Những con người làm nên xóm Mới

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/8/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Không mấy ai nhớ chính xác cái tên xóm “bụi” có từ năm nào. Chỉ biết rằng đã có một thời gian dài và chưa lâu lắm đây là địa bàn hoạt động chủ yếu của dân “anh chị” và là điểm “nóng” nhức nhối về tội phạm và tệ nạn ma tuý. Giờ thì xóm “bụi” ngày nào không còn được nhắc tới nữa mà thay vào đó là một xóm mới với cái tên đầy khát vọng: xóm Mới.

Xóm Mới ra đời nhờ sự nhiệt tình của anh em trong Tổ và Ban Bảo vệ của phố, của phường.
Xóm Mới ra đời nhờ sự nhiệt tình của anh em trong Tổ và Ban Bảo vệ của phố, của phường.

Xóm “bụi” nhức nhối tệ nạn ma tuý

Xóm “bụi” là tên mà người ta gọi chung cho các tổ dân cư 1a, 3a, 3b và 5b của phố Hồng Phú, phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái. Có cả hệ thống đường sắt, đường thuỷ thuận tiện, với nhà ga, bến tàu và chợ lớn là điều kiện lý tưởng để nhân dân phát triển kinh tế dịch vụ thương mại, mở mang các hoạt động giao thương hàng hoá. Song, đây cũng là địa bàn trú chân và hoạt động thường xuyên của nhiều loại tội phạm và các tệ nạn xã hội. Được biết, phố Hồng Phú có 6 tổ dân cư thì gần như cả 6 tổ đều có tệ nạn xã hội, trong đó 4/6 tổ nằm trong xóm “bụi”.

Thượng uý Nguyễn Thái Hội, cảnh sát khu vực phường Hồng Hà cho biết: “Trong hơn chục năm tồn tại xóm “bụi” cũng là chừng ấy năm người dân ở các tổ dân cư này phải sống trong cảnh lo âu, nạn trộm cắp rình rập. Có những thời điểm xóm “bụi” tập trung tới vài chục đối tượng phạm tội ma tuý và các tệ nạn xã hội khác. Hoạt động tinh vi, xảo quyệt nhưng ngang nhiên, quyết liệt và hung hãn của chúng gây không ít khó khăn cho công tác trấn áp tội phạm và dẹp bỏ tụ điểm ung nhọt về tệ nạn xã hội này”.

“Thuốc phiện được bán như người ta bán rau giữa ban ngày”. “Bơm kim tiêm chích thuốc dính máu vứt như rác thường trên đường xóm”... là điều mà người dân nào sống ở khu dân cư này cũng biết nhưng vì sợ bị de doạ, hành hung nên không mấy người dám nói, thậm chí để mặc hoặc làm ngơ cho chúng bán, mua, hút chích ngay trước cửa nhà mình. Bởi thế, hoạt động tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh tố giác và phòng chống tội phạm cũng không phát huy hiệu quả. Do tập trung chủ yếu ở xóm “bụi” nên chuyện nhiều người trong một gia đình nghiện ma tuý hoặc phải vào tù vì các tội danh liên quan đến ma tuý ở phố Hồng Phú không phải là hiếm.

Ở tổ 1a có hộ bà Mai, cả nhà gồm mẹ, con trai, con gái, con dâu, con rể đều phải vào tù vì ma tuý; hay như gia đình ông Lã Xuân Trương, vợ và 2 con gái đầu ngồi tù do mua bán trái phép ma tuý. Ông Trần Phương Đông, Tổ trưởng tổ 4a cho hay, tổ do ông quản lý có 22 hộ thì có tới 11 đối tượng phạm pháp và nghiện hút các chất ma tuý, trung bình cứ 2 hộ/1 đối tượng. Nạn trộm cắp và gây rối trật tự công cộng đã trở thành vấn đề bức xúc của tổ trong nhiều năm dài. Điều đáng lo ngại hơn là lực lượng trẻ em cũng bị lôi kéo vào các hoạt động phi pháp này.

Năm 2003, hoạt động của Tổ Bảo vệ dân phố phố Hồng Phú và Ban Bảo vệ dân phố phường Hồng Hà được kiện toàn, củng cố lại, nòng cốt là những người trách nhiệm, dũng cảm dám làm. Sự vào cuộc đồng bộ của lực lượng làm công tác an ninh trật tự cộng với quyết tâm của cấp uỷ Đảng, chính quyền, chi bộ phố và các tổ chức đoàn thể quần chúng ý thức, trách nhiệm của người dân được giác ngộ. Họ đã thực sự vào cuộc trong trận chiến đẩy lùi tội phạm và tệ nạn xã hội ở địa phương.

Khi những người dân nhiệt huyết vào cuộc

Người dân đầu tiên ở xóm “bụi” và là người khiến tôi rất ấn tượng khi gặp đó là ông Phạm Đức Thìn, cán bộ thương nghiệp nghỉ hưu. Ở vào cái tuổi ngoài 80 nhưng ông Thìn vẫn tích cực tham gia cùng lực lượng công an phường và Tổ Bảo vệ dân phố phòng chống tệ nạn xã hội. Kiểu nói chuyện phóng thoáng, “bùi bụi” của ông khiến những người mới gặp lần đầu như tôi cảm thấy ngài ngại. Song với người dân sống ở tổ 1a thì ông già này được xem là người vui tính và rất đáng “nể”. Giọng sang sảng, ông bảo: “Con tôi đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc thì cái thân già này có tiếc gì, sợ gì. Có phải chết vì bọn nó tôi cũng làm đến cùng. Bà nhà tôi cứ lo cứ can nhưng đã có những người như bác Sơn, bác Đông và anh Thái đây thì bà con chúng tôi không còn sợ, còn ngại gì nữa”.

Được biết, dù không đảm nhiệm công tác giữ gìn an ninh trật tự của xóm nhưng bất kể khi nào anh em trong Tổ và Ban Bảo vệ của phố của phường cần ông đều tận tình tham gia. Thế mới hiểu vì sao anh em trong tổ bảo vệ dân phố và bà con ở đây lại nể ông, trọng ông đến vậy.

Lao vào công việc với mong muốn lập lại trật tự trên địa bàn dân cư, anh Trần Phương Đông, Phó ban Bảo vệ dân phố phường Hồng Hà đã không ít lần phải đối mặt với nguy hiểm. Chỉ cho tôi xem 2 vết sẹo dài trên cánh tay trái, anh Đông cho hay đó là kết quả của lần can thiệp giải quyết vụ gây rối trật tự của các đối tượng “đầu gấu” tại tổ do anh quản lý. Chạy xe ôm là nghề kiếm cơm nuôi sống cả gia đình, thế nhưng anh vẫn tận tình, trách nhiệm với công việc phường, phố giao. Anh tâm sự: “Đảm đương công việc này ngoài thời gian, công sức, anh em còn phải bỏ cả tiền nhà để trang trải việc công như tiền xăng xe đi lại, tiền điện thoại và các chi phí khác. Nếu tính toán thiệt hơn và sợ liên lụy, sợ nguy hiểm thì chẳng ai muốn làm. Cũng do không được trang bị các thiết bị phòng vệ nên bất kể khi nào cũng có thể gặp nguy hiểm, nhưng bù lại là được bà con dân phố tin yêu, quý trọng”.

Cũng như anh Đông, bất chấp những lời đe dọa của các đối tượng phạm pháp, kể cả mua chuộc bằng tiền và hàng động 3 lần đốt lửa sát ngay sau nhà để nạt nộ, cảnh cáo nhưng anh Nguyễn Đắc Sơn, Phó ban Bảo vệ dân phố phường, Tổ phó Tổ Bảo vệ phố Hồng Phú và các thành viên vẫn cương quyết đấu tranh đưa những đối tượng làm ăn phi pháp ra ánh sáng. Phá vụ án ma tuý năm 2006 tại phố Hồng Phú, một mình dũng cảm bắt gọn một đối tượng vận chuyển ma tuý có súng, thành tích trong đấu tranh trấn áp tội phạm ma tuý và tệ nạn xã hội của anh Sơn là những tấm bằng khen của UBND tỉnh Yên Bái, Bộ Công an, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam... trong nhiều năm liên tục.

Nhiệt huyết của các anh, những “người ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, đã khiến nhiều hộ dân thay vì e ngại đã tự nguyện sẵn lòng làm cơ sở hòm thư mật cho lực lượng công an. Theo ông Bình, Bí thư chi bộ phố Hồng Phú, “Nếu không có sự vào cuộc dũng cảm của chính những người dân xóm “bụi” thì việc truy quét dứt điểm điểm “nóng” tệ nạn xã hội này không thể hiệu quả triệt để được như bây giờ. Tuy vẫn còn một vài đối tượng nghiện lén lút vào ra trên địa bàn xóm, song tệ nạn ma tuý đã giảm được tới trên 90%”.

Gần 60 đối tượng tội phạm ma tuý và các loại tội phạm xã hội khác đã bị sa lưới pháp luật. Hàng chục vụ án ma tuý lớn đã bị lực lượng công an thành phố phối hợp với Công an phường và Tổ Bảo vệ dân phố triệt phá thành công. Xóm Mới được khai sinh trong niềm khát khao đón đợi của hơn 200 hộ dân phố Hồng Phú cũng bởi có những con người dũng cảm như anh Sơn, anh Đông, ông Thìn, ông Bình... mà người dân ở đây đã tin hơn vào sự nghiêm minh của pháp luật.

Thay cho lời kết

Có một thực tế là hiện nay lực lượng làm công tác bảo vệ dân phố của phường Hồng Hà và phố Hồng Phú nói riêng vẫn chỉ là “tay không bắt giặc” với kinh nghiệm bản thân là chính. Trong điều kiện cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn, hoạt động của các loại tội phạm ngày càng trở nên tinh vi, nguy hiểm thì điều mà những người “vác tù và hàng tổng” như anh Đông, anh Sơn suy nghĩ, đó là các cấp chính quyền và ngành chức năng cần quan tâm trang bị quần áo, giày mũ, trang thiết bị hỗ trợ phòng thân và có chế độ đãi ngộ đối với lực lượng đảm nhiệm công việc này ở phố, phường.

Bên cạnh đó, cũng cần xác nhận tư cách pháp nhân rõ ràng để việc phối hợp giữa lực lượng bảo vệ dân phố và các cơ quan chức năng trong ứng phó giải quyết các vụ việc xảy ra ở cơ sở được chủ động, kịp thời và hiệu quả. Việc xử lý các đối tượng phạm pháp cũng cần được thực hiện một cách nghiêm minh, nhất là đối với tội phạm về ma tuý để sự nhiệt huyết và những nỗ lực của người dân trong công tác giữ gìn an ninh trật tự ở các khu dân cư luôn được khơi dậy và nhân lên.

P.V

Các tin khác

YBĐT - Những ngày tháng 7, chiếc xe ô tô chở 30 cựu thanh niên xung phong (TNXP) đại diện cho 1.100 cựu TNXP tỉnh Yên Bái xuất phát từ thành phố Yên Bái vượt qua chặng đường hơn 1.300 km trở về thăm lại chiến trường xưa đúng dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc lịch sử.

Người dân Việt Thành (Trấn Yên) đã nhổ bỏ dâu (phơi la liệt trên các thửa ruộng) để chuyển đổi sang trồng các loại cây màu khác. Ảnh: Đức Thành)

YBĐT - Nhiều hộ dân ở xã Việt Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã phá dâu, bỏ tằm - nghề mới khôi phục lại mà họ từng kỳ vọng. Kịch bản lặp lại như cây chè những năm rớt giá - một câu chuyện về mối quan hệ giữa nông dân với doanh nghiệp với những bất ổn giữa vùng dâu tằm không yên tĩnh...

Anh Vũ Thanh Tùng (áo com lê đen, trong cùng) hướng dẫn nhóm đối tượng nghiện hút cách sử dụng bao cao su để đảm bảo sinh hoạt tình dục.

YBĐT - Ở thị xã Nghĩa Lộ có “nhóm của những người vợ”, huyện Lục Yên là “nhóm của các chị em", còn ở thành phố Yên Bái những “người trong cuộc” ấy đang thành lập “nhóm của những anh em có HIV/AIDS". Mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi khổ tâm riêng nhưng tất cả đều chung một nỗi đau do AIDS và chung một mục đích “làm mọi điều có thể để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch AIDS...".

Đồng chí Nguyễn Văn Ngọc (ngoài cùng, bên trái) và đoàn công tác kiểm tra việc nuôi bò tập trung ở thôn Tấu Dưới, xã Trạm Tấu.

YBĐT - Trong điều kiện người dân thiếu kiến thức, thiếu vốn..., làm thế nào để đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc ở vùng cao, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo luôn là một câu hỏi lớn và đó cũng là mục đích của chuyến công tác lên vùng cao Trạm Tấu của đồng chí Nguyễn Văn Ngọc - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái vừa qua.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục