Từ bỏ ma túy, làm lại cuộc đời
- Cập nhật: Thứ ba, 18/3/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Có một cuộc sống ấm no và được dân bản tin yêu là quá trình vượt qua bao gian khổ của ông Tráng A Chảo, 70 tuổi, dân tộc Mông ở thôn 8, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên.
Ông sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có ngọn núi Tà Sua cao khoảng 3.000 mét so với mặt biển thuộc bản Lùng Cúng, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải - một vùng đất hoang vu nằm cách trung tâm xã trên 30 km đường mòn, quanh năm mây phủ và giá rét, chỉ cây pơ mu và cây thuốc phiện mới có thể trụ được. Những năm 1986-1987 trở về trước, gần 1.000 ha cây thuốc phiện đã mọc lên tại đây. Sống giữa nguồn thuốc phiện dồi dào ấy và chưa nhận thức rõ về tác hại của ma túy đối với sức khỏe con người, cứ sau mỗi lần khi lao động mệt nhọc, ông Tráng A Chảo lại dùng thuốc phiện để quên sự mệt mỏi.
Ông Chảo kể lại rằng, hồi đó ông còn trẻ, sức khỏe còn dẻo dai, làm việc gì ông cũng không ngại. Kinh tế của nhà ông thuộc hạng nhất nhì trong làng, nhưng sau khi đã nghiện, sức khỏe của ông ngày một suy yếu, cơ thể ngày càng gầy và kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, trâu bò ruộng vườn, nhà cửa đều bị ông cho thành khói. Cuộc sống cả gia đình lâm vào cảnh nghèo khổ, đói rách. Bà Giàng Thị Chư (vợ ông Chảo) vừa nuôi con vừa đi làm thuê kiếm tiền mua thuốc cho chồng, do bị đói khát và làm việc quá sức nên đã sinh bệnh mà chết, để lại ông Chảo một mình nuôi 6 đứa con nheo nhóc. Cuộc sống đã khổ rồi lại càng khổ hơn, nỗi đau mất vợ, mất nhà cửa chỉ vì thuốc phiện luôn giày vò tâm trí, nên ông đã quyết tâm bỏ trồng, bỏ hút thuốc phiện.
Tháng 3 năm 1988, ông cùng 30 hộ người Mông dời về sống định cư tại thôn 8, xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên. Tại nơi ở mới, bằng sự quyết tâm làm lại cuộc đời, ông đã tự cai, tự bỏ thuốc tại nhà. Sau 3 tháng vật vã, ông Chảo đã cắt được cơn nghiện hoàn toàn. Khi đã hồi phục lại sức khỏe, tại nơi ở mới, ông cùng các con đã khai hoang vỡ đất được trên 8 sào ruộng nước, khoảng 7 - 8 sào đất cấy lúa nương và 3 - 4 sào nương trồng ngô rồi đưa các loại cây giống mới có năng suất cao về gieo cấy. Ngoài ra, ông còn trồng thêm các loại rau như bí bầu, đỗ đậu, khoai, sắn... Từ đó, gia đình đủ no, đủ ấm. Tính kế lâu dài, ông mua hạt quế về trồng.
Đến nay, gia đình ông đã có tới trên 8 ha quế, từ 1 - 17 năm tuổi, trị giá hàng trăm triệu đồng. Nhà ông còn chăn nuôi thêm trâu bò để lấy sức cày kéo. Nay ông đã có cuộc sống ấm no, làm được một ngôi nhà khang trang, có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt đắt tiền và có đủ các phương tiện thông tin nghe nhìn. Là một người tận tụy, ông Tráng A Chảo được bà con quý mến. Ông thường xuyên tham gia đóng góp các ý kiến xây dựng bản làng như các lĩnh vực phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự, tổ chức đám cưới, đám ma theo nếp sống mới...
Từ những năm 1991-1992 trở về đây, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về việc xóa bỏ hoàn toàn cây thuốc phiện, ông Chảo đã động viên, giúp đỡ nhiều người nghiện như ông Tráng A Vang 75 tuổi, Tráng Chờ Tủa 60 tuổi và ông Phàng A Di 50 tuổi ở cùng thôn tự bỏ được thuốc tại nhà. Gương mẫu về mọi mặt, ông Tráng A Chảo được bà con ở thôn, xã mến phục.
Sùng A Hồng
Các tin khác
YBĐT - Vào thăm gia đình anh Trần Ngọc Tĩnh ở thôn Khe Lụa, xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) làm kinh tế giỏi ngôi nhà xây khang trang bề thế, nằm kề sát quốc lộ cùng với nhiều tiện nghi và phương tiện sinh hoạt đắt tiền.
YBĐT - Nhận xét về chị Xú, chị Hảng Thị Dông - Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bản Công cho biết: "Chị Xú là hội viên tiêu biểu của chúng tôi, luôn đi đầu gương mẫu trong mọi hoạt động. Đặc biệt chị còn là một tuyên truyền viên tích cực thuộc dự án phát triển cấp thôn. Những gia đình mà chị phụ trách đều có những chuyển biến tích cực trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày”.
YBĐT - Xuất phát từ hai bàn tay trắng, nhờ trồng rừng mà ông Hà Đình Dế, xóm Tạ Re, thôn Thiên Tuế, thị trấn Nông trường Trần Phú (Văn Chấn) trở thành triệu phú.
YBĐT - Đó là anh Nguyễn Quang Bình, bệnh binh 2/3 ở thôn 8, xã Việt Thành huyện Trấn Yên. Năm 1978, anh tham gia quân ngũ, sau đó làm giáo viên của một trường quân sự đóng tại tỉnh Cao Bằng. Năm 1987, anh Bình trở về địa phương với tỷ lệ giám định sức khỏe mất 61%. Không cam chịu cảnh đói nghèo, bằng sức lao động của mình, từ một hộ gia đình nghèo, đến nay cuộc sống của gia đình anh Bình đã khá. Đó là nhờ anh đã biết phát triển mô hình kinh tế tổng hợp.