Người trẻ có nhiều lợi thế về trình độ, nhận thức, dám nói, dám nghĩ, dám làm, đặc biệt là có sức trẻ với khát khao cống hiến, khi áp dụng vào công tác Đảng sẽ có những góc nhìn, cách làm đầy quyết tâm. Sùng A Cớ ở bản Nả Háng, xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải là người như thế.
Cớ tốt nghiệp chuyên ngành Toán, hệ Cao đẳng của Trường Đại học Tây Bắc, tỉnh Sơn La - là một trong số ít những người con của Nả Háng được học hành đến nơi đến chốn. Với bản tính cần cù, chịu khó học tập và không ngừng vươn lên, năm 2019, nhận được sự tin tưởng của các đảng viên, Cớ được bầu làm Bí thư Chi bộ bản Nả Háng khi mới 27 tuổi đời và tròn 2 tuổi Đảng.
Sùng A Cớ chia sẻ: "Nả Háng có 31 hộ dân, chưa có điện lưới quốc gia; đường thì chủ yếu là đường đất, độ dốc cao; phần lớn bà con không nói được tiếng phổ thông, ít người biết chữ. Mình may mắn được đi học, được tiếp xúc, trải nghiệm về tri thức nên mình sẽ mang những cái mới, cái hay, cái đúng phổ biến cho đồng bào mình”.
Suy nghĩ ấy đã khiến chàng Bí thư Chi bộ trẻ tuổi tận tụy, chẳng nề hà bất cứ công việc gì. Cớ lấy mình làm gương, khuấy động phong trào cho đội ngũ thanh niên; kết nối với các tổ chức chính trị - xã hội, nhà hảo tâm hỗ trợ vật liệu xây dựng, kinh phí để tổ chức thêm nhiều phần việc, xây dựng công trình phúc lợi cho dân bản góp công.
Ngày ngày, những thanh niên trong bản vẫn lên nương, lên rẫy nhưng hễ có phát động là lại hò nhau đến điểm tập kết. Lúc thì góp công góp sức, chở xi măng, gùi cát sỏi chung tay xây dựng một con đường nhỏ; lúc lại vệ sinh đường, nhà cộng đồng để chuẩn bị cho ngày lễ lớn; khi thì đi tuyên truyền, đọc báo cho bà con nghe… Cớ còn tích cực vận động người dân bảo vệ rừng Chế Tạo, tránh mọi tác động đến rừng, không khai thác gỗ bừa bãi, săn bắt thú rừng…
Cũng nhờ vậy mà trung bình mỗi hộ dân ở Nả Háng thu 25 triệu đồng/năm từ phí dịch vụ môi trường rừng. Nả Háng cũng có quỹ chung để xây dựng các công trình thiết thực. Tháng trợ cấp bí thư cấp thôn đầu tiên, Cớ dành cả 1,49 triệu đồng ấy cho quỹ chung của bản để huy động bà con làm đường giao thông nông thôn. 9 đảng viên trong bản cũng tiên phong đi đầu. Cùng với sự tuyên truyền, vận động của chi bộ, bà con nhanh chóng làm theo, người có ít góp ít, người có nhiều góp nhiều.
Cớ bộc bạch: "Bây giờ, bà con bảo khi nào bản cần xã hội hóa để xây dựng các công trình chung thì bà con sẵn sàng đóng góp”.
Anh Sùng A Cớ (bên phải) - Bí thư Chi bộ bản Nả Háng, xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải chung sức cùng người dân bê tông hóa đường giao thông nông thôn.
Hờ A Trừ - Bí thư Chi bộ thôn Làng Mảnh, xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn cũng được tin tưởng bầu làm Bí thư Chi bộ khi còn rất trẻ. Lúc ấy là năm 2017, Trừ mới 25 tuổi nhưng có tới 5 năm tuổi Đảng. Sinh ra và lớn lên ở Làng Mảnh, Trừ xác định chắc nịch: "Làng Mảnh cần có đường bê tông đi được xe máy, ô tô thay cho đi bộ, con em trong độ tuổi đi học phải được học hành; phải loại bỏ hủ tục”.
Bởi vậy ngay sau đó, anh đã nhanh chóng vận động đảng viên, người uy tín sau đó là từng người dân mở rộng đường vào thôn. Trừ bảo: "Trước hết phải tác động vào tâm lý đồng bào. Phải nói về lợi ích rồi mới tính đến đóng góp. Mà đóng góp thì cố gắng ít một, lấy công thay tiền, làm từ từ dần dần vì dân mình còn nghèo lắm”.
Năm 2018 đến 2019, Trừ đã huy động nhân dân mở mới 8 km đường đất đủ để xe máy, ô tô tải nhỏ chở được hàng hoá vào trong thôn. Tiếp đó, Trừ đăng ký với chính quyền, kết nối với các nhà hảo tâm hỗ trợ vật liệu (xi măng, cát, sỏi); huy động thanh niên trong thôn chở từng bao xi măng, bao cát lên núi; người dân lại góp công đổ 2 km đường bê tông khổ nhỏ 1 mét ở những đoạn dốc, trơn trượt.
Bản thân Trừ cũng đi đầu phát triển kinh tế trồng quế, trồng chè Shan tuyết, chăn nuôi. Trừ làm được nhà khang trang, con cái được học hành, có cuộc sống ấm no. Sau thành công đó, trong các cuộc họp chi bộ, họp thôn, họp đoàn thể, anh đều kiên trì vận động, định hướng cho các gia đình khai thác ruộng bậc thang ở những nơi đất trống, tích cực trồng chè, trồng quế, trồng sa nhân, thảo quả và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi.
Trừ bày tỏ: "6 năm làm Bí thư Chi bộ, tôi luôn tự nhủ, bà con đã tín nhiệm mình thì mình phải làm sao cho xứng; phải nói được làm được; phải tiên phong, đi đầu làm gương, dám chịu trách nhiệm trước nhân dân. Trong quá trình hoạt động của Chi bộ, mọi chủ trương phải được bàn bạc, thảo luận để đồng thuận; có phân công cụ thể nhiệm vụ cho các đảng viên nêu gương làm trước, đồng thời, phụ trách, giúp đỡ từng hộ gia đình”.
Quyết tâm của Chi bộ cùng sự mạnh dạn của Bí thư trẻ tuổi đã góp phần lớn cho sự thay đổi của một Làng Mảnh vốn được coi là biệt lập. Làng Mảnh giờ có đường rộng tới 3 m, có đoạn còn 4,5 m; nhà nào cũng có vài ba con trâu, nhiều lợn và gia cầm; trẻ em được đi học; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mỗi năm…
Có thể thấy, từ xa xưa, trong vùng đồng bào các dân tộc, bí thư chi bộ thường là những người có tiếng nói trong cộng đồng như: già làng, trưởng bản, người có uy tín, cán bộ đã về hưu… được nhân dân tín nhiệm bầu ra. Vị trí này đòi hỏi nhiều trọng trách bởi họ không chỉ là hạt nhân trung tâm đoàn kết của chi bộ mà còn là người đại diện cho chi bộ trước quần chúng.
Nắm rõ những điều này, mỗi bí thư chi bộ trẻ đều đang không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, phẩm chất, lối sống, học hỏi, tích lũy kinh nghiệm và phát huy sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ trong quá trình triển khai chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng.
Bí thư Chi bộ thôn Làng Ca, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn Hờ A Phềnh (33 tuổi) cho biết: "Bản thân tôi luôn chủ động đọc, nghiên cứu về các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Trong quá trình làm Bí thư Chi bộ, mỗi khi có chủ trương, quyết sách mới, tôi đều tham khảo ý kiến của các già làng, người uy tín trong vùng, tranh thủ sự hỗ trợ của những thế hệ bí thư chi bộ khoá trước để triển khai. Chi bộ cũng xác định các nghị quyết phải xuất phát từ thực tế cuộc sống chứ không phải là trên giấy tờ. Việc triển khai cố gắng đơn giản về mặt hình thức, có sáng tạo về nội dung để dễ hiểu, dễ nhớ nhưng phải giữ nguyên giá trị nội dung. Có như vậy, đồng bào mình mới dễ tiếp cận từ đó làm theo”.
Trong thời kỳ 4.0 hiện nay, các bí thư chi bộ trẻ còn có khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, tiếp cận những cái mới một cách dễ dàng và nhanh chóng. Họ cũng năng nổ trong công việc, quyết đoán, là người đi đầu trong các mô hình phát triển kinh tế và làm tốt việc lan tỏa, tạo sức hút trong nhân dân.
Chị Hà Thị Giang (dân tộc Tày, 38 tuổi, 15 năm tuổi Đảng) - Bí thư Chi bộ thôn An Sơn, xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ chia sẻ: "Ban đầu, khi tôi cùng cấp uỷ Chi bộ đi tuyên truyền, vận động nhân dân dồn điền đổi thửa để tổ chức sản xuất hàng hoá, người dân còn ngờ vực, nhiều người cho rằng không cần thiết. Kiên trì thì bà con đã nghe và đến bây giờ, khi cánh đồng lúa lớn rộng 28 ha được hình thành, đưa được máy gặt đập liên hợp đến từng thửa ruộng gặt lúa đóng bao, có máy bay không người lái phun thuốc đã giúp tiết kiệm thời gian, giảm công lao động. Việc sản xuất theo quy trình của hàng hóa còn khiến sản phẩm làm ra chất lượng cao, dễ tiêu thụ lại được giá”.
Ở vùng cao Yên Bái, những người trẻ được "Đảng tin, dân cử” đảm đương trọng trách bí thư chi bộ cấp thôn đang ngày một phổ biến. Ở họ thấy rõ một sức trẻ đang căng tràn nhiệt huyết, một quyết tâm không ngại khó, ngại khổ và một khát khao cống hiến để truyền lửa, thắp lên niềm tin vào Đảng nơi đồng bào. Trước thực trạng "phai Đoàn, nhạt Đảng” đang tồn tại trong giới trẻ, họ không chỉ là minh chứng sống động cho sự chuyển giao thế hệ mới mà còn là kỳ vọng của Đảng, của nhân dân.
Hoài Anh