Cây bút ta và lời người ra trận

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/10/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Mang cái bụng to sắp đến kỳ sinh nở, hai tay ôm chặt đứa con gái đầu lòng gần ba tuổi, mắt Len nhòa lệ, nhìn theo chiếc xe phủ đầy lá ngụy trang, trên thùng xe chật ních thanh niên nhập ngũ và những bàn tay vẫy vẫy.

Chiếc xe dần khuất hẳn sau rặng núi. Tiếng nấc nghẹn của mẹ lẫn trong tiếng khóc của con, rồi không kìm được nữa, Len cũng òa khóc rất to, trút cho hết sự dồn nén...

Lương Thị Len sinh ra và lớn lên trên đồng lúa Thái Bình. Năm 1961, ở tuổi 18, Len cùng gần ba chục hộ gia đình lên khai hoang ở xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Người ta đi có gia đình, anh em ruột thịt, Len ra đi một mình với cái đẫy vải thô và chiếc bị cói cùng chức danh Bí thư Chi đoàn Thanh niên Khai hoang Nghĩa Tâm.

Cô gái có mái tóc dày, đen, nụ cười tươi và cởi mở, nhanh chóng bắt nhịp cuộc sống ở miền đầy gió và nắng, bạt ngàn núi và rừng. Chi đoàn cũng hòa nhập cùng Đoàn xã xây dựng phong trào thanh niên đi đầu trong xây dựng kinh tế, sau đó Len được điều động đến công tác tại cơ quan Ngoại thương huyện Trạm Tấu. Nơi đây, Len xây dựng hạnh phúc với anh Trưởng phòng Kinh doanh Nguyễn Văn Thách. Cuộc sống vợ chồng vừa ổn định cũng là lúc cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ mở rộng ác liệt ở cả hai miền Nam - Bắc. Lớp lớp thanh niên Trạm Tấu lên đường ra trận và Thách cũng nhận quyết định lên đường. Đêm trước ngày lên đường, Thách âu yếm nắm chặt tay vợ:

- Anh đi xa chưa hẹn ngày trở lại. Qua cuộc vượt cạn gian khổ này, chắc chắn em còn vất vả nhiều, anh chẳng giúp gì được. À, con mình em sẽ đặt tên là Xa nhé, kỷ niệm lúc anh xa em. Len ơi! Quan trọng nhất là chúng mình phải cho các con học hành đến nơi đến chốn, em hãy giúp anh. Không có kiến thức thì khổ như thế nào, em biết đấy. Anh để lại cho em kỷ vật này và em sẽ kể lại cho các con nghe thay anh nhé!

Thách bật dậy, với cái túi dết treo trên vách, lấy ra một bọc nhỏ đưa cho Len. Len nhìn anh hồi lâu rồi tay run run mở bọc vải. Một cây bút gỗ đã mòn cả quản, ngòi bút hình lá lúa được lau chùi cẩn thận, "hạt gạo" đã lẹm một bên.

- Đây là chiếc bút ta đã theo anh suốt những năm học cuối cùng. Anh trao lại cho em để sau này em kể cho các con nghe thế hệ cha anh bước vào cửa ngõ văn hóa khoa học từ cây bút này và cái lọ mực đủ hình đủ dạng. Chắc chắn các con sẽ hiểu mình phải làm gì. Kìa, đừng khóc thế em! Có những lúc chúng mình phải sống bằng tinh thần nữa chứ. Cũng như bây giờ, em đã là "cô gái ba đảm đang", anh là "thanh niên ba sẵn sàng" rồi em nhỉ...

Len có biết đâu, đây là những lời tâm sự cuối cùng của anh. Anh chưa kịp gửi về cho vợ con một lá thư. Mười một tháng hai mươi lăm ngày sau, Len nhận được giấy báo tử của chồng. Cũng là lúc con trai Nguyễn Văn Xa được chín tháng mười bốn ngày và Len bước sang tuổi hai lăm.

Chiến tranh chưa lan đến Trạm Tấu song ở một góc khu tập thể ngoại thương, một đứa trẻ lên ba, một đứa con nằm trong nôi đã mất cha và người vợ trẻ đã mất chồng.

Len chỉ còn biết làm quên giờ, quên ngày, quên tháng để sống nuôi con. Chị Xuân, anh Sa -Thư ký Công đoàn, cả các anh lãnh đạo thay nhau đến thăm hỏi, động viên, chăm sóc cháu nhỏ cho Len. Chị Thu nuôi trẻ cơ quan cũng giúp Len những lúc chị lên rừng lấy củi, lấy chuối cây cho lợn. Xung quanh khu tập thể, những bãi đất hoang Len trồng ngô, trồng khoai lang, khoai nương. Len lên đồi phát rừng trồng đỗ đen, đỗ xanh, sắn và cả lúa nương. Chuồng lợn lúc nào cũng có một đôi. Cứ lúc nào nhớ chồng, lúc con ngủ Len lại cầm cuốc, đeo dao ra bãi cho nguôi ngoai, tay cuốc đất mà nước mắt cứ trào...

Ba mươi hai đồng một tháng, nuôi một mẹ với hai con nhỏ thì không còn cách nào khác là tăng gia sản xuất thêm, kể cả lấy củi, lấy chít để bán. Ơn trời, hai đứa trẻ có sức khỏe giống bố, hay ăn chóng lớn, chẳng biết ốm đau. Có hôm, con Gấm đi học về hỏi mẹ: "Thầy giáo bảo thắt lưng buộc bụng để dành gạo đánh Mỹ, nghĩa là thế nào hả mẹ?". Len nhìn con cười, xoa đầu Gấm:

- Nước mình còn nghèo lắm, gạo không đủ ăn nên mọi người phải tiết kiệm, chắt chiu gom góp cho các chú bộ đội, như bố ấy, ăn thật no có sức khỏe mới đánh được giặc Mỹ.

- Thế sao không làm thật nhiều gạo mà ăn hả mẹ? - Gấm ngắt lời mẹ.

- À, thế thì thế này. Lại đây mẹ bảo.

Len đứng dậy với lên bàn thờ vật kỷ niệm của chồng, trân trọng mở ra cho con xem:

- Đây là cái bút phải không con, người lớn vẫn gọi là cái bút ta để phân biệt với cái bút máy. Dùng nó phải mang theo một lọ mực chấm để viết. Đây là cái bút ta cuối cùng của bố để lại làm kỷ niệm cho các con. Bố bảo cứ nhìn đời bố mẹ viết bằng cái bút như thế này mà vẫn học giỏi, chữ đẹp thì chắc chắn các con sẽ noi gương bố học giỏi hơn. Bố bảo muốn có nhiều lúa gạo, muốn nhà đẹp, cuộc sống sung sướng thì phải học cho giỏi. Dòng họ nhà ta chưa có ai vào được đại học, bố dặn mẹ con mình phải làm được điều đó, cả em Xa nữa. Sau này em đi học, mẹ con mình lại nói với em điều này nhỉ?

Cái Gấm cầm chiếc bút ngắm nghía, xoay đi xoay lại, tay run run, rồi ôm chặt chiếc bút vào lòng khóc òa: "Bố ơi! Bố ơi...". Len ôm con, lại khóc...

Rồi chiến tranh cũng kết thúc. Tưởng rằng cuộc sống sẽ dễ chịu hơn, nhưng khó khăn chồng chất khó khăn đổ lên một vùng đất nghèo vừa bước ra khỏi cuộc chiến. Quen với chiến trận, nay bước vào trận tuyến mới thật ngỡ ngàng, lúng túng. Công ty Ngoại thương làm ăn thua lỗ rồi giải tán. Cả nhà Len hụt hẫng, không có việc làm. Hai đứa đã lớn, con chị học lớp 10, thằng em học lớp 8 đều phải gửi về Nghĩa Lộ, một tháng đôi lần về lấy tiền, lấy gạo. Cũng may chị được gọi về làm cấp dưỡng cho Ủy ban nhân dân huyện, ngày ngày đun nước, mua thực phẩm, nấu hai bữa cơm cho hơn hai chục người ăn. Đồng lương chỉ có 18 đồng, chị dành dụm cả cho hai con. Có chủ nhật, hai đứa về, cái Gấm sửng sốt kêu lên:

- Mẹ toàn ăn sắn, ăn ngô để dành gạo cho chúng con à?

- Hồi nhỏ con chả bảo thầy giáo dặn thắt lưng buộc bụng...

- Nhưng lúc đó là để đánh Mỹ.

- Thì bây giờ để các con học hành, xây dựng đất nước chứ sao...

Rồi hai lần, cả Ủy ban nhân dân huyện xôn xao bàn luận về hai đứa con của "chị Len cấp dưỡng" lần lượt thi đỗ vào đại học. Những thanh niên đầu tiên của nơi xa xôi này đã biết đến cổng trường đại học.

Lại những năm Len một mình nuôi hai con học đại học. Lúc này đồng lương cũng khá hơn, chị được chuyển sang bán hàng cho Công ty Vật tư nông nghiệp huyện. Sự trưởng thành bước đầu của hai con tiếp sức cho Len. Cái Gấm đến năm thứ ba được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Hôm nhận được thư con, chị thắp ba nén nhang, đặt cả lá thư lên ban thờ:

- Anh Thách ơi, cái Gấm đã là người đồng chí của chúng ta. Mừng bao nhiêu em lại nhớ thương anh bấy nhiêu. Em sẽ đi đón anh về, ngày đoàn tụ không xa nữa rồi...

Hai con chị, Gấm và Xa lần lượt trở về huyện công tác, chị làm ở Phòng Tài chính huyện, em làm ở cơ quan Huyện ủy. Để xứng đáng với một gia đình hiếu học, chàng rể, nàng dâu cũng học hành, công tác tấn tới. Bà Len nghỉ chế độ, sống cùng dâu hiền, cháu thảo. Hai ngôi nhà cao tầng của gia đình hai người con đẹp như sinh đôi sừng sững bên nhau hướng lên đỉnh đồi Phiêng Nhe, nơi có Đài Tưởng niệm các liệt sĩ của huyện Trạm Tấu đã hy sinh anh dũng trong hai cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại, trong đó có người chồng, người cha, người ông Nguyễn Văn Thách yêu quý của gia đình.

Và thật vinh dự, tháng 3 năm 2004, bà Lương Thị Len được đại diện cho những người mẹ "Hai giỏi" của tỉnh Yên Bái về Hà Nội báo cáo điển hình trong hội nghị "Hai giỏi" toàn quốc.

Vũ Quang Trung

Các tin khác
Đoàn viên, thanh niên huyện Mù Cang Chải giúp dân vùng lũ dậy lại nhà cửa

Hậu quả trận mưa lớn kèm lũ quét những ngày đầu tháng 8 là nỗi đau, mất mát không gì bù đắp của người dân vùng tâm lũ Mù Cang Chải, đặc biệt là đồng bào các xã Hồ Bốn, Lao Chải và Khao Mang. Song, cũng chính trong lúc đau thương đã sáng lên câu chuyện tình người giúp nhau qua cơn hoạn nạn.

Bà Trần Thị Bích.

Trong hai ngày 12 và 13/6/2023, Báo Yên Bái đăng tải phóng sự (2 kỳ) với nhan đề “Xung quanh việc bà Trần Thị Bích tổ chức cai nghiện ma túy” của tác giả Lê Xuân Trường. Bài viết đã nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Sau khi bài viết được đăng tải, bà Trần Thị Bích (nhân vật trong bài viết), người tổ chức cai nghiện tại thị xã Nghĩa Lộ có đơn đề nghị gửi Báo Yên Bái.

Măng Bát Độ được người dân xã Kiên Thành thu hoạch, mang bán tại các cơ sở thu mua tập trung.

Tròn 20 năm bén duyên đất Trấn Yên, đến nay, cây tre măng Bát Độ đã phủ xanh những triền đồi, cánh rừng ở các xã vùng cao Hồng Ca, Kiên Thành, Lương Thịnh, Hưng Khánh. Khẳng định được vị thế của mình là cây trồng đa lợi ích cho người dân, cây tre măng Bát Độ đã góp phần đổi thay diện mạo, đưa Trấn Yên trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Yên Bái và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.

Hiện nay, những bản làng xa xôi của huyện Mù Cang Chải đang ngày một đổi thay, đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt... Đây là minh chứng cho sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự bám sát thực tiễn, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, ý chí, khát vọng vươn lên trong triển khai, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống ở nơi vùng cao đặc biệt khó khăn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục