Đến đây, hầu hết người dân đều mặc trang phục truyền thống, mang những sản phẩm đặc trưng của dân tộc mình bày bán, giao lưu. Từ phiên chợ quê này mà nhiều sản phẩm, nhiều nét đẹp truyền thống của người Tày được khôi phục, nhân rộng. 

Ông Âu Văn Tình - Chủ tịch UBND xã Mai Sơn cho biết: "Đầu năm 2022 xã Mai Sơn đã quyết định xây dựng Mô hình "Chợ quê xã Mai Sơn”, nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng, giới thiệu trang phục, ẩm thực cũng như nét đẹp phong tục tập quán của đồng bào Tày. Đồng thời khơi dậy, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần thúc đẩy du lịch cộng đồng tại địa phương phát triển”. 

Và sau một thời gian đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn đã duy trì thói quen mặc trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Tày khi đi chợ, mang đến chợ những sản phẩm đặc trưng. Cùng với đó, chính quyền xã đã quan tâm tới việc chỉnh trang, hình thành các khu bày bán sản phẩm một cách độc đáo, bình dị, gần gũi, từ đó chợ quê Mai Sơn đã thu hút đông đảo người dân trên địa bàn xã cũng như các địa phương khác đến tham quan, trải nghiệm. 

Chị Hoàng Thị Hạnh ở thôn Sơn Bắc vốn rất thích làm bánh chưng đen - món ăn truyền thống của người Tày vào những dịp tết, chủ yếu phục vụ gia đình và bà con hàng xóm. Nhưng từ khi xã Mai Sơn khôi phục chợ quê, chị đã biến món bánh chưng đen thành hàng hóa trong mỗi phiên chợ và ngày càng có nhiều thực khách ủng hộ. Bất ngờ hơn, chị Hạnh còn nhận được các đơn đặt hàng Online, không chỉ trong huyện, trong tỉnh mà còn ở các tỉnh bạn. 

Để đảm bảo nguồn cung, chị Hạnh cùng 2 gia đình khác thành lập nhóm hộ sản xuất bánh trưng đen. Mỗi tuần gói từ 40 đến 50 kg gạo nếp - giống nếp Lào Mu, cũng là loại gạo đặc sản của địa phương nổi tiếng dẻo, thơm. Việc duy trì phiên chợ quê ở Mai Sơn cứ thế đã thúc đẩy khôi phục một số nghề truyền thống, góp phần không nhỏ nâng cao đời sống nhân dân.

Những ngày đầu xuân Quý Mão 2023, xã Mường Lai và thị trấn Yên Thế đã tổ chức thành công lễ hội Xo May xã Mường Lai và khai xuân chợ đá quý thị trấn Yên Thế. Cả hai lễ hội đều được tổ chức bằng sự tự nguyện tham gia, đóng góp của người dân và các tổ chức xã hội. Các lễ hội đã thu hút hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, vui chơi, mua sắm. 

Tại lễ hội Xo May người dân hào hứng tham gia các cuộc thi giữa các thôn với nhau như: thi giã bánh dày, gói bánh chưng, thi đi cà kheo, đánh quay, văn nghệ, thi đấu bóng chuyền… Người dân coi đây là dịp để vui chơi thư giãn sau một năm lao động mệt nhọc, là dịp để lấy lại năng lượng chuẩn bị cho một năm lao động mới, khí thế mới. 

Theo lãnh đạo xã Mường Lai, hơn 40 gian hàng trưng bày các sản phẩm đặc sản của người dân đã được du khách tham quan mua hết trong 3 ngày. Không chỉ vậy, hàng chục con trâu, bò đã được tiêu thụ, trong bối cảnh giá gia súc giảm mạnh thì đây là một giải pháp quan trọng kích cầu ngành chăn nuôi địa phương phát triển. Khai thác lợi thế của địa phương, thông qua lễ hội để quảng bá hình ảnh, con người và những nét độc đáo của riêng mình đang được chính quyền các xã, thị trấn của Lục Yên coi trọng.

Vừa qua, thị trấn Yên Thế lần thứ 2 tổ chức khai xuân chợ đá quý - một khu chợ truyền thống, độc đáo và chỉ duy nhất có ở thị trấn Yên Thế này. Nhiều người mới chỉ biết đến Lục Yên có chợ đá quý nhưng chưa hẳn đã biết đến các sản phẩm đá phong thủy, tranh làm từ đá quý, đá bán quý thì các hoạt động này góp phần quảng bá khá hiệu quả. 

Ông Nguyễn Văn Dư - Chủ tịch UBND thị trấn Yên Thế cho biết: "Thông qua việc tổ chức khai xuân chợ đá quý, cùng các hoạt động bên lề như: trình diễn quy trình làm tranh đá quý, giới thiệu đá phong thủy, tổ chức đấu giá những viên đá rubi đẹp, chúng tôi muốn quảng bá, giới thiệu đến bạn bè, du khách các sản phẩm từ đá quý. Từ đó kích thích tiêu thụ sản phẩm, tiến tới xây dựng làng nghề làm tranh đá quý, qua đó tạo việc làm cho người dân địa phương”.

Lục Yên là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, việc khôi phục các lễ hội truyền thống đã và đang mang lại những lợi ích quan trọng, quảng bá đến bạn bè, du khách truyền thống văn hóa đặc sắc, những sản vật của địa phương, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xóa đói giảm nghèo. 

Hoàng Anh Dũng

Tags Yên Bái Lục Yên lễ hội xã hội hóa du lịch du khách

Các tin khác
Ông Đoàn Xuân Quý (bên trái) trao đổi với người dân trong thôn mô hình sơ chế vỏ quế tươi.

Những năm qua, với vai trò là Trưởng thôn Đồng Tâm, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, ông Đoàn Xuân Quý luôn bám sát sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội để hướng dẫn nhân dân cách làm hay, hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà

Sau nhiều lần hẹn rồi lại lỡ, tôi mới được anh sắp xếp cho cuộc gặp trong hơn một giờ đồng hồ. Anh chính là doanh nhân Nguyễn Mạnh Hà- Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Think Big Group, Chủ tịch Công ty bất động sản Lộc Sơn Hà, người con của quê hương xã An Lạc, huyện Lục Yên. Hào hoa, tuấn tú và dấu ấn thành công của "tổng tài" nhưng ít ai biết anh đã đi con đường thành công không trải "hoa hồng "!

Bà Phạm Thị Nhâm với mô hình nuôi gà theo hướng hàng hóa quy mô lớn.

Cả tuổi trẻ cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, đến khi về hưu bà Phạm Thị Nhâm ở thôn Minh Thành, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái vẫn nhiệt tình tham gia các phong trào chung, trở thành nữ Bí thư Chi bộ gương mẫu, đồng thời cũng là một tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi trên địa bàn xã.

Chị Liên mang sách đến với các em nhỏ vùng cao Trạm Tấu qua hoạt động xe thư viện lưu động.

Trong khuôn khổ Lễ Tổng kết và trao Giải thưởng Phát triển văn hóa đọc lần thứ VI và phát động Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 vừa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức, chị Nguyễn Thị Bích Liên - cán bộ Thư viện tỉnh Yên Bái vinh dự nhận được Giải thưởng “Phát triển văn hóa đọc”. Đây là sự ghi nhận cho những đóng góp xuất sắc của chị trong việc thúc đẩy văn hóa đọc và tạo ra một môi trường đọc sách thân thiện trong cộng đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục