Yên Bái: Bất ổn vùng dâu
- Cập nhật: Thứ tư, 23/7/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nhiều hộ dân ở xã Việt Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã phá dâu, bỏ tằm - nghề mới khôi phục lại mà họ từng kỳ vọng. Kịch bản lặp lại như cây chè những năm rớt giá - một câu chuyện về mối quan hệ giữa nông dân với doanh nghiệp với những bất ổn giữa vùng dâu tằm không yên tĩnh...
Người dân Việt Thành (Trấn Yên) đã nhổ bỏ dâu (phơi la liệt trên các thửa ruộng) để chuyển đổi sang trồng các loại cây màu khác. Ảnh: Đức Thành)
|
Chuyện của dân
Trưởng thôn 8, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên - ông Trần Văn Bổng đội mưa cùng chúng tôi ra ruộng dâu. Dâu đang mùa đốn. Ông Bổng lội bì bọp, giọng oang oang về chuyện phá dâu, bỏ tằm. Đại thể, thôn 8 có 20 hộ trồng dâu, nuôi tằm, diện tích khoảng 5 ha. Hai, ba năm trước, chính ông vận động bà con trồng dâu, nuôi tằm - nghề mà cha ông trước đã làm kế mưu sinh.
- Cứ đà này, từ nay đến hết năm là thôn tớ hết dâu!
- Thế bà con phá bao nhiêu rồi? Những ai phá vậy?
- Tớ tính thế này, nhé: nhà Trần Thị Lan, 8 sào; Trần Văn Thú, 2,5 sào; Nguyễn Thị Hải, 8 sào; tổ hợp Nguyễn Văn Được, 5 hộ, khoảng 40 sào, phá tất!..
Tôi đã tới Việt Thành cùng anh Lê Văn Tạo - khi ấy là Bí thư Huyện uỷ, người đã khởi xướng khôi phục nghề dâu tằm ở Việt Thành và Trấn Yên ngày nay. Bao nhiêu trăn trở, lao tâm khổ tứ của anh, của tập thể, cây dâu mới xanh lại đồng. Dâu đã trở thành cây trồng để xoá đói, giảm nghèo; đã trang trọng đứng chân trong Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIX, trở thành một chương trình kinh tế quan trọng của Trấn Yên. Thực tế, cái nghề “ăn cơm đứng” này đã và đang đem lại thu nhập khá cho nông dân. Ông Bổng đưa chúng tôi vào nhà chị Nguyễn Thị Hải - một nông dân có 8 sào dâu. Chị trồng dâu từ năm 2006, năm ngoái, một vụ được 5,6 triệu đồng; năm nay, vụ đầu đã thu trên 5 triệu.
- Trồng dâu thu nhập khá, bận rộn nhưng vẫn hơn làm lúa!
- Chị trồng dâu trên đất bãi hay ruộng?
- Em chuyển ruộng sang trồng dâu!
“A, mạnh dạn đây!” - tôi nghĩ. - Chị đã đốn xong dâu chưa, vụ này lại làm 5 -7 triệu nữa chứ?
- Ấy, em... phá tất rồi!
Hai mươi mốt hộ ở Việt Thành đã phá xong 3 ha dâu. Có nghĩa, 21 nhà ươm và cả trăm cái nong nia đã chuyển sang làm việc khác. Trong số ấy, khối nhà ươm được dựng lên từ vốn vay ngân hàng. Chuyện phá dâu, bỏ tằm, nhiều cán bộ xã cho đó là tư tưởng, cái vòng luẩn quẩn trồng - phá của dân với lý do giá đầu vào tăng cao, trồng lúa giờ tốt hơn trồng dâu; người nói do ruộng trũng, dân bỏ tạm; người bảo, dân đốn dâu chứ không phá dâu. Có ý đúng, nhưng có ý thì thấy cán bộ quan liêu. Dân không phá thì sao gốc rễ dâu chồng đống ở mấy dải ruộng bờ sông kia?
Việt Thành có 33 ha dâu. Năm ngoái, nông dân bán 20 tấn kén khô, thu về trên 800 triệu đồng. Năm nay, một vụ, đã bán 13 tấn, thu khoảng 400 triệu. 3 ha dâu bỏ đi chẳng nhằm nhò gì, phần đông, nông dân vẫn giữ dâu, giữ nghề, nhưng cũng khối người đăm chiêu như đứng trước ngã ba đường vậy!...
Chuyện nhà máy
- Tại sao bà con lại bỏ dâu, bỏ tằm? Tôi hỏi một nông dân đang bó những gốc dâu.
- Anh bảo, năm ngoái còn 45.000 đồng/kg kén, sau xuống 40.000; tháng 5, tháng 6 năm nay còn 35.000?
- Thế anh bán kén cho ai?
- Thì bán cho Công ty cổ phần Dâu tằm tơ (DTT) Trấn Yên. Nợ suốt. Dân muốn tiền ngay, về mua gạo, mua phân... Nhà máy nợ nhiều quá! Bọn này bán cho nhà Hà - Thim, tiền tươi, giá cao, xong!
- Nhà máy ký hợp đồng bao tiêu, hỗ trợ dân về giống, phân bón, kỹ thuật. Mấy ông tư nhân có giúp dân gì đâu?
- Nhưng giá thấp nợ dai thì dân lấy tiền đâu chi tiêu? Không tin, anh hỏi ông này này!
Trưởng thôn Bổng gật đầu bắn cả nước mưa trên mũ:
- Tôi bán kén có 3 triệu mà nợ 8 tháng mới trả. Xong, tôi cạch!
Nhà máy năm ngoái nợ dân trên 100 triệu đồng. Giờ, nợ đã trả xong, nhưng chữ tín thì không còn nguyên vẹn. Cả vùng nguyên liệu của huyện có 127 ha, trong đó 77 ha kinh doanh, một nhà máy chế biến tơ tằm có màng lưới tại các xã vẫn không chống chọi được 3 tư thương thu mua kén tại nhà.
Xưởng sản xuất tơ tằm của Công ty cổ phần DTT Trấn Yên đã ngừng sản xuất.
Bà Vũ Thị Hạnh - Giám đốc Công ty cổ phần DTT Trấn Yên vẻ mệt mỏi khi tiếp khách. Bà nói, chớ tin dân, vì “dân là dân gian”. Công ty vẫn thu mua với giá 40.000 đồng/kg kén; nhà máy phải dừng vì dân không thực hiện cam kết, bán cho tư thương với giá... cao hơn, nhà máy không hoạt động là đã xin ý kiến lãnh đạo huyện (!?)...
- Năm ngoái, chế biến được nhiều không chị?
- Chúng tôi chế biến 4 tấn tơ (?)
- Công ty đã đầu tư cho vùng nguyên liệu thế nào?
- 700 triệu đồng. Chúng tôi đã được huyện ký “cam kết bảo hộ”, ký hợp đồng với xã, nhưng dân rất láu cá. Dừng mấy tháng không mua để xem dân Việt Thành làm kiểu gì!
Mới đầu, cũng “chết” dân Việt Thành thật! Vùng nguyên liệu buông xuôi cho 3 tư thương hoành hành, giá kén tụt xuống 30.000 - 30.000 đ/kg. Nhưng giờ, giá đã lên 40.000 - 45.000 đồng/kg, có bao nhiêu, tư thương mua ráo. Dân Việt Thành “sống” ngon, chỉ nhà máy là thiệt! Tôi đi xem khu chế biến: một dãy nhà không người qua lại, dây chuyền chế biến không hoạt động. Bà Giám đốc nói vớt, nhà máy vẫn thu mua ở các xã khác và sản lượng nguyên liệu không giảm nhiều.
- Nhà máy có chế biến gì đâu? Các chị mua kén nguyên liệu rồi bán thô đi nơi khác à?
- À... ừ!
Giá kén ở Trấn Yên từ 25.000 đồng/kg, tăng lên 35.000 rồi 45.000 đồng. Những nông dân không phá dâu, bỏ tằm vẫn thu tiền đều nhờ bán kén. Hàng chục ngàn tấn kén khô đã đi qua nhà máy để bán cho những Khởi “gù”, Hà - Thim, Phương - Huê. Bà Hạnh nói, mới đây có vụ chém nhau vì tranh mua tranh bán và bà đã có đơn gửi Cục Thuế, Chi cục Quản lý thị trường việc mấy điểm thu mua này mua giá cao hơn, không chấp hành chính sách thuế.
Thật vô tình, khi tìm hiểu tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp này, chúng tôi được biết, chính doanh nghiệp này tới ngày 17.7.2008 vẫn chưa chịu nộp 2 triệu tiền thuế môn bài, đáng ra phải nộp từ đầu năm, dù đã “đốc” nhiều. Năm 2007, cơ quan thuế mãi mới “xin” được 2 triệu tiền thuế môn bài của doanh nghiệp và khối chuyện dài dài nữa...
Lời kết
Không gì khó bằng đưa một cây trồng mới vào dân. Cây trồng ấy, đã bám rễ và sinh sôi - đó là nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền địa phương, là điều kiện để doanh nghiệp thực hiện dự án sản xuất kinh doanh. Nông dân phá dâu, bỏ tằm - chỉ là số ít. Nhiều người vẫn tin tưởng và gắn bó với cây dâu, nghề tằm. Để nông dân quay lại với nhà máy, đơn giản là thanh toán sòng phẳng, đúng thời hạn cho họ. Giá, đôi khi không quyết định việc nông dân có bán nguyên liệu cho nhà máy hay không nếu như mối liên hệ doanh nghiệp - nông dân như “lạt mềm buộc chặt”. Phải coi nông dân là đối tác làm ăn chứ không phải là người phục vụ nhà máy, trong cơ chế thị trường, chữ tín và vốn quyết định sự sống còn của doanh nghiệp, quyền lợi của doanh nghiệp gắn liền với quyền lợi của nông dân.
Đây cũng là dịp để Công ty cổ phần DTT Trấn Yên kiểm lại vai trò và bản lĩnh của mình chăng?
Tuấn Anh
Các tin khác
YBĐT - Ở thị xã Nghĩa Lộ có “nhóm của những người vợ”, huyện Lục Yên là “nhóm của các chị em", còn ở thành phố Yên Bái những “người trong cuộc” ấy đang thành lập “nhóm của những anh em có HIV/AIDS". Mỗi người một hoàn cảnh, một nỗi khổ tâm riêng nhưng tất cả đều chung một nỗi đau do AIDS và chung một mục đích “làm mọi điều có thể để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch AIDS...".
YBĐT - Trong điều kiện người dân thiếu kiến thức, thiếu vốn..., làm thế nào để đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc ở vùng cao, góp phần vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo luôn là một câu hỏi lớn và đó cũng là mục đích của chuyến công tác lên vùng cao Trạm Tấu của đồng chí Nguyễn Văn Ngọc - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái vừa qua.
YBĐT - 2.000 cựu thanh niên xung phong (TNXP) Yên Bái đã cùng TNXP cả nước đổ biết bao mồ hôi, công sức, trí tuệ, xương máu để mở những tuyến đường giao thông, những cung đường, những trọng điểm và lặng lẽ nhận về mình những thiệt thòi mất mát, không dễ gì bù đắp nổi. Xin được nhắc về họ một thời máu lửa, “một thời để nhớ”!
YBĐT - Chúng tôi trở về vùng chè Văn Chấn (Yên Bái) - vùng chè lớn nhất tỉnh Yên Bái cả về diện tích, sản lượng đến các cơ sở chế biến. Không khí sôi động nơi đây đã không còn như những năm về trước, mà chỉ thấy sự buồn bã, thất vọng hiển hiện trên khuôn mặt những người làm chè...