Các địa phương cần khẩn trương khôi phục hạ tầng, sớm ổn định đời sống cho nhân dân

  • Cập nhật: Thứ năm, 28/8/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Hoàng Thương Lượng khi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả lũ lụt tại hai huyện Lục Yên và Yên Bình trong ngày 26 và 27/8/2008 vừa qua.

Nhân dân xã Phúc Ninh (Yên Bình) tích cực khắc phục hệ thống giao thông nông thôn.
Nhân dân xã Phúc Ninh (Yên Bình) tích cực khắc phục hệ thống giao thông nông thôn.

Cùng đi có lãnh đạo các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính vật giá, Giao thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Tại huyện Lục Yên, sau khi trực tiếp kiểm tra, nắm tình hình tại hai xã Động Quan và An Lạc, đoàn công tác của tỉnh đã nghe lãnh đạo huyện Lục Yên báo cáo về tình hình thiệt hại và các biện pháp khắc phục hậu quả mưa lũ. Là huyện chịu ảnh hưởng nặng nề về người và tài sản, toàn huyện đã có 8 người chết, 12 người bị thương, 74 ngôi nhà bị trôi hoặc sập đổ hoàn toàn, gần 200 ngôi nhà bị hư hỏng nặng.

Về nông nghiệp: 565 ha lúa, 325 ha ngô bị vùi lấp và bị ngập úng, 220 con lợn, 5000 con gà và 17 con trâu bị cuốn trôi. Toàn huyện có 55 công trình thuỷ lợi, 2 công trình nước sạch quy mô lớn bị hư hỏng; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở nghiêm trọng, một số công trình giáo dục, y tế, điện lực, viễn thông... bị thiệt hại nặng.

Tổng giá trị thiệt hại lên đến 43,3 tỷ đồng. Ngay trong lũ, lãnh đạo huyện đã về cơ sở nắm bắt tình hình, tổ chức thăm hỏi động viên và chỉ đạo công tác cứu trợ khẩn cấp. Huyện cũng đã làm tốt công tác tiếp nhận và phân phát hàng, tiền cứu trợ của Nhà nước, của các ngành và các tổ chức từ thiện cho những gia đình có người chết, bị thương, mất nhà cửa, tài sản... đặc biệt là gạo và mỳ tôm cho đồng bào nên không để ai đói khát trong lũ.

Hiện những người chết đã được mai táng, người bị thương được chữa trị, lương thực đã và đang tiếp tục cấp cho đồng bào; các gia đình mất nhà hoặc nhà trong vùng nguy hiểm đã được di dời đến ở nhờ nhà người thân hoặc ở trong các lều lán mới dựng; tích cực khôi phục đường giao thông nên cả đường tỉnh, đường huyện và đường liên thôn, liên xã  ô tô và xe máy có thể đi được; người dân đã bắt đầu khôi phục đồng ruộng, trồng ngô, nạo vét mương phai để chuẩn bị sản xuất...

Hai xã Yên Thành và Bạch Hà của huyện Yên Bình cũng chịu thiệt hại nặng do mưa lũ. Xã Yên Thành có 2 người chết, 7 ngôi nhà bị sập, 23 nhà khác bị hư hỏng nặng; gần 3 vạn m3 đất đá đã làm ách tắc nhiều tuyến đường trong xã; các công trình thuỷ lợi Ngòi Cụ, Khe Hóp bị hư hỏng nặng; 18,5 ha ruộng bị bồi lấp, 25 ha ao bị vỡ.

Xã Bạch Hà có 4 người chết, 3 người bị thương, 8 ngôi nhà bị đổ nát hoàn toàn; 22 nhà khác trong vùng nguy hiểm, 65 nhà bị hư hỏng nặng; nhiều tuyến đường giao thông bị sạt đất; đặc biệt, công trình thuỷ lợi Phai Minh và Phai Thao bị hư hỏng nặng. Do tuyến đường Đông hồ bị ách tắc nên công tác cứu trợ tới hai xã gặp nhiều khó khăn. Mặc dù vậy, huyện, xã đã tìm mọi biện pháp khắc phục, nhất là bà con trong làng, trong xã đã giúp nhau ổn định nơi ở và có lương thực, thực phẩm để dùng.

Khó khăn lớn nhất hiện nay của các địa phương là khối lượng bùn đất vùi lấp các công trình giao thông, thuỷ lợi và đồng ruộng rất lớn khiến việc khôi phục lại như cũ rất khó khăn và tốn kém; nhiều hộ dân mất nhà cửa hoặc toàn bộ tài sản phải cứu đói trong thời gian dài; hàng trăm hộ nhà bị trôi, lấp và hư hỏng nặng nên việc bố trí đất và việc làm nhà mới cho dân gặp nhiều khó khăn cần được hỗ trợ từ bên trên.

Sau khi nghe lãnh đạo các địa phương và các ban ngành của tỉnh báo cáo tình hình, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Trước mắt, các địa phương phải làm tốt công tác cứu trợ; việc phân phát tiền, hàng phải đảm bảo công bằng và minh bạch; làm tốt công tác khắc phục các công trình giao thông, thuỷ lợi, điện và thông tin liên lạc... trên tinh thần lựa chọn những công trình, những vị trí quan trọng cần thiết làm trước. Song song với việc chăm sóc tốt tích lúa, hoa màu không bị thiệt hại, phải gieo trồng rau màu, nhất là ngô để sớm bảo đảm nhu cầu lương thực, tỉnh sẽ cấp không giống ngô cho đồng bào.

Đối với việc giúp dân làm nhà ở, huyện và các xã cần coi trọng việc tái định cư xen kẽ, tỉnh đang xem xét hỗ trợ mỗi hộ bị mất nhà từ 10 đến 15 triệu đồng. Cùng với nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay không lãi, các xã chỉ đạo bà con, giúp nhau công sức, vật liệu... làm nhà tương đối bền vững, lâu dài, không nên vội vàng, làm tạm bợ; chính quyền cần quan tâm đến học sinh vùng lũ nhân dịp năm học mới và tiếp tục duy trì tốt việc bảo đảm an ninh trật tự, phòng trừ dịch bệnh cho người và vật nuôi.

Lê Phiên

* Đợt mưa lũ vừa qua, huyện Văn Yên thiệt hại trên 36 tỷ đồng trên lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp. Ngay sau khi lũ rút, các xã đã huy động nhân dân phục hồi được trên 216 ha lúa; thống kê được 650 ha lúa, ngô bị mất trắng có khả năng cải tạo đồng ruộng đi vào sản xuất vụ thu đông và gần 130 ha bị bồi lấp phải khắc phục chưa sản xuất được. Huyện đã đăng ký 15 tấn giống ngô với Sở Nông nghiệp &PTNT; triển khai phun 200 lít thuốc tiêu độc khử trùng vệ sinh thú y tại vùng lũ; xây dựng kế hoạch tiêm phòng tụ huyết trùng trâu, bò và dịch tả lợn tại 313 thôn ở 27 xã.

* Nhằm giúp nhân dân biết cách phòng chống dịch bệnh, xử lý môi trường, nguồn nước sau mưa lũ, vừa qua, Đội thanh niên tình nguyện Chi đoàn Sở Y tế đã đến khám chữa bệnh cấp thuốc miễn phí, truyền thông về phòng chống dịch bệnh cho nhân dân phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái với tổng trị giá số thuốc cấp miễn phí là 5.560.000 đồng. Bên cạnh đó, Chi đoàn còn tuyên truyền hướng dẫn nhân dân ăn ở hợp vệ sinh, phòng chống dịch bệnh...

Minh Đức - Thanh Thế


 

Các tin khác

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Australia tới đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Lãnh đạo Phòng Xây dựng chính quyền trao đổi nghiệp vụ chuyên môn với cán bộ trong phòng.

YBĐT - 63 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành (28/8/1945 - 28/8/2008), ngành Tổ chức Nhà nước tỉnh Yên Bái đã có đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng bộ máy nhà nước, sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng việc Việt Nam, Campuchia, Lào ký Hiệp ước xác định giao điểm đường biên giới giữa ba nước có ý nghĩa lịch sử, mở ra triển vọng hợp tác tam giác phát triển, mang lại lợi ích thiết thực cho ba nước, ba dân tộc.

"Là tỉnh có tài nguyên rừng phong phú mà như vậy mà để nghèo đói là thiếu trách nhiệm với dân” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói trong buổi làm việc tại tỉnh Lai Châu ngày 24/8.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục