Những quyết sách hợp lòng dân
Năm 2022, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh tổ chức thành công 5 kỳ họp, thông qua 41 nghị quyết (NQ), trong đó có 32 NQ thuộc lĩnh vực kinh tế, 6 NQ thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội và 3 NQ do Thường trực HĐND tỉnh trình. Các NQ thông qua đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, đúng thẩm quyền, chất lượng, có tính khả thi và phù hợp với yêu cầu thực tế của tỉnh; các NQ về công tác tổ chức cán bộ được thực hiện công khai, dân chủ, đúng quy trình theo quy định của pháp luật.
Những NQ HĐND tỉnh ban hành, với cơ chế, chính sách rất cụ thể, thiết thực, bám sát thực tiễn cuộc sống, hợp lòng dân như: NQ số 05/2022/NQ-HĐND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo NQ số 69/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.
NQ đã tạo "cú huých” giúp các doanh nghiệp, HTX và người dân được hỗ trợ vốn để đầu tư mở rộng phát triển sản xuất, chăn nuôi hàng hóa có quy mô lớn. Điển hình như, năm 2022, được nhận hỗ trợ 6 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ theo NQ số 05 của HĐND tỉnh, gia đình chị Triệu Thị Mái ở thôn Bẻ, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên đã đầu tư mua 300 con vịt giống về nuôi. Sau hơn 3 tháng chăn nuôi, lứa đầu tiên xuất bán, gia đình chị Mái thu về gần 30 triệu đồng.
Chị Mái phấn khởi: "Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và được hướng dẫn, hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch bệnh của cán bộ nông nghiệp, tôi đã nắm được kỹ thuật chăn nuôi, giúp gia đình nâng cao thu nhập. Tới đây, tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại để phát triển chăn nuôi”.
Với nhiều năm kinh nghiệm về chăn nuôi trâu, bò, nên ngay khi nắm bắt được chính sách hỗ trợ của NQ 05, gia đình ông Nguyễn Quang Viện, thôn Loong Tra, xã Minh Xuân đã mạnh dạn đăng ký mô hình chăn nuôi trâu, bò quy mô từ 10 con trở lên/mô hình.
Ông Viện chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi chăn nuôi nhỏ lẻ. Nay, nhờ có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tôi càng thêm quyết tâm duy trì, phát triển mô hình chăn nuôi trâu, bò, xây dựng lại chuồng theo hướng bán chăn thả với quy mô nuôi 15 con trở lên”.
Theo Phó Chủ tịch HĐND huyện Lục Yên Đặng Thị Kim Liên, qua giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển nông - lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn huyện cho thấy, việc triển khai chính sách hỗ trợ các chế độ, chính sách hỗ trợ theo các nghị quyết của HĐND tỉnh cơ bản thực hiện đảm bảo mục tiêu chung. Các hộ đã mạnh dạn phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung, chuyển dần sang sản xuất chuyên canh, thâm canh cho năng suất, chất lượng cao, góp phần hình thành các vùng sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa của tỉnh, thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Cùng đó, NQ số 32/2022/NQ-HĐND về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của NQ số 70 của HĐND tỉnh về ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025 đã thể hiện là chính sách mang tính nhân văn sâu sắc.
Đó là, hỗ trợ kinh phí cho trường phổ thông dân tộc bán trú tổ chức nấu ăn trưa cho học sinh học 2 buổi/ngày; hỗ trợ tiền mua gạo, tiền ăn cho học sinh, kinh phí phục vụ nấu ăn cho các đối tượng đang hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP kể từ thời điểm xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho đến hết năm học.
Chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025, góp phần duy trì, nâng cao chất lượng công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh.
Phát huy vai trò giám sát
Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đại biểu dân cử, tại các kỳ họp thường lệ và chuyên đề, các đại biểu HĐND tỉnh đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tích cực tham gia thảo luận và chất vấn. Qua các kỳ họp, đã có trên 60 ý kiến thảo luận tại tổ, tại hội trường và 13 ý kiến chất vấn về các vấn đề kế hoạch và đầu tư, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, giáo dục và đào tạo, y tế.
Các nội dung chất vấn của đại biểu được UBND tỉnh và cơ quan liên quan giải trình, trả lời trực tiếp tại kỳ họp. Thường trực HĐND, các ban HĐND tỉnh tổ chức giám sát chuyên đề, giám sát thường xuyên và giám sát đột xuất đối với những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.
Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức giám sát chuyên đề về "việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã” tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; tổ chức giám sát 4 chuyên đề theo yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức giám sát, khảo sát thường xuyên về tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022 theo Chương trình hành động số 56 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 62 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững năm 2022, NQ số 67 của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và kết quả triển khai thực hiện các NQ của HĐND tỉnh trên địa bàn tỉnh.
Lắng nghe giải quyết tâm tư, nguyện vọng cử tri
Tiếp thu, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cử tri trước và sau mỗi kỳ họp, HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã phối hợp với Thường trực HĐND, UBND và ủy ban mặt trận Tổ quốc các cấp đã tổ chức 37 hội nghị tiếp xúc cử tri với trên 4.000 cử tri tham dự và đã có trên 200 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp.
Hoạt động tiếp xúc cử tri tiếp tục có sự đổi mới, tổ chức tiếp xúc đại biểu HĐND 3 cấp, kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Nhiều kiến nghị của cử tri được lãnh đạo chính quyền địa phương, đại biểu HĐND tỉnh trả lời ngay tại hội nghị; những vấn đề thuộc trách nhiệm, quyền hạn của cấp tỉnh, được Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp đầy đủ, báo cáo kỳ họp HĐND và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan xem xét, giải quyết, trả lời cử tri; tỷ lệ kiến nghị của cử tri được tiếp thu, xem xét, giải quyết đạt 98%.
Bà Nguyễn Thị Thuận - Tổ trưởng Tổ dân phố số 5, thị trấn Mậu A chia sẻ: "Các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh là dịp các đại biểu gần gũi, lắng nghe người dân chúng tôi phản ánh tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề nổi cộm, nảy sinh trong cuộc sống. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị cơ chế, chính sách được các cấp, các ngành xem xét giải quyết kịp thời, thỏa đáng”.
Đồng chí Vũ Quỳnh Khánh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Năm 2022, HĐND tỉnh đã nỗ lực khắc phục khó khăn, thể hiện quyết tâm cao trong đổi mới, tổ chức thực hiện các hoạt động; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào kỳ họp, kịp thời điều chỉnh phương pháp làm việc theo hướng chủ động, linh hoạt, đồng bộ; kết hợp hài hòa giữa giải quyết nhiệm vụ trọng tâm theo luật định với xử lý kịp thời những vấn đề cấp bách, phát sinh; chủ động phối hợp với UBND tỉnh và các cơ quan chức năng chuẩn bị kịp thời, chu đáo, kỹ lưỡng bảo đảm chất lượng các nội dung trình kỳ họp, ban hành các nghị quyết đúng thẩm quyền góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...
"Các đại biểu HĐND tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm; đồng thời, giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri và nhân dân; chủ động tham gia các hoạt động khảo sát, giám sát; nghiên cứu các tài liệu khi giám sát, đánh giá đúng tình hình và đưa ra nhiều kiến nghị xác đáng, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh. Bước sang năm 2023, HĐND tỉnh tiếp tục chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, kỹ năng hoạt động của mỗi đại biểu HĐND đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, khẳng định vai trò người đại biểu nhân dân” - đồng chí Vũ Quỳnh Khánh cho biết thêm.
Đức Toàn