Lục Yên là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh có 18 dân tộc anh em chung sống; trong đó, dân tộc thiểu số trên 80%.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, cơ quan, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội của huyện đã phối hợp chỉ đạo tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy dân chủ; gắn thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương với các phong trào thi đua yêu nước, Phong trào thi đua "Dân vận khéo” đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Nhiều mô hình điển hình dân vận khéo đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, góp phần thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp.
Sau 10 năm triển khai, xây dựng và thực hiện Phong trào thi đua "Dân vận khéo”, huyện Lục Yên đã có 305 mô hình dân vận khéo trên các lĩnh vực của đời sống xã hội được duy trì, xây dựng và nhân rộng.
Trong đó, nhiều mô hình phát triển kinh tế điển hình đã và đang được nhân rộng như: mô hình trồng lạc ở xã Tân Lập cho năng suất 50 tạ/ha được xây dựng từ năm 2017 và phát triển đến nay giúp cho hơn 10 hộ thoát nghèo mỗi năm; mô hình chế tác đá cảnh của gia đình anh Nguyễn Văn Ước, thôn Đồng Tâm, xã Liễu Đô tạo việc làm cho 3-5 lao động địa phương với mức thu nhập 3-5 triệu đồng/người/tháng, góp phần nâng mức thu nhập ổn định cho gia đình từ 150 - 200 triệu đồng/năm.
Hay như mô hình Tổ hợp tác Dịch vụ nông - lâm nghiệp của gia đình chị Hoàng Thị Thư, thôn Cây Mơ, xã Liễu Đô, cung ứng dịch vụ nông - lâm nghiệp, cho thu nhập 500 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập 3-5 triệu đồng/người/tháng.
Mô hình phát triển vườn rừng kết hợp với chăn nuôi của gia đình anh Phạm Quốc Hải, tổ 12, thị trấn Yên Thế có tổng thu nhập 150 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 3 lao động với mức thu nhập từ 4,5 – 5 triệu đồng/người/tháng.
Mô hình sản xuất chế biến gỗ của gia đình anh Nông Việt Đức, bản Thủy Văn, xã Phan Thanh, thu nhập 200 - 300 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 8 lao động với mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Mô hình trồng 11 ha cam sành của gia đình anh Nguyễn Thanh Sơn và Tạ Quốc Bảo ở thôn Làng Khương, xã Khánh Hòa cho thu nhập kinh tế cao… được nhân dân trong và ngoài địa phương đến học hỏi kinh nghiệm.
Cùng với các mô hình điển hình dân vận khéo trong phát triển kinh tế, 87 mô hình dân vận khéo trên lĩnh vực văn hóa - xã hội của huyện Lục Yên cũng được nhân rộng và hoạt động hiệu quả như: mô hình vận động nhân dân hiến trên 860 m2 đất làm đường giao thông nông thôn của Chi bộ thôn Nà Khao; mô hình làm sân chơi cho thanh thiếu nhi của Đoàn Thanh niên xã Phúc Lợi tại 6 thôn với tổng diện tích hơn 1.330 m vuông có giá trị trên 200 triệu đồng.
Trong đó, đoàn viên thanh niên đóng góp trên 50 triệu đồng và 180 ngày công lao động, còn lại là vận động xã hội hóa và sự đóng góp của nhân dân. Lĩnh vực quốc phòng an ninh cũng tăng thêm 31 mô hình so với năm 2009, với các mô hình tiêu biểu như: mô hình "Hai không, một có” của tổ dân phố 10, thị trấn Yên thế được nhân rộng thêm 5 thôn, tổ dân phố.
Mô hình đoạn đường thanh niên tự quản của Đoàn Thanh niên xã Yên Thắng; mô hình "Phát hiện và ngăn chặn kịp thời, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, từng bước đẩy lùi tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương” của Ban Chỉ huy Quân sự huyện…
Đặc biệt, có gần 30 mô hình dân vận khéo trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị như: mô hình nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Công tác Mặt trận xóm Vân, xã Mường Lai đã tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, sáng tạo, thi đua phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Mô hình "Giỏi về nghiệp vụ, văn minh, lịch sự trong giao tiếp” của Tổ Kế toán giao dịch Kho bạc Nhà nước huyện; mô hình thôn, bản không có người sinh con thứ 3 ở thôn Bản Riềng, xã Trúc Lâu…, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng ở địa phương.
Với việc nhân rộng các mô hình điển hình dân vận khéo trên các lĩnh vực, 10 năm qua, huyện Lục Yên đã có 27 mô hình điển hình tiên tiến với gần 20 tập thể và hơn 30 cá nhân đã được nhận bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành, Huyện ủy Lục Yên và UBND tỉnh trao tặng.
Để Phong trào thi đua "Dân vận khéo” ngày càng hoạt động hiệu quả và đi vào chiều sâu, cấp ủy các cấp trong huyện Lục Yên đang tăng cường công tác chỉ đạo xây dựng mô hình, điển hình "Dân vận khéo” trên các lĩnh vực; nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận và Phong trào thi đua "Dân vận khéo”; gắn Phong trào thi đua "Dân vận khéo” với việc thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị và kết hợp đồng bộ giữa công tác dân vận với hoạt động quản lý điều hành của các cấp chính quyền.
Huyện Lục Yên cũng thường xuyên tổng kết, đánh giá tiến độ, hiệu quả và tác động của từng mô hình để có biện pháp chỉ đạo, khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện và nhân rộng những mô hình điển hình hiệu quả và biểu dương, khen thưởng kịp thời các mô hình, điển hình dân vận khéo.
Thanh Hương