Khâu đột phá gỡ bỏ thế trì trệ, ỷ lại
- Cập nhật: Thứ hai, 8/6/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Có thời kỳ lên vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái), cán bộ tỉnh, huyện còn nghe cán bộ xã tập đọc báo cáo trước khi diễn ra hội nghị quan trọng ở xã. Mọi việc, từ xây dựng kế hoạch đến chuẩn bị văn bản báo cáo đã có cán bộ cấp trên xuống lo giùm dẫn đến sai lầm thành hệ thống, nhiều cán bộ yếu kém không chịu phấn đấu, ỷ lại...
Lãnh đạo huyện Mù Cang Chải và lực lượng vũ trang thăm gia đình bà Sùng Thị Cu được bộ đội giúp làm chuồng trâu, vận động không thả rông gia súc.
|
Thực trạng đó dần được khắc phục, nhất là Nghị quyết T.Ư 3, khoá VIII về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước” được huyện quán triệt, cụ thể hoá và phát huy.
Nguyên nhân của sự trì trệ
Nếu đánh giá chất lượng cán bộ của Mù Cang Chải những năm đầu của thế kỷ 21 là cả một vấn đề nan giải. Đối với đội ngũ cán bộ xã, người biết đọc, biết viết tính chưa hết 10 đầu ngón tay, đại đa số cán bộ chưa qua đào tạo chuyên môn (chiếm trên 95%). Số cán bộ được đào tạo chủ yếu là ngành nông lâm nghiệp (ở cán bộ chủ chốt), các chức danh chuyên môn khác hoạt động chủ yếu bằng kinh nghiệm và tự làm, tự nghiên cứu rút kinh nghiệm là chính.
Trong quá trình bố trí, sắp xếp cán bộ vẫn thiên về cục bộ địa phương (dòng họ, vị trí, thôn bản...). Vì vậy khi bố trí chưa thật sự đúng người, đúng việc, thực tế cán bộ thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu vì năng lực yếu. Như ngày mới thành lập thị trấn, huyện phải bố trí tới 9 cán bộ đã nghỉ hưu trở lại hoạt động. Đối với cán bộ cấp huyện cũng vướng nhiều vấn đề, do đào tạo chuyên môn không đúng chuyên ngành nên việc bố trí cán bộ ở một số cơ quan chuyên môn chưa thật phù hợp. Đội ngũ cán bộ trẻ ít kinh nghiệm, tính sáng tạo chưa cao, đặc biệt số cán bộ có thâm niên công tác nhưng lại chưa tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm.
Có những cán bộ tuy có bằng cấp nhưng hiểu biết về thực tiễn còn rất hạn chế, hiệu quả công tác thấp. Đáng buồn, một số cán bộ còn vi phạm tệ nạn xã hội (ma tuý, cờ bạc). Cán bộ quản lý phòng chuyên môn có thời gian dài làm công tác quản lý song lại không chú trọng công tác qui hoạch, bồi dưỡng cán bộ dẫn đến khi điều động, luân chuyển, thay đổi cán bộ đơn vị thì trở nên lúng túng, bị động, không có nguồn thay thế.
Những tồn tại trên trước hết là do việc bố trí, sử dụng cán bộ chưa đúng theo Nghị định của Chính phủ, việc bố trí sắp xếp lại cán bộ chưa kịp thời; nguồn cán bộ không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, việc giải quyết cho số cán bộ sau qui hoạch gặp rất nhiều vướng mắc. Phần lớn cán bộ chủ chốt chưa được bồi dưỡng về kiến thức quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, gây sự trì trệ trong công tác quản lý và thực thi nhiệm vụ. Vai trò lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên chưa được phát huy. Công tác qui hoạch cán bộ bị chi phối bởi phong tục tập quán, các quan hệ ràng buộc theo dòng họ, xã, thôn bản...
Tạo bước đột phá
Trong mục tiêu xây dựng cán bộ của Mù Cang Chải đến năm 2010: 75-80% cán bộ lãnh đạo cấp xã được chuẩn hoá; 85% cán bộ quản lý được chuẩn hoá về chuyên môn. Đến năm 2015: 100% cán bộ được chuẩn hoá và 100% cán bộ quản lý được chuẩn hoá về chuyên môn. Thực hiện luân chuyển cán bộ từ ngành xuống cơ sở đạt 40- 50% số xã; từ xã lên cơ quan huyện đạt 10- 15% số cơ quan. Trong một nhiệm kỳ luân chuyển cán bộ chủ chốt giữa các xã, thị trấn đạt 20- 30%. Đánh giá cán bộ hàng năm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 20%; hoàn thành nhiệm vụ 61%; 17% chưa hoàn thành nhiệm vụ; 2% không hoàn thành nhiệm vụ, trong đó cán bộ lãnh đạo từ cấp phó, trưởng ngành trở lên có 35- 45% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Trước thực trạng về đội ngũ cán bộ, Huyện uỷ Mù Cang Chải đã tập trung chỉ đạo từ khâu học tập, quán triệt, xây dựng chương trình hành động các nghị quyết, chỉ thị liên quan đến công tác cán bộ. Nhiều người lên công tác tại Mù Cang Chải nhận định, so với huyện vùng cao khác, đội ngũ cán bộ huyện Mù Cang Chải đã có bước chuyển biến quan trọng cả về số lượng và chất lượng, nhất là sau 10 năm thực hiện đổi mới công tác cán bộ. Những con số thuyết phục cho thấy, hầu hết cán bộ chủ chốt từ huyện xuống cơ sở được trẻ hoá, nâng cao chất lượng nhiều mặt.
Hiện có trên 90% diện cán bộ chủ chốt cấp cơ sở có trình độ học vấn hết tiểu học, nhiều đồng chí có trình độ sơ cấp lý luận và được đào tạo về chuyên môn, gần 20% cán bộ lãnh đạo chủ chốt, trưởng phó các ban ngành, đoàn thể cấp huyện có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học chuyên ngành, trên 15% có trình độ cao cấp, cử nhân chính trị.
Trong 255 cán bộ xã có 34 cán bộ trẻ dưới 40 tuổi; 115 cán bộ từ 41- 50 tuổi; 100% cán bộ được phát triển tại chỗ, tạo được sự gắn bó tin tưởng trong nhân dân. Song, Đảng bộ huyện xác định công tác luân chuyển cán bộ là khâu đột phá để gỡ bỏ thế trì trệ, ỷ lại hiện nay trong một bộ phận cán bộ từ huyện xuống cơ sở. Tuy nhiên, việc luân chuyển cán bộ cũng không đơn giản.
Như Trưởng ban Tổ chức Huyện uỷ Lê Trọng Khang phân trần: Các bước từ phổ biến, quán triệt tư tưởng với cán bộ được tăng cường, đến tổ chức hội nghị, nắm bắt, thăm dò ý kiến tại cơ sở phải được thực hiện thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm công khai, dân chủ, hợp lòng dân. Việc lựa chọn, bố trí cán bộ thực hiện ngay từ cơ sở, cơ bản đúng qui trình, tương đối ổn định phát triển và có sự kế thừa.
Nhiều năm qua huyện đã điều động giữa các ban ngành là 115 đồng chí; điều động từ huyện xuống xã là 17 đồng chí, từ xã lên huyện 8 đồng chí. Nhất là trong đợt 1 năm 2009 đã điều động, luân chuyển 6 đồng chí ở các xã với chức danh bí thư xã Hồ Bốn, phó chủ tịch xã Nậm Có, Kim Nọi… bước đầu có chuyển biến về lề lối, tác phong làm việc, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Thực hiện chiến lược công tác cán bộ, trên cơ sở qui hoạch theo hướng mở, Mù Cang Chải phải chú ý đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ người địa phương; thực hiện tốt việc đánh giá cán bộ trên tiêu chuẩn, hiệu quả công việc và sự tín nhiệm của nhân dân.
Cùng với xây dựng chuẩn hoá chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt thuộc xã huyện quản lý, cải cách công tác quản lý cán bộ; làm tốt công tác qui hoạch, gắn với đào tạo, nhằm tạo ra khâu đột phá trong công tác tổ chức cán bộ, khắc phục cục bộ, khép kín.
Cần tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ, như nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, đứng đầu các tổ chức chính trị. Trọng tâm việc đổi mới công tác cán bộ của huyện trong thời gian tới là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ huyện đến cơ sở vững về bản lĩnh chính trị, có kiến thức, năng lực, tâm huyết với sự nghiệp đổi mới, gắn bó với địa phương, với nhân dân.
Huy Văn
Các tin khác
Sáng 7.6, ông Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về xây dựng mô hình “Nông thôn mới” đã về làm việc tại xã Thụy Hương, H.Chương Mỹ, Hà Nội. Đây là xã thí điểm xây dựng mô hình “Nông thôn mới” trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã giao thiệp với Đại sứ quán Trung Quốc, đề nghị phía Trung Quốc không có các hoạt động cản trở hoạt động bình thường của ngư dân Việt Nam.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, nên hạ độ tuổi hưởng trợ cấp của người cao tuổi từ 85 tuổi như hiện nay xuống 80 tuổi với nam và 75 tuổi với nữ.
YBĐT - Ngày 3/6, đồng chí Hoàng Xuân Lộc – Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái đã có buổi làm việc với ngành Giao thông vận tải về tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới.