Để hiện thực hóa Nghị quyết này, hằng năm, xã đều xây dựng và ban hành các nghị quyết chuyên đề, xây dựng kế hoạch cụ thể để tập trung thực hiện các tiêu chí khó.
Tính đến năm 2023, xã Kiên Thành đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao với 5/8 thôn đạt tiêu chí thôn NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, xã cũng nhận thấy, việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí còn khó khăn hơn. Ngay sau khi được công nhận, xã đã tiến hành rà soát và đánh giá các tiêu chí, đặc biệt là những tiêu chí động như thu nhập bình quân đầu người, môi trường và an ninh trật tự.
Để hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, Đảng ủy và chính quyền xã Kiên Thành đã chủ động tận dụng nguồn vốn từ các chương trình và dự án. Đồng thời, huy động các nguồn lực xã hội hóa và sự tham gia đóng góp tự nguyện của người dân để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Hệ thống đường xã, đường trục thôn, bản cũng như đường liên thôn đã được cứng hóa, tạo thuận lợi cho việc di chuyển và vận chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, hệ thống điện lưới quốc gia, trường học và trạm y tế cũng đã được đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Đảng bộ xã Kiên Thành còn đặc biệt chú trọng chỉ đạo nâng cao thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo. Địa phương đã lựa chọn các cây trồng và vật nuôi có giá trị kinh tế cao để đưa vào sản xuất. Hiện xã có 5 hợp tác xã (HTX) hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ tổng hợp và nông nghiệp, trong đó nổi bật là HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành.
Ông Hoàng Ngọc Chấn - Phó Chủ tịch UBND xã Kiên Thành cho biết: "Kiên Thành từng là xã đặc biệt khó khăn với trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, nhờ cây tre măng Bát độ, xã đã có những chuyển biến tích cực”.
Hiện nay, Kiên Thành được coi là thủ phủ của tre măng Bát độ với hơn 2.000 ha, chiếm 50% diện tích tre măng của toàn huyện. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư vào các mô hình kinh tế mới, tiêu biểu là gia đình ông Lê Ngọc Chấn ở thôn Đồng Cát, người tiên phong trồng tre măng Bát độ. Với 10 ha tre đang trong giai đoạn kinh doanh, mỗi vụ măng, gia đình ông thu nhập trên 200 triệu đồng.
Hay như mô hình trang trại của hộ ông Hà Văn Liêm cũng cho thu nhập hàng năm đạt khoảng 600 triệu đồng nhờ sự kết hợp trồng tre và các cây trồng khác. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp và HTX trên địa bàn đã tham gia vào việc thu mua, chế biến sản phẩm từ tre măng, giúp người dân tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn. HTX Dịch vụ tổng hợp Thuẫn Bằng đã thành lập và tiêu thụ được 20 tấn măng tre Bát độ mỗi ngày với doanh thu đạt 400 - 500 triệu đồng/năm.
Đặc biệt, xã đã có 2 sản phẩm từ măng tre Bát độ được công nhận là sản phẩm OCOP, giúp nâng cao giá trị thương hiệu và thu nhập cho người dân. Nhiều hộ cũng đã đầu tư vào các dịch vụ thu mua và chế biến măng, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương.
Để nâng cao thu nhập và ổn định đầu ra cho người dân, HTX Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành đã ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật nông - lâm, thủy sản TNĐ tiêu thụ sản phẩm quế trên diện tích 1.033 ha tại 4 thôn: Đồng Cát, Đồng Song, Khe Rộng và thôn Đồng Phay với sản lượng quế thương phẩm khoảng 400 tấn/năm...
Sự quyết tâm của Đảng ủy, chính quyền cùng sự đồng thuận của người dân, Kiên Thành đã triển khai nhiều mô hình hay và cách làm sáng tạo trong tổ chức sản xuất. Đến nay, hầu hết đường trục xã và đường từ xã đến các thôn đã được kiên cố hóa, bê tông hóa. Tất cả các thôn trên địa bàn đều có nhà văn hóa, đảm bảo nơi hội họp và sinh hoạt cộng đồng. Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Văn Lũy cho biết: "Xã phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 100% thôn được công nhận thôn NTM kiểu mẫu. Đây sẽ là tiền đề để xã Kiên Thành hướng tới mục tiêu trở thành xã NTM kiểu mẫu trong những năm tới”.
Kiên Thành đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong lãnh đạo xây dựng NTM. Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của nhân dân, xã đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, mục tiêu tạo dựng một nền nông thôn phát triển bền vững, nâng cao đời sống cho người dân.
Ngọc Sơn