Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước góp phần xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển toàn diện, tạo nền tảng phát triển vững chắc cho giai đoạn 2010 - 2020

  • Cập nhật: Thứ hai, 9/6/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước hơn 20 năm qua, cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đẩy mạnh thi đua và giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên các mặt kinh tế, văn hoá, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Đồng chí Hoàng Thương Lượng - Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen cho những cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng chí Hoàng Thương Lượng - Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen cho những cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Yên Bái là tỉnh miền núi, nằm ở Tây Bắc Tổ quốc, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, quân sự của toàn vùng và là nơi sinh sống, đoàn tụ của nhiều dân tộc anh em. Qua công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh Yên Bái đã đem hết sức mình tham gia và góp phần cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược;thực hiện công cuộc cải tạo XHCN ở miền Bắc, làm hậu phương lớn cho miền Nam giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, thống nhất đất nước hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế.

Thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước hơn 20 năm qua, cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã đẩy mạnh thi đua và giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên các mặt kinh tế, văn hoá, xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mỗi một thời kỳ cách mạng, chúng ta đều phát động phong trào thi đua yêu nước, được toàn dân, toàn quân tham gia hưởng ứng.

Thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược có các phong trào thi đua lớn như: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”; “Hãy đem vàng rửa hận cho Tổ quốc, “Hãy đem vàng đổi lấy tự do”, “Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, một tháng nhịn ăn 3 ngày”, “Lá lành đùm lá rách, nhường cơm sẻ áo”… Trong kháng chiến chống Mỹ có các phong trào thi đua lớn như: “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Ba giỏi” của các đoàn thể, “Hũ gạo kháng chiến”; thiếu niên nhi đồng có các phong trào “Nghìn việc tốt”, “Em yêu quý bộ đội”, “Căm thù giặc Mỹ xâm lược”…

Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội từ 1975 tới nay có các phong trào thi đua như: “ Toàn dân xây dựng đời sống mới ở khu dân cư”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất chất lượng”, “Sản xuất giỏi, thực hành tiết kiệm chống tham nhũng, lãng phí”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình, nuôi con khoẻ, dạy con ngoan”, “Tuổi trẻ lập nghiệp và giữ nước”, “Uống nước nhớ nguồn - đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “ Quốc phòng toàn dân”, “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”…

Qua các phong trào thi đua yêu nước, Yên Bái đã có nhiều cá nhân và tập thể được Đảng và Nhà nước ghi nhận, biểu dương, tôn vinh công trạng. Toàn tỉnh đã có 71 tập thể, 15 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động; 82 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng; 371 tập thể và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động; 68.000 cá nhân được tặng huân, huy chương kháng chiến; 4126 cá nhân được tặng bằng khen kháng chiến. Đó là những bông hoa đẹp trong vườn hoa chung của dân tộc.

Trong những năm qua, phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng thường xuyên được các cấp uỷ Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, đã bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, kịp thời đề ra những chủ trương và chính sách khen thưởng phù hợp với yêu cầu động viên chính trị trong từng giai đoạn cách mạng và từng nhiệm vụ công tác.

 Công tác khen thưởng đã động viên kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng còn bộc lộ nhiều hạn chế yếu kém. Các phong trào thi đua phát triển chưa đều, chưa thường xuyên, chưa liên tục. Công tác tổ chức phát động phong trào thi đua có lúc, có nơi còn lúng túng, chưa xác định rõ mục tiêu, nội dung thi đua, thiếu kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm kịp thời để nhân rộng điển hình tiên tiến. Công tác khen thưởng còn có trường hợp thiếu khách quan, chính xác, chưa đúng đối tượng, tiêu chuẩn, làm giảm ý nghĩa động viên, giáo dục, nêu gương trong quần chúng, chưa quan tâm khen thưởng các tập thể nhỏ và cá nhân người trực tiếp lao động sản xuất, các gương điển hình tiên tiến. Bộ máy tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng không ổn định, chuyên môn nghiệp vụ yếu chưa đáp ứng yêu cầu tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể trong chỉ đạo điều hành.
Qua hoạt động thực tiễn, chúng ta rút ra những bài học kinh nghiệm sau:

Một là, phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua-khen thưởng phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền, sự tham gia tích cực của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; nếu có sự định hướng, chỉ đạo đúng mới thu hút được đông đảo quần chúng tham gia.

Hai là, nơi nào cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền trực tiếp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nơi đó phong trào thi đua phát triển mạnh và có nề nếp, mang lại hiệu quả thiết thực và ngược lại, nếu thiếu sự quan tâm của lãnh đạo thì phong trào lắng xuống, công tác khen thưởng không kịp thời, làm giảm tác dụng động viên, giáo dục nêu gương trong quần chúng.

Ba là, thường xuyên tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng.

Bốn là, thi đua phải tập trung giải quyết những nhiệm vụ quan trọng, những khó khăn bức xúc của đơn vị địa phương, càng khó khăn càng phải tổ chức phong trào thi đua yêu nước để phấn đấu đạt hiệu quả cao nhất.

Để góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm (2006-2010) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVI đã đề ra, trong những năm tới, phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng cần phải hướng tới các mục tiêu, nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, trên cơ sở những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn triển khai trong những năm qua, thời gian tới phải tập trung khắc phục những yếu kém, tạo sự đồng bộ, nhịp nhàng trong việc tổ chức thực hiện nhằm đưa chất lượng công tác thi đua, khen thưởng lên một tầm cao mới, biến nó thực sự trở thành động lực thúc đẩy các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội phát triển.

Thứ hai, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, do đó công tác thi đua, khen thưởng phải hướng mạnh, có kết quả vào việc hướng dẫn, động viên khích lệ các tầng lớp nhân dân nhằm lôi cuốn, phát huy được cao nhất năng lực của mỗi người góp phần vào việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Thứ ba, tiếp tục quán triệt nội dung đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nuớc và tinh thần Chỉ thị số 35/CT-TW ngày 03/6/1998 và Chỉ thị số 39/CT/TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị. Qua đó nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm về công tác thi đua, khen thưởng; tổ chức tốt việc hướng dẫn, thực hiện Luật Thi đua, khen thưởng. Các cấp uỷ, tổ chức Đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua. Mỗi chi bộ, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiên phong gương mẫu và là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở. Chính quyền, mặt trận và các đoàn thể các cấp cần phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức chỉ đạo công tác thi đua, làm cho phong trào thi đua trở thành phong trào hành động cách mạng phát triển sâu rộng trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

Thứ tư, tập trung chỉ đạo xây dựng điển hình và nhân điển hình tiên tiến; thường xuyên phổ biến kinh nghiệm, cách làm hay của các điển hình tiên tiến và thông tin về việc đổi mới các hoạt động thi đua, khen thưởng.

Thứ năm, đổi mới nội dung, hình thức  và cải tiến thủ tục, quy trình xét khen thưởng, thực hiện công khai, dân chủ, kịp thời, bảo đảm tính nêu gương, giáo dục trong khen thưởng.

Thứ sáu, tăng cường củng cố bộ máy tổ chức và cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp, các ngành đủ năng lực, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc sống mãi với phong trào cách mạng nước ta, tư tưởng của Người soi sáng sự nghiệp đổi mới, thúc đẩy phong trào thi đua đẩy mạnh CNH-HĐH xây dựng thành công CNXH ở nước ta.

Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh Yên Bái

Các tin khác
Đồng chí Hoàng Thương Lượng kiểm tra tình hình triển khai Dự án thuỷ điện Văn Chấn.

YBĐT - Ngày 7/6, đồng chí Hoàng Thương Lượng - Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh gồm các sở Công thương, Tài nguyên và Môi trường đã đi kiểm tra tiến độ xây dựng Nhà máy thuỷ điện Văn Chấn và kiểm tra quy hoạch chi tiết khu du lịch Suối Giàng.

Ngày 7-6, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 – 11-6-2008). Tới dự có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và đông đảo đại diện các bộ ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân.

Tiếp tục chuyến thăm ba nước châu Âu, chiều 7/6, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phu nhân cùng đoàn đại biểu Nhà nước Việt Nam đã tới thủ đô Aten, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tại Cộng hòa Hy Lạp theo lời mời của Tổng thống Karolos Papoulias.

Ngày 6-6, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã có buổi tiếp Thủ tướng Mozambique, bà Luisa Dias Diogo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục