Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên cùng với Bộ Tham mưu Bộ đội Trường Sơn đã chỉ huy lực lượng hùng hậu gồm 9 sư đoàn và 21 trung đoàn trực thuộc, vượt qua mọi hiểm nguy, để hoàn thành xuất sắc sự nghiệp chi viện cho các chiến trường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của ba nước Đông Dương.
Có thể nói đồng chí Đồng Sỹ Nguyên là vị chỉ huy đã góp phần đặc biệt to lớn vào thành tích, chiến công, vị trí và tầm vóc vĩ đại của Bộ đội Trường Sơn, làm nên "Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại".
Thực hiện chiến đấu hiệp đồng binh chủng trong nghệ thuật tác chiến chi viện
Khi được Đảng và Quân đội giao trọng trách Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559 (1/1/1967), đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã nhận thức sâu sắc về vị trí và tầm quan trọng to lớn của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn.
Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, đồng chí tổ chức ngay một chuyến đi nghiên cứu và khảo sát tình hình chiến đấu của các đơn vị trên tuyến. Từ nghiên cứu thực tiễn, phân tích sâu sắc sức mạnh của ta và địch…, với tư duy sắc sảo và sự nhạy cảm của một vị Tư lệnh chiến trường dày dạn kinh nghiệm, đồng chí đã phát hiện ra nhiều bất cập, cần phải có các giải pháp cụ thể nhằm thay đổi căn bản công tác tổ chức chi viện.
Đồng chí đã đề xuất tư tưởng chỉ đạo cùng những giải pháp khắc phục cho tất cả các binh chủng một cách cụ thể (xe, pháo, công binh, bộ binh, giao liên và các lực lượng bảo đảm khác), đặc biệt là việc triển khai tác chiến hiệp đồng binh chủng trong công tác chi viện chiến lược.
Đồng chí yêu cầu cán bộ, chiến sĩ và các cấp trên toàn chiến trường quán triệt sâu sắc tư tưởng tiến công và tiến công liên tục trong chiến đấu hiệp đồng binh chủng một cách hiệu quả; lấy lực lượng xe làm chủ đạo, các lực lượng khác hiệp đồng chiến đấu phục vụ hiệu quả cho công tác vận chuyển chi viện.
Quyết định này đã làm thay đổi sâu sắc cuộc chiến đấu của quân đội ta trên chiến trường Trường Sơn.
Xây dựng "trận đồ bát quái" ở Trường Sơn
Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên đã sớm hình thành tư tưởng chỉ đạo: Xây dựng và tổ chức lực lượng tuyến chi viện chiến lược 559 phải vừa là hậu phương vừa là tiền tuyến, vừa là hậu cứ chung cho chiến trường miền nam Việt Nam và Lào, Campuchia. Đồng chí xác định: Công tác chi viện chỉ có thể hiệu quả bằng vận chuyển cơ giới. Muốn thắng lợi phải chiến thắng sự đánh phá ngăn chặn ác liệt của không quân Mỹ.
Vì vậy, trước tiên phải xây dựng thế trận cầu đường một cách vững chắc: Đường cho xe cơ giới trọng tải lớn, tận dụng ưu thế địa hình địa vật của núi rừng và không gian dài, rộng của Trường Sơn; để đối phó với B52, AC130 và sự đánh phá ác liệt của không quân Mỹ, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chủ trương: Tăng cường mở đường kín (đường K) kết hợp với trồng cây ngụy trang, tăng cường làm dàn ngụy trang đường "hở", tăng cường nghi binh… xây dựng thế trận chạy ngày. Đặc biệt là tận dụng chạy lấn sáng, lấn chiều, mở ra thời kỳ đối phó hiệu quả trước các thủ đoạn đánh phá, ngăn chặn của không quân Mỹ.
Việc xây dựng hệ thống đường Trường Sơn với 5 trục dọc và 21 trục ngang hình thành một hệ thống đường ngang, đường dọc, đường tránh… như một "trận đồ bát quái" trên tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn…
Xây dựng hệ thống thông tin và đường ống xăng dầu Trường Sơn
Khi thiết kế phương thức tác chiến hợp đồng binh chủng, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã chỉ rõ: Muốn thực hiện thành công tác chiến hiệp đồng binh chủng trong vận chuyển thì thông tin liên lạc vô cùng quan trọng. Nó là yếu tố bảo đảm cho chỉ huy tác chiến nhanh chóng, thống nhất và kịp thời. Ông chỉ thị nhanh chóng xây dựng hệ thống thông tin các loại đến tất cả các đơn vị trên toàn tuyến.
Đầu năm 1971, hệ thống thông tin tải ba đã được Bộ đội Trường Sơn nối thông suốt tới tất cả các hướng chiến trường của ba nước Đông Dương; bảo đảm sự chỉ huy thông suốt từ Tổng hành dinh Hà Nội tới tận chiến trường Nam Bộ, bảo đảm chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng hiệu quả của Trường Sơn.
Công tác bảo đảm xăng dầu trong vận chuyển cơ giới là yếu tố sống còn. Đầu năm 1969, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã vạch kế hoạch xây dựng tuyến đường ống xuyên suốt Trường Sơn. Đến tháng 3/1975, Bộ đội Trường Sơn đã hoàn tất xây dựng đường ống xăng dầu hoàn chỉnh cả đông và tây Trường Sơn vào đến Nam Bộ, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho tất cả lực lượng vận tải của Bộ đội Trường Sơn và của các hướng chiến trường, phục vụ hiệu quả cho các chiến dịch.
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đánh giá: "Đường ống xăng dầu Trường Sơn là huyền thoại trong huyền thoại Trường Sơn".
Trong chiến đấu, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã dày công cùng các cơ quan nghiên cứu về các thủ đoạn và phương thức đánh phá tàn bạo của kẻ thù; nghiên cứu các loại vũ khí, đạn dược và các trang thiết bị quân sự tối tân mà Mỹ sử dụng ở Trường Sơn, để từ đó có các giải pháp đối phó khôn ngoan, hiệu quả và phù hợp, làm thất bại âm mưu ngăn chặn của đế quốc Mỹ, hạn chế đến mức thấp nhất tổn thất của ta…
Tư duy vượt thời gian trong xây dựng, tổ chức lực lượng
Việc vận chuyển chi viện tính đến đầu năm 1970 chủ yếu theo không gian tác chiến và cung độ ngắn của mỗi binh trạm, vì thế đã bộc lộ nhiều hạn chế. Việc chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng cần phải được mở rộng mới đáp ứng được yêu cầu chi viện ngày càng lớn. Muốn vậy, toàn tuyến Trường Sơn cần được chia ra 5 khu vực, mỗi khu vực được tổ chức thành một Bộ Tư lệnh khu vực (tương đương cấp sư đoàn) để chỉ huy tác chiến hiệp đồng binh chủng…
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã trình bày kế hoạch về thay đổi mô hình tổ chức lực lượng của Bộ đội Trường Sơn với Đảng ủy và Bộ Tư lệnh. Ngày 20/4/1970, Bộ Tư lệnh 470 (tương đương cấp sư đoàn) đầu tiên được thành lập. Sau đó Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tiếp tục phê chuẩn phương án tổ chức thêm ba Bộ Tư lệnh khu vực là: 471, 472, 473 và Bộ Tư lệnh hậu cứ 571.
Từ tháng 7/1971, toàn chiến trường được vận hành tác chiến hiệp đồng binh chủng do các Bộ Tư lệnh khu vực đảm nhiệm. Năng suất vận chuyển chi viện tăng lên rõ rệt, đạt 145% kế hoạch được giao.
Hiệp định Paris được ký kết mở ra các điều kiện mới cho chiến trường Trường Sơn. Mô hình tác chiến của Bộ Tư lệnh khu vực đã không còn phù hợp trong điều kiện mới. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã xây dựng đề án mô hình tổ chức các sư đoàn và trung đoàn binh chủng. Kế hoạch này nhanh chóng được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng phê duyệt.
Như vậy, tính đến tháng 5/1974, lực lượng của Bộ Tư lệnh Trường Sơn bao gồm bốn Sư đoàn Công binh (470, 472, 473, 565), hai Sư đoàn Ô-tô vận tải (571 và 471), Sư đoàn Bộ binh 968, Sư đoàn Phòng không 377 và Đoàn Chuyên gia cố vấn, cùng 21 trung đoàn binh chủng trực thuộc.
Việc thành lập các sư đoàn và trung đoàn binh chủng của Bộ đội Trường Sơn đã tạo ra một bước ngoặt mới, đáp ứng yêu cầu ngày một to lớn của công tác chi viện chiến lược, nhất là việc trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ các chiến dịch lớn trong Xuân 1975.
Tầm nhìn trong xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn
Không chỉ là vị tướng tài ba và có tầm nhìn sắc sảo, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên còn là một vị chỉ huy có tâm và thấm đẫm truyền thống dân tộc. Vì thế, tại Hội nghị Đảng ủy Bộ Tư lệnh sau Hiệp định Paris (1973), ông đã đề xuất chủ trương tổ chức lực lượng cất bốc hài cốt hàng vạn liệt sĩ hy sinh ở Tây Trường Sơn đưa về nước. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên chỉ thị: Vì nghĩa cả, vì truyền thống, đạo lý dân tộc, bằng mọi giá, Bộ đội Trường Sơn phải làm cho bằng được...
Từ cuối năm 1974, kế hoạch xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn đã được ông vạch ra. Với tầm nhìn vượt thời gian, ông đã chỉ đạo các nhà chuyên môn: Phải thiết kế, xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn trở thành một địa điểm tâm linh và văn hóa đặc biệt… Ông đã trực tiếp chọn địa điểm đặt Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Và ngày 24/2/1975, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên đã bổ nhát cuốc đầu tiên khởi công xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn…
Từ tầm nhìn của tướng Đồng Sỹ Nguyên, hôm nay đất nước ta có Nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất và đẹp nhất, với tầm vóc, quy mô và sự linh thiêng không thể diễn tả hết bằng lời…
10 năm chỉ là chặng đường của một đời người. Song những năm tháng chiến đấu ở Trường Sơn là quãng đời đẹp nhất, thể hiện sự thăng hoa của trí tuệ, bản lĩnh kiên cường, trách nhiệm cao cả làm cho tên tuổi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sáng nhất với tên gọi: "Tư lệnh của Trường Sơn huyền thoại"! Ông là một vị tướng với phẩm chất như đánh giá của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Thông minh-sáng tạo-trí tuệ và nghĩa tình.
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên sống mãi trong lòng các chiến sĩ Trường Sơn! Sống mãi với lịch sử vĩ đại của Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại!
(Theo NDO)