Nhiều đại biểu Quốc hội vẫn băn khoăn về nguy cơ lạm phát khi tăng mức bội chi
- Cập nhật: Thứ năm, 28/5/2009 | 12:00:00 AM
Ngày 27/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về các báo cáo của Chính phủ và các ủy ban thẩm tra của Quốc hội về việc thực hiện, triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Điều mà nhiều đại biểu băn khoăn lo lắng là nếu tăng mức bội chi như đề xuất của Chính phủ, có thể dẫn tới nguy cơ lạm phát trở lại.
Các đại biểu thảo luận tại Hội trường
|
Đại biểu Trịnh Thị Nga - Phú Yên - cho rằng, việc Chính phủ đề nghị nâng bội chi từ dưới 5% lên 8% cần được cân nhắc kỹ. Trước hết, Chính phủ nên rà soát, đánh giá hiệu quả việc điều hành của mình về các nguồn thu cũng như việc bố trí các khoản chi như thế nào, tiết kiệm chi như thế nào.
Theo bà Nga, việc nâng mức này lên là cần thiết, nhưng tỷ lệ 8% sẽ làm tăng khối lượng tiền trong lưu thông rất lớn, chắc chắn vấn đề tái lạm phát có thể xảy ra.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Mai Thị Ánh Tuyết - An Giang - cũng nhất trí, Chính phủ cần có những giải pháp tích cực trong điều hành để mức bội chi giảm dưới 8%, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Mức bội chi này chỉ nên mang tính ngắn hạn, cấp bách không nên kéo dài tới 4-5 năm như Chính phủ trình Quốc hội.
"Theo qui luật kinh tế, cần duy trì tốc độ lạm phát thấp hơn tốc độ tăng trưởng theo chuỗi thời gian dài. Trong khi GDP tăng trưởng điều chỉnh là 5%, chỉ tiêu lạm phát dưới 10%, theo tôi là một điều hành kinh tế thiếu tính vững chắc. Chính phủ cần có giải pháp tích cực để tránh vấn đề lạm phát quay trở lại", bà Tuyết đề nghị.
Đại biểu Đinh Trịnh Hải - Ninh Bình - đánh giá, chỉ tiêu bội chi ngân sách 8% như đề xuất của Chính phủ là cao.
"Có lẽ, mức bội chi ngân sách chỉ ở mức dưới 7% là phù hợp và không kéo dài trong 3-5 năm như đề xuất của Chính phủ, chỉ nên áp dụng trong năm 2009. Nếu tình hình kinh tế xã hội năm 2010 có diễn biến phức tạp thì chúng ta thực hiện, xem xét điều chỉnh vào kỳ họp tới", ông Hải đề xuất.
Không dừng ở lo ngại về nguy cơ tái lạm phát, đại biểu Trần Du Lịch - TP Hồ Chí Minh - đưa ra một mối lo khác mà theo ông còn "nghiêm trọng" hơn: đó là trì lạm.
"Nếu Chính phủ không kiểm soát được giá cả để năm 2009, chỉ số tăng giá trên 10%, trong điều kiện nếu kinh tế chỉ tăng trưởng 4-5%, thì chúng ta thực sự rơi vào tình trạng, hiện tượng mà chúng tôi gọi là trì lạm. Tức là vừa trì trệ, vừa lạm phát", ông Lịch nói.
Theo ông Lịch, đây là một hiện tượng cực kỳ khó trị vì nó vô hiệu hóa tất cả các công cụ, chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá. Ông cho rằng, một điều kiện rất quan trọng để ngăn chặn tình trạng trì lạm của nền kinh tế là phải quyết liệt điều chỉnh chỉ tiêu tăng giá tức là CPI dưới 10% và kiểm soát cho được bình quân năm 2009 không thể để mức tăng giá bình quân mỗi tháng 0,7%.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi-Thanh Hoá - lại đề nghị không nên tăng thâm hụt ngân sách, vì bội chi ngân sách có thể làm cho lạm phát và thâm hụt ngân sách tăng cao. Theo ông, Chính phủ cần rà soát lại cơ sở khoa học của quy mô cũng như các công cụ chính sách kích cầu cụ thể, vì hiện nay độ co giãn của việc làm so với tăng trưởng kinh tế không còn hữu hiệu đối với kinh tế Nhà nước.
"Chỉ có khu vực FDI có tăng thêm việc làm nhưng lại bị hạn chế do suy thoái kinh tế, trong khi hệ số ICO của chúng ta có xu hướng gia tăng, nên bội chi sẽ là gánh nặng cho ngân sách", ông Lợi nói.
Làm rõ thêm cơ sở để Chính phủ đề nghị nâng mức bội chi lên 8%, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết: "Trong bối cảnh đặc biệt kinh tế biến động, chúng ta cần thiết phải có những giải pháp, tình thế đặc biệt để vượt qua khó khăn. Để chủ động, linh hoạt kịp thời trong điều hành, Chính phủ đề nghị với Quốc hội giới hạn bội chi tối đa là 8%. Đây là giới hạn tối đa trong điều hành một cách linh hoạt tương ứng với các phương án giá dầu".
Cũng theo Bộ trưởng, trong trung hạn 3 đến 5 năm tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội điều hành ngân sách vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế sau khủng hoảng, vừa giảm dần bội chi ngân sách, đảm bảo bình quân 5 năm bội chi vẫn trong phạm vi 5 % giới hạn an toàn, dư nợ vay của Chính phủ trong giới hạn an toàn khi tăng trưởng kinh tế ở mức cao hơn 8% thì bội chi sẽ giảm xuống dưới 5%. Cách điều hành này sẽ đảm bảo được an ninh tài chính quốc gia, các cân đối vĩ mô, tạo nguồn đảm bảo, nguồn chi cho cả ngân sách trung ương, ngân sách địa phương.
"Hiện nay, giá dầu thô cũng đã tăng lên. Bình quân 4 tháng đầu năm 2009, giá dầu thô là 45 USD/thùng, hiện nay đã xấp xỉ 60 USD/thùng. Kinh tế khả quan nếu tăng trưởng tốt cũng là điều kiện để tăng thu ngân sách Nhà nước và là cơ sở để Chính phủ điều hành bội chi thấp hơn 8%", Bộ trưởng nói.
Trước những băn khoăn của nhiều đại biểu về một mức bội chi hợp lý, khi kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho biết, Quốc hội sẽ gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu về việc này.
(Theo HNMO)
Các tin khác
YBĐT - Thảo luận tại hội trường, ông Nguyễn Văn Tuyết – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái đề nghị Chính phủ cần tăng việc hỗ trợ trực tiếp cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, hạn chế qua các khâu trung gian, nhất là trong tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ lãi suất và tín dụng cho các doanh nghiệp kinh doanh nông sản nhất là kinh doanh xuất khẩu.
YBĐT - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái tại buổi làm việc với Trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật và Du lịch Yên Bái ngày 27/5. Cùng đi còn có lãnh đạo sở: Giáo dục và đào tạo, Tài chính, Kế hoạch đầu tư, Nội vụ, Xây dựng và Văn hoá Thể thao và Du lịch.
Sau hai ngày làm việc, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á-Âu lần thứ 9 (FMM9) với chủ đề “Tăng cường quan hệ đối tác Á-Âu nhằm ứng phó với khủng hoảng kinh tế-tài chính và các thách thức toàn cầu” đã kết thúc tốt đẹp tại Hà Nội ngày 26/5.
YBĐT - Ngày 26/5, Đoàn công tác của Tỉnh ủy và Báo Thái Nguyên đã đến thăm, làm việc với Báo Yên Bái để tìm hiểu về công tác tổ chức cán bộ và công tác tuyên truyền, xuất bản của Báo Yên Bái.