Phát triển Đảng ở vùng đồng bào dân tộc Mông: Bao giờ gỡ mắc?

  • Cập nhật: Thứ năm, 21/8/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Huyện Trạm Tấu (Yên Bái) có 25.316 dân, 75% dân số là dân tộc Mông, gần 70% là hộ nghèo. Đảng bộ huyện có 30 chi, Đảng bộ cơ sở trực thuộc, 1.082 đảng viên. Thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, Đảng bộ Trạm Tấu đã coi trọng công tác phát triển Đảng, nhất là vùng đồng bào dân tộc Mông.

Những đảng viên trẻ người Mông ở Đảng bộ xã Pá Hu, Trạm Tấu.
Bản định cư đồng bào Mông, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu.
Những đảng viên trẻ người Mông ở Đảng bộ xã Pá Hu, Trạm Tấu. Bản định cư đồng bào Mông, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu.

Tuy nhiên, những năm qua, kết quả và chất lượng đạt được chưa cao, bộc lộ nhiều hạn chế. Những hạn chế này, cần được phân tích kỹ lưỡng, để những địa phương vùng đồng bào Mông (không chỉ riêng Yên Bái) có những giải pháp kịp thời, đồng bộ, tạo ra những chuyển biến tích cực hơn…

 Những trở ngại có thực

Lên Bản Mù, hỏi chuyện “thời sự”, Phó chủ tịch UBND xã Sùng A Tính kể chúng tôi nghe chuyện tái trồng thuốc phiện ở Giàng La Pán, chuyện dân đẻ nhiều, thiếu ăn quanh năm ở Tà Ghênh. Hỏi chuyện về Đảng, đồng chí kể chuyện Sồng A Chồng tự nguyện viết đơn xin vào Đảng. Ở Trạm Tấu, Chồng không phải là người duy nhất tự nguyện viết đơn xin vào Đảng. 

Bí thư Huyện đoàn Vũ Đăng Quỳnh cho biết: Năm 2007, có 40 đoàn viên thanh niên được kết nạp Đảng; 6 tháng đầu năm 2008, con số này là 66. Câu hỏi thanh niên, nhất là thanh niên vùng cao, có thiết tha vào Đảng, xem ra không khó trả lời!  Lạc quan, nhưng phân tích kỹ, nguồn phát triển Đảng ở vùng cao này không dễ tìm như nguồn nước. Bản Mù có 8 thôn thì 7 thôn là: Tàng Ghênh, Háng Chi Mua, Giàng La Pán, Khấu Ly, Păng Dê, Mông Đơ, Mù Cao, trầy trật mãi vẫn chưa thành lập được chi bộ. Các thôn này, đối tượng phát triển Đảng có nhưng lại mắc chuyện sinh đẻ. Như Sùng Zúng Dê, thôn Tà Ghênh;  Giàng A Giao ở Mông Si là người rất có uy tín, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước nhưng khi tính chuyện bồi dưỡng để kết nạp thì mắc, vì đẻ nhiều, đông con.

Trở ngại lớn nhất là trình độ văn hoá. Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã Pá Hu Đồng Văn Chài vò đầu, tính không ra: “Mình có 5 chi bộ, 47 đảng viên. Cái người không biết chữ, đọc không được, viết không được có nhiều đấy!”. Kiểm đếm sơ sơ, số đó cũng non một nửa. Đến Chi bộ 2, Bí thư Vàng A Giao vân vê mãi vì chính mình chưa giỏi cái chữ. Phó chủ tịch UBND xã Giàng A Lồng nói khó: “Cái tay nó không viết được nhưng cái đầu nó nghĩ được, làm được việc cho Đảng, cho dân mà!”. Trong số 1.082 đảng viên ở Trạm Tấu, 350 người không biết chữ, 164 người không viết thạo, không nghe được tiếng phổ thông. Trình độ các đối tượng bồi dưỡng, kết nạp Đảng cũng tương tự.

Phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị Vũ Thị Nhất tâm trạng bức xúc: “Theo Điều lệ, đối tượng Đảng phải biết chữ, có trình độ tiểu học (hoặc tương đương), nhưng phần đông tới Trung tâm, không đọc, không viết được, nhiều người nghe không hiểu được nghĩa. Năm 2007, Trung tâm mở 11 lớp bồi dưỡng và đảng viên mới, 10 người bỏ bỏ về, không học được. 6 tháng đầu năm 2008, mở 5 lớp, trên 70% là người dân tộc Mông, có 5 người bỏ về!…”. Các đồng chí ở các ban xây dựng Đảng đồng ý đó là trở ngại lớn nhất. Có đối tượng, đã hướng dẫn làm thủ tục, viết lý lịch, nhưng “cái tay nó không viết được”. Viết năm lần, bảy lượt, xong thì đã quá hạn. Lại làm, lại quá hạn, lại chờ, chán là thôi. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nguyễn Đức Thành xác nhận, đã gửi trả cơ sở và đề nghị làm lại rất nhiều hồ sơ lý lịch của người xin vào Đảng. Nhưng có khi cả tháng cũng chẳng thấy ai về huyện lấy để làm lại... Năm 2006, Đảng bộ kết nạp 85 đảng viên người Mông, không có đảng viên nữ.

Năm 2007, kết nạp 65 đảng viên, có 8 nữ. 6 tháng đầu năm nay, kết nạp 28 đảng viên, có 1 đồng chí nữ. Trong 107 đồng chí tham gia cấp ủy cơ sở khối nông thôn, Trạm Tấu hiện có chỉ có 5 đồng chí nữ là người Mông, chủ yếu là chức danh chủ tịch Hội phụ nữ... Các đồng chí này, đều phải “châm chước” về trình độ văn hoá. Đồng chí Hảng Thị Ninh - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bản Mù là một ví dụ. Không thể bố trí đồng chí nam làm công tác phụ nữ, đồng chí Ninh tuy không biết chữ, vẫn phải bố trí. Có tình trạng, đối tượng nữ khi mới giao việc thì làm tốt, nhưng chỉ một thời gian đã uể oải. Những định kiến lạc hậu trong cộng đồng, gia đình, dòng họ vẫn tồn tại. Năm trước, lên xã Phình Hồ, tôi gặp đồng chí Lý Thị Lay - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, đại biểu HĐND huyện. Làm công tác đoàn thể Đảng giao, nhưng đi đâu, từ huyện đến tỉnh chồng cũng đi kèm. Bây giờ, đồng chí Lay đã xin nghỉ.

 

Đồng chí Hảng Thị Ninh, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Bản Mù một trong số ít đảng viên người Mông ở Đảng bộ huyện Trạm Tấu.

Nhận xét chung là công tác phát triển Đảng ở Trạm Tấu có chuyển biến so với trước nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Cho tới nay, Trạm Tấu vẫn còn 6 Đảng bộ xã, là: Bản Công, Bản Mù, Xà Hồ, Túc Đán, Làng Nhì có chi bộ ghép. Huyện ủy hàng năm mất nhiều công sức củng cố, chỉnh đốn, tăng cường cán bộ từ huyện lên nhưng chưa có chuyển biến rõ nét. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nguyễn Đức Thành sau một hồi suy tư, cũng thấy rằng, để “về đích” với mục tiêu xoá chi bộ ghép và 51% chi bộ nông thôn có cấp ủy vào năm 2009 theo Đề án 64 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Yên Bái, với Trạm Tấu là rất nặng nề…

Thử tìm nguyên nhân và giải pháp

Nhiều đảng viên đã tốt nghiệp tiểu học, thậm chí THCS, toát mồ hôi vẫn không đọc được chữ. Một khảo sát vội của Ban Tổ chức Huyện ủy, 350 người không biết chữ, 164 người biết nhưng không viết và không nghe được tiếng phổ thông. Con số thực, còn cao hơn. Có nên đề nghị Trung ương “châm chước” về trình độ văn hoá với đối tượng xét kết nạp Đảng ở đây? Theo chúng tôi, thế là trái Điều lệ Đảng. Đảng viên không có trình độ văn hoá, chuyên môn, lý luận chính trị thì lãnh đạo ai, nói ai nghe?

 Hướng dẫn 06 của Tỉnh ủy Yên Bái, mới nhất là Hướng dẫn 23 của Ban Tổ chức Trung ương đã quy định, các đối tượng xét kết nạp Đảng ở vùng sâu, vùng cao, trình độ văn hoá không tốt nghiệp tiểu học (hoặc tương đương) thì cấp ủy huyện phải báo cáo và được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đồng ý. Như vậy, Trung ương đã rất “mở”, còn lại là trách nhiệm của cấp ủy. Chủ quan, về phía cấp ủy, nhiều nơi chưa bám sát hướng dẫn của Trung ương. Việc hướng dẫn làm thủ tục kết nạp Đảng còn sơ sài, yếu kém. Năng lực lãnh đạo của nhiều chi bộ còn hạn chế. Cán bộ làm công tác Đảng cấp xã, hầu hết chưa nắm hết quy trình, có nguyên nhân do lười học tập, ngại việc…

Công tác DS-KHHGĐ cũng tương tự. Tảo hôn, sinh đẻ nhiều còn phổ biến. Một số chương trình, dự án về DS-KHHGĐ mang tính  hình thức, kết quả thấp. Nhiều cán bộ, đảng viên còn sinh con thứ 3, thứ 4. Đảng viên sinh nhiều con thì làm sao vận động được quần chúng? Những trở ngại trong công tác phát triển đảng viên người Mông ở Trạm Tấu có nét riêng. Như vậy, giải pháp cho vấn đề này phải chú ý tới đặc điểm của vùng miền, dân tộc. Trạm Tấu đang có những hạn chế trong công tác bồi dưỡng lý luận chính trị cho đối tượng Đảng.

Với trình độ như hiện nay, việc tiếp thu nội dung bài giảng, nhất là độ tuổi trên 35, rất khó khăn. Vậy có thể đổi mới phương pháp chuyển tải, kiểm tra mà vẫn bảo đảm nội dung tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn? Hoàn toàn có thể. Mấu chốt là, cấp ủy có quan tâm không, giảng viên có chịu đổi mới phương pháp truyền đạt cho phù hợp với nhận thức, trình độ của đối tượng không. Mắc nhất hiện nay ở cơ sở là việc hướng dẫn đối tượng viết lý lịch. Việc này, có thể đưa vào chương trình giảng dạy của các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị cho đối tượng xét kết nạp được không?

Về nguồn phát triển Đảng, theo chúng tôi, cần bám sát đối tượng học sinh người Mông ở các trường THPT nội trú; cán bộ thôn bản, đoàn thể ở xã; những người có uy tín trong cộng đồng, dòng họ. Về công tác Đảng, hầu hết cán bộ cơ sở đang rất yếu, việc tiến hành các thủ tục xét kết nạp rất chậm, quá thời gian quy định. Ở Đảng bộ xã Túc Đán, Pá Hu, nhiều năm không phát triển được đảng viên là có lý do này. Do vậy, cần thiết phải nêu cao trách nhiệm, vai trò và nâng cao trình độ công tác Đảng cho thường trực Đảng ủy cơ sở và bí thư chi bộ… Phát triển kinh tế đồng thời với phát triển văn hoá - xã hội, chất lượng giáo dục và công tác DS-KHHGĐ phải thực chất để tạo những chuyển biến vững chắc hơn, cần được coi là một giải pháp.

Phát triển Đảng là để tăng cường sức mạnh cho Đảng, để Đảng lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, từ đó tạo môi trường thu hút và kết nạp nhiều quần chúng ưu tú vào Đảng. Thiết nghĩ, khắc phục những trở ngại, hạn chế nêu trên, là nhiệm vụ có tính cấp thiết, cần sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy cấp trên, không chỉ riêng với Đảng bộ Trạm Tấu (Yên Bái) mà với nhiều địa phương khác trong cả nước có đồng bào dân tộc Mông sinh sống.

Tuấn Anh

Các tin khác
Đồng chí chủ tịch UBND tỉnh trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Luật NVQS, DQTV, DBĐV.

YBĐT - Ngày 20/8, UBND tỉnh Yên Bái đã tổng kết 12 năm thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự (NVQS), Pháp lệnh dân quân tự vệ (DQTV), Pháp lệnh dự bị động viên (DBĐV).

Yên Bái thu hút, khuyến khích phát triển đội ngũ cán bộ KHKT, cán bộ quản lý...

YBĐT - Tại kỳ họp thứ 13 - HĐND tỉnh Yên Bái khoá XVI đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung chính sách thu hút, khuyến khích phát triển đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT), cán bộ quản lý và đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số của tỉnh. Đây là một điều chỉnh hết sức hợp lý với tình hình thực tế, tạo điều kiện để việc thu hút cũng như đào tạo cán bộ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương được hiệu quả hơn.

Các đại biểu Quốc hội Khoá XII tỉnh Yên Bái thăm lớp học của Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Trạm Tấu. (Ảnh: Thế Quynh)

YBĐT - Trong những năm qua hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND) trong việc giám sát đối với hoạt động tư pháp và các cơ quan tư pháp địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bão lũ đã làm ngập và cuốn trôi 5.437 ha lúa và hoa màu.

YBĐT - Chiều 19/8, dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Thương Lượng - Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị bàn biện pháp khắc phục hậu quả cơn bão số 4.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục