Phụ nữ Việt Nam trong tình thương của Bác
- Cập nhật: Thứ ba, 10/6/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Là anh hùng dân tộc, nhà văn hóa lớn - Chủ tịch Hồ Chí Minh không những đã nêu lên những tư tưởng văn minh, tiên tiến, những quan điểm mới mẻ, vững chắc về vấn đề này mà Người còn thể hiện cụ thể sâu sắc bằng tình thương và những cử chỉ cao đẹp với các cụ, các bà, các mẹ và các cháu nữ thanh thiếu niên nhi đồng. Phụ nữ vừa là lực lượng to lớn làm nên thắng lợi của công cuộc cách mạng vừa là một nội dung cách mạng xã hội. Mấu chốt của vấn đề là nam nữ bình đẳng.
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi vùng cao Việt Bắc (1960)
|
Đúng ngày 8/3/1952, trong Đại hội Phụ nữ toàn quốc giữa núi rừng Việt Bắc, Người nói: "Đó là một cuộc cách mạng to và khó" và giải thích thêm: "Vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội. Vì không thể dùng vũ lực mà tranh đấu (Hồ Chủ tịch với vấn đề phụ nữ - Nhà xuất bản Phụ nữ, Hà Nội 1960). Người còn nói vui: "Nhiều người lầm tưởng đó là một việc dễ, chỉ: hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát, thế là bình đẳng, bình quyền. Lầm to! Cho đến tận hôm nay, sau hơn nửa thế kỷ, vấn đề nam nữ bình đẳng trong mỗi gia đình không phải không còn những nỗi chua cay. Đúng là một việc "to và khó", không thể làm trong ngày một ngày hai".
Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, Bác luôn luôn quan tâm tới chị em phụ nữ và các cháu thiếu nhi trước hết là những người được làm việc gần Bác.
Chị Dương Thúy Liên - một cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch từ 1949 - 1954 kể: Cuối 1950, Bác đi dự lễ tổng kết chiến dịch Biên Giới chiến thắng. Khi về, Bác không quên gửi cho các chị ở nhà những chiếc kẹo sôcôla, nói là quà chiến lợi phẩm. Hồi ở Việt Bắc, lần nào đi công tác qua, Bác cũng dừng ngựa thăm cơ quan Trung ương Hội Phụ nữ. Bao giờ Bác cũng hỏi về công tác phụ vận, về đạo đức tác phong của người phụ nữ mới. Có lần Người xúc động nói với cán bộ đi cùng: Phải luôn săn sóc các cô ấy, Bác thấy các cô ấy gầy quá. Ngày nào Bác cũng dành một ít thời gian đọc báo, theo dõi tình hình mọi mặt trong nước và thế giới. Người chú ý đến cả những bài ngắn gọn, những sự việc rất nhỏ, gạch chân những vấn đề cấp thiết. Một lần nữ phóng viên báo Lao Động rất sung sướng kể được Bác "điểm báo" mình và gửi tới cơ quan "có vấn đề" yêu cầu sửa chữa khuyết điểm! Chả là báo Lao Động đã in một bài thơ "châm" trong mục "Nói thật không mất lòng" phê bình một công trường ở Thái Nguyên đã không quan tâm chu đáo tới công nhân nữ, để vách nhà tắm thủng trống trải, chị em không dám vào tắm. Người đã chuyển ý kiến của mình vào bài báo đến tận ban chỉ huy công trường! Các chú phải một phen toát mồ hôi hột và cho sửa chữa phên vách kín đáo ngay. Một câu chuyện thật thú vị.
Những chị em làm nghệ thuật, luôn luôn được Bác động viên khích lệ rất nghệ thuật! Nghệ sĩ hát Kim Nhớ người Hơ Rê rất được Bác chú ý. Cô đã hát điệu dân ca Hơ Rê "Thương anh cán bộ" cho Bác nghe, rồi được Bác cho đi học văn hóa, học nghệ thuật, được đi biểu diễn ở các nước anh em. Bác dặn phải biểu diễn thật tốt các tiết mục của người dân tộc. Đặc biệt có lần Bác đã gửi cho đoàn nghệ thuật của Kim Nhớ một bó lông công để dùng vào việc trang trí mũ mãng theo phong cách dân tộc.
Tuyết Nhung, nghệ sĩ cải lương khi đóng vai Trần Quốc Toản đã một phen hú vía. Vào Phủ Chủ tịch biểu diễn, đang thúc quân sĩ tiến lên như "triều dâng thác đổ" thì người anh hùng chỉ huy ngã oạch trên sàn. Tiết mục đến đấy coi như chấm hết. Đúng lúc xấu hổ, lo lắng, hoang mang đến cực độ, không chỉ diễn viên sắm vai ấy mà cả đoàn chết lặng, Bác đến bên như một làn gió ấm, dang rộng vòng tay và nói: "Nào Bác đỡ anh hùng dậy!". Từ câu nói ấy, từ tình cảm và cử chỉ ấy, mọi việc trở lại bình thưưòng như không có vấn đề gì xảy ra, và... một bài học thấm thía cho cả một đời nghệ sĩ.
Khi xem vở cải lương "Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài", Bác khen các cô các chú, các cháu diễn hay. Lần đó, nhà hát cải lương vào Phủ Chủ tịch diễn cho Bác và khách xem, chị Ái Liên và con gái nhỏ đều sắm vai. Chị Ái Liên kể: Cuối buổi diễn Bác đọc 6 câu thơ: "Một đôi Sơn Bá - Anh Đài/ Chữ tình đáng trọng, chữ tài đáng thương/ Chỉ vì ông già dở dở ương ương..." rồi Bác chỉ tay vào mặt chị Hồng Liên là người đóng vai Chúc ông, bố Chúc Anh Đài, đọc tiếp: "Làm cho đôi lứa uyên ương không thành". Bác ngừng đọc, đi đi lại lại rồi một tay nắm chặt giơ lên, nghiêm nghị đọc: "Đánh cho phong kiến tan tành/ Cho bao nhiêu Anh Đài - Sơn Bá sẽ được thành lứa đôi".
Rõ ràng cả buổi xem, Bác đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề giải phóng phụ nữ nước ta. Hai câu thơ cuối của Bác chính là hiệu quả nghệ thuật cần đạt tới của vở diễn trong tư tưởng tình cảm của người xem.
Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, Bác thường xuyên theo dõi các nữ chiến sĩ trên mọi mặt trận. Bác đã thưởng huy hiệu cho tất cả các chiến sĩ có thành tích giết giặc lập công. Đặc biệt nhất là ngày 16 tháng 11 năm 1967 các nữ dân quân ở hai xã thuộc tỉnh Thanh Hóa đã bắn rơi cả tốp máy bay Mĩ và chỉ 4 ngày sau Bác đã viết thư khen ngợi, biểu dương: "Thanh Hóa là tỉnh có nhiều đội dân quân gái bắn rơi máy bay Mĩ. Đó là vinh dự chung của tỉnh nhà và của phụ nữ cả nước ta"...
Thật sự khó có thể kể hết được sự quan tâm chăm sóc tận tình chu đáo của người Cha già dân tộc đối với phụ nữ. Cả dân tộc đã được tự do hơn 60 năm, nhưng trong giới nữ ngày nay, vẫn có những người chưa được bình quyền, bình đẳng nhất là trong gia đình. Chắc hẳn Bác không vui khi còn những cháu gái bị ngược đãi, hằn lên hàng trăm vết sẹo trên mình, vẫn còn những người vợ bị người chồng vũ phu hành hạ dã man, vẫn còn, dù rất ít những người phụ nữ mặc áo vá, những người phụ nữ đẩy xe... Đó cũng là trách nhiệm của Đảng, chính quyền, của toàn thể mọi người khi chúng ta vẫn nói "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Hán Trung Châu
Các tin khác
Ngày 9/6 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đã tiếp Đoàn đại diện Toà thánh Vatican, do Đức ông Pietro Parolin, Thứ trưởng Ngoại giao Tòa thánh dẫn đầu, đang có chuyến thăm và làm việc thường niên tại Việt Nam.
Sáng 9/6, lễ đón chính thức Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sang thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Hy Lạp đã được tổ chức trọng thể tại Phủ Tổng thống Hy Lạp với nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia.
YBĐT - Tỉnh Yên Bái phát động phong trào thi đua yêu nước 6 tháng cuối năm 2008 lồng gắn với việc tuyên dương các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến 6 tháng đầu năm ngay tại lễ kỷ niệm trọng thể này là một việc làm thiết thực và hết sức ý nghĩa.
YBĐT - Kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Báo YBĐT xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc toàn văn Lời kêu gọi của Người: