Yên Bái: Nâng cao chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn
- Cập nhật: Thứ sáu, 18/7/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong những năm qua, tại các kỳ họp HĐND tỉnh Yên Bái, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn được chú trọng và từng bước đổi mới, số lượng ý kiến chất vấn ngày càng nhiều hơn; câu hỏi xác đáng, cụ thể và rõ ràng hơn; nội dung chất vấn ngày càng đa dạng phong phú bao quát được tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng.
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái tiếp xúc cử tri tại xã Tân Hương, huyện Yên Bình. (Ảnh: Quang Thiều)
|
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chất vấn, nhiều đại biểu đã mạnh dạn đối thoại và yêu cầu các cơ quan chuyên môn làm rõ trách nhiệm về các vấn đề liên quan. Điển hình, tại kỳ họp thứ 9 (tháng 12/2006), đã có tới 12 đại biểu tham gia chất vấn, trong đó có tới 8 đại biểu trực tiếp đối thoại với các cơ quan chuyên môn. Riêng vấn đề giải quyết vụ án tranh chấp đất đai ở huyện Trạm Tấu có tới 4 đại biểu yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh làm rõ các nội dung liên quan tới vụ việc.
Việc trả lời chất vấn của các cơ quan chuyên môn cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều đại biểu là giám đốc các cơ quan chuyên môn tham gia trả lời chất vấn đã thể hiện tính nghiêm túc, trả lời đúng trọng tâm và dám nhận trách nhiệm về các lĩnh vực được phân công. Đặc biệt là trong những kỳ họp gần đây, HĐND tỉnh đã thực hiện đổi mới nâng cao hiệu quả của phiên họp chất vấn. Các phiên họp chất vấn của HĐND đã được Đài PT-TH tỉnh truyền hình trực tiếp để cử tri tiện theo dõi.
Quá trình điều hành phiên họp, đoàn chủ tọa đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn trả lời nghiêm túc các nội dung chất vấn. Đối với những vấn đề chưa trả lời, hoặc chưa giải quyết được tại kỳ họp, thì Thường trực HĐND yêu cầu các cơ quan xem xét, giải quyết trong thời gian sớm nhất và báo cáo bằng văn bản cho HĐND. Do đó, chất lượng và hiệu quả chất vấn ngày càng được nâng cao.
Nhiều vấn đề bức xúc của địa phương, khi đại biểu chất vấn tại kỳ họp đã được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết kịp thời như: vấn đề xử lý các sai phạm trong thu chi ngân sách; giải quyết chính sách lương cho giáo viên hợp đồng; thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cho người nghèo; thực hiện chính sách đền bù giải phóng mặt bằng trong xây dựng cơ bản; xử lý ô nhiễm môi trường... Thông qua hoạt động chất vấn, đã tạo niềm tin trong nhân dân và nâng cao vị thế của HĐND.
Tuy nhiên, trong thực tế đời sống xã hội có rất nhiều vấn đề bức xúc, nổi cộm, cử tri có nhiều kiến nghị nhưng chưa được đại biểu HĐND đưa ra chất vấn tại các kỳ họp. Số lượng đại biểu tham gia thực hiện chất vấn tại các kỳ họp vẫn còn ít. Bình quân mỗi kỳ họp có khoảng từ 6-8 đại biểu gửi ý kiến chất vấn. Đại biểu có nhiều câu hỏi và thường xuyên chất vấn tại các kỳ họp chủ yếu là đại biểu hoạt động chuyên trách. Các đại biểu HĐND giữ cương vị chủ chốt ở các ngành và các địa phương nắm chắc và hiểu sâu các vấn đề bức xúc của cử tri nhưng lại rất ít chất vấn.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do các đại biểu này cùng một lúc phải thực hiện 2 nhiệm vụ, vừa là người đại biểu vừa là lãnh đạo của các cơ quan chuyên môn, sự đan xen giữa nhiệm vụ và trọng trách dẫn đến ngần ngại khi chất vấn. Hoặc có trường hợp thấy rõ những bức xúc nhưng khi tham gia chất vấn lại sợ ảnh hưởng đến công việc chuyên môn nên chọn giải pháp an toàn là mượn danh tập thể tổ đại biểu, các ban và Thường trực HĐND để chất vấn.
Một thực tế nữa là, các đại biểu ở cơ sở thường thiếu thông tin, hiểu biết về pháp luật, chính sách còn hạn chế nên rất lúng túng trong việc thực hiện chất vấn hoặc có chất vấn chỉ sa vào sự vụ, câu hỏi chưa rõ ràng, thiếu cụ thể, gây khó khăn cho các cơ quan chuyên môn trong việc chuẩn bị nội dung trả lời chất vấn. Bên cạnh đó, trên thực tế vẫn còn một số cơ quan chuyên môn khi trả lời chất vấn còn nặng về giải trình, trả lời chung chung, né tránh trách nhiệm, hoặc tranh thủ diễn đàn chất vấn để báo cáo thành tích.
Để từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động chất vấn của HĐND, trước hết phải nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành về hoạt động chất vấn và coi chất vấn là một hoạt động bình thường của cơ quan dân cử. Mục đích của chất vấn là để có được những giải pháp khả thi, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đối với các đại biểu HĐND dù ở cương vị nào trong các cơ quan chuyên môn hoặc các cấp chính quyền, thì trên nghị trường cũng phải thể hiện rõ trọng trách đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân.
Đặc biệt là, khi tham gia hoạt động chất vấn đại biểu phải có bản lĩnh, dám nêu lên những vấn đề bức xúc của nhân dân và yêu cầu các cơ quan chuyên môn trả lời và giải quyết một cách thỏa đáng. Để có thông tin phục vụ cho hoạt động chất vấn, từng đại biểu phải dành thời gian cho việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu, tham gia đầy đủ các hoạt động tiếp xúc cử tri để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cử tri, kịp thời phát hiện những vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm. Đặc biệt những đại biểu là thành viên các ban của HĐND phải tích cực tham gia hoạt động giám sát, thẩm tra để nắm bắt thông tin một cách đầy đủ, làm cơ sở cho việc chất vấn đúng trọng tâm và có chất lượng.
Để việc trả lời chất vấn đạt hiệu quả cao, người tham gia trả lời chất vấn phải là người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm chính về vấn đề đang xảy ra. Khi trả lời chất vấn phải thực sự cầu thị, có trách nhiệm, nếu đại biểu chất vấn chưa đúng thì phải giải thích rõ ràng; chất vấn đúng thực trạng thì phải nghiêm túc tiếp thu, dám nhận trách nhiệm và đề ra hướng giải quyết; trả lời cụ thể, làm rõ trách nhiệm là yêu cầu của phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn.
Thường trực HĐND trong điều hành kỳ họp cần bố trí thời gian thỏa đáng cho hoạt động chất vấn; chủ động thu thập các thông tin liên quan đến các vấn đề chất vấn; lường trước các tình huống có thể xảy ra trong quá trình chất vấn để có hướng xử lý tốt nhất; tạo bầu không khí cởi mở nhưng nghiêm túc, thẳng thắn, thể hiện tính tập trung dân chủ. Kết thúc buổi chất vấn phải có kết luận và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết các vấn đề đại biểu chất vấn.
Lê Thị Liêm
Các tin khác
YBĐT - Nhiệm kỳ 2004 – 2009, HĐND thành phố Yên Bái (Yên Bái) đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình, tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức hoạt động nhằm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, tập trung vào những hoạt động chủ yếu của HĐND. Chất lượng và hiệu quả hoạt động giám sát không ngừng được nâng lên, góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho cơ sở trong việc việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.
Từ ngày 9 đến ngày 17/7/2008, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) đã được tổ chức tại Hà Nội. Đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chủ trì, khai mạc và bế mạc Hội nghị.
YBĐT - Trong hai ngày 15 và 16/7, đồng chí Nguyễn Duy Việt - Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Đảng đã dẫn đầu đoàn công tác đến thăm và làm việc tại tỉnh Yên Bái.
Hôm nay 17/7, tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm chủ trì phiên thảo luận mở về vấn đề Trẻ em trong xung đột vũ trang (CAAC).