Là một trong những địa phương thường xuyên phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ thiên tai do địa hình đồi núi phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét trong mùa mưa bão, cộng với quỹ đất ở tại một số huyện vùng cao rất hạn chế, khó quy hoạch tổng thể…, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Yên Bái không ít lần xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, gây thiệt hại nặng nề về tính mạng và tài sản của nhân dân…
Với tinh thần chủ động trong công tác phòng, chống lụt bão, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các địa phương, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố, cơ sở xã, phường, thị trấn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác trước thiên tai, chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân để giảm thiểu tối đa hậu quả của mưa lũ. Đặc biệt, công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục thiệt hại sau thiên tai đã được tổng hợp các lực lượng triển khai rất nhanh chóng, kịp thời, giúp người dân yên tâm tin tưởng vào sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của lãnh đạo các cấp trong công tác chăm lo cho đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Đầu tháng 8/2023, một trận mưa lũ kinh hoàng đã xảy ra trên địa bàn xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải gây mất mát về người, thiệt hại rất lớn về cơ sở hạ tầng, tài sản của nhân dân với con số thống kê: 1 người chết; 179 ngôi nhà bị hư hỏng; 12 công trình thủy lợi, giao thông bị phá hủy; 151,78 ha hoa màu bị mất trắng; hơn 40 xe máy, 6 xe ô tô cùng nhiều tài sản khác của nhân dân bị thiệt hại...
Những cơn mưa lớn kéo dài đã tạo ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng, khiến cho cuộc sống của người dân trong vùng trở nên vô cùng khốn khó. Cơn bão kinh hoàng đã tàn phá không chỉ cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, nhà ở của người dân mà còn ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của các em học sinh khi chỉ còn thời gian ngắn nữa là bước vào khai giảng năm học mới…
Trước đòi hỏi cấp bách trong thời gian sớm nhất khắc phục hậu quả thiên tai, trong bối cảnh khó khăn chồng chất, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể từ tỉnh, huyện đến xã đã nhanh chóng tập trung chỉ đạo dồn toàn lực với phương châm "4 tại chỗ”, "Quyết tâm, quyết liệt, nhanh chóng, hiệu quả” để giúp nhân dân sớm ổn định lại cuộc sống, ổn định cơ sở trường lớp chuẩn bị cho khai giảng năm học mới. Khi thiên tai xảy ra, phản ứng của cấp ủy, chính quyền huyện Mù Cang Chải và xã Hồ Bốn là cực kỳ nhanh chóng.
Ông Phạm Việt Cường - Bí thư Đảng ủy xã Hồ Bốn nhớ lại: "Ngay khi mưa lũ bắt đầu, cấp ủy và chính quyền địa phương đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp để đánh giá tình hình và triển khai các biện pháp khắc phục. Đồng thời, các đoàn thể, các đầu mối chỉ đạo đã được thành lập, phân công cụ thể để điều hành các hoạt động cứu trợ, đảm bảo an toàn cho người dân và ổn định cuộc sống trong tình hình khẩn cấp. Để đảm bảo sự an toàn cho cư dân, xã đã tổ chức sơ tán dân cư khỏi các khu vực nguy hiểm, cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu như thực phẩm, nước uống và y tế. Các trạm cứu trợ đã được thiết lập để phân phối các nguồn lực này một cách hiệu quả và công bằng”...
Chỉ chưa đầy 3 giờ đồng hồ sau thiên tai, mặc dù mưa lũ vẫn tiếp diễn phức tạp và khó lường, nhưng với tinh thần trách nhiệm rất cao, đích thân các đồng chí: Nông Việt Yên - Bí thư Huyện ủy; Lê Trọng Khang - Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải dẫn đầu các đoàn công tác của Huyện ủy, UBND huyện đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, trực tiếp triển khai công tác chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng tìm kiếm cứu nạn trong mưa lũ. Ngay sau đó, mặc dù nơi bị thiên tai cách xa thành phố Yên Bái đến trên 200 ki-lô-mét nhưng đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái; đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo các lực lượng khắc phục hậu quả mưa lũ.
Tại đây, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã gặp gỡ, trao đổi, động viên nhân dân vùng thiên tai, đồng thời đánh giá cao sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể huyện Mù Cang Chải, xã Hồ Bốn đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, chỉ đạo sát sao, kịp thời trong việc giúp đỡ người dân nhanh chóng khắc phục hậu quả thiên tai, làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân dù trong mọi điều kiện, hoàn cảnh khó khăn…
Dưới sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, hậu quả của trận bão lũ kinh hoàng ở xã Hồ Bốn đã nhanh chóng được khắc phục. Đặc biệt tại bản Trống Là - nơi bị thiệt hại nặng nề nhất khi có tới 20 hộ bị trôi nhà hoàn toàn, thiệt hại nặng 13 hộ, di dời 2 hộ, cả xã có 6 ha lúa và hoa mầu bị trôi hoàn toàn…, các lực lượng đã tập trung giải quyết thu dọn hiện trường, ổn định cuộc sống cho nhân dân một cách nhanh chóng.
Ông Giàng A Hồng - Trưởng bản Trống Là kể lại: "Khi mưa lũ kéo đến một cách bất ngờ, dưới sức tàn phá kinh hoàng của lũ ống, lũ quét và sạt lở đất, người dân trong bản thực sự hốt hoảng, chỉ biết cầu cứu... ông trời. Ngay sau đó, lãnh đạo tỉnh, huyện, xã đã rất kịp thời chỉ đạo các lực lượng tập trung vào việc khắc phục hậu quả, đặc biệt là các lực lượng đã triển khai ngay công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; bắt tay tái thiết cơ sở hạ tầng bị hủy hoại bởi lũ quét và sạt lở đất. Các công trình giao thông bị hư hỏng nhanh chóng được sửa chữa, đảm bảo sự thông suốt trong việc vận chuyển hàng hóa và di chuyển của người dân. Đồng thời, các công trình cấp nước và điện đã được khôi phục để đảm bảo cuộc sống bình thường cho cư dân một cách kịp thời”.
Bên cạnh việc hỗ trợ nhân dân ổn định cuộc sống, với những nỗ lực không ngừng nghỉ của tổng hợp các lực lượng, các trường học trên địa bàn chịu thiên tai cũng đã được khắc phục và tái thiết. Vệ sinh môi trường được làm sạch; các công trình sửa chữa và xây dựng mới đã được nhanh chóng triển khai nhằm đảm bảo môi trường học tập an toàn, thuận lợi cho các em học sinh khi ngày khai giảng năm học mới đang đến rất gần.
Thầy giáo Nguyễn Xuân Trường - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hồ Bốn chia sẻ: "Sau cơn mưa lũ, nhà trường bị ảnh hưởng không nhỏ với việc các lớp học, sân trường, bàn ghế bị phá hủy, mà lại sát với thời điểm chuẩn bị khai giảng năm học mới nên nhà trường hết sức lo lắng. Được sự chỉ đạo kịp thời của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện, xã, các lực lượng không chỉ tập trung vào việc khắc phục vật chất mà còn quan tâm đến tình hình tâm lý của các em học sinh. Ngoài tặng quà, hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa trường lớp, các hoạt động tâm lý và tư vấn học đường cũng đã được nhà trường tổ chức, nhằm giúp các em học sinh vượt qua những trải nghiệm khó khăn để xây dựng lại niềm tin vào cuộc sống”...
Được biết, cấp ủy, chính quyền huyện Mù Cang Chải đã triển khai các biện pháp hỗ trợ kinh tế cho nhân dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, bao gồm việc cấp vốn khẩn cấp để tái thiết sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp và cung cấp việc làm cho nhân dân địa phương; các chương trình phát triển bền vững đã được triển khai nhằm xây dựng lại cộng đồng và tăng cường khả năng chống chịu với tình huống khẩn cấp có thể xảy đến trong tương lai.
Nhờ sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc nhanh chóng, phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương, công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp cũng như quá trình khắc phục hậu quả thiên tai ở xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải đã được triển khai một cách nhanh chóng, hiệu quả, đồng bộ. Tất cả đều xứng đáng được biểu dương và như muốn nói của nhân dân xã Hồ Bốn: "Nhân dân xin tặng các đồng chí 10 tấm bằng khen”!
Thiên Cầm