Cần cơ chế mới cho hoạt động và tài chính của cơ quan báo chí

  • Cập nhật: Thứ sáu, 19/6/2009 | 12:00:00 AM

Báo chí vừa làm nhiệm vụ chính trị, tư tưởng lại vừa phải đảm bảo cơ chế tự hạch toán kinh tế. Chính vì thế, rất cần tháo gỡ một số vướng mắc cho các cơ quan này về cơ chế, luật pháp.


Độc giả, khán giả ngày càng có nhiều lựa chọn.
Độc giả, khán giả ngày càng có nhiều lựa chọn.

Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) sẽ được trình Chính phủ vào tháng 2/2010, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị một tháng sau đó và trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 5/2010. Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật này tại kỳ họp thứ 8, tháng 10/2010, chậm 1 năm so với dự kiến. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, để tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí, nhà báo hoạt động, rất cần điều chỉnh một số qui định.

Bức xúc về “Người phát ngôn”

Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế về người phát ngôn để tạo điều kiện cho báo chí  tiếp xúc nhanh chóng với kênh thông tin chính thức. Người làm báo mừng lắm khi qui chế này ra đời. Thế nhưng, thực tế tình hình lại không được cải thiện nhiều như mong muốn. Bằng chứng là đến thời điểm này nhiều cơ quan chưa có người phát ngôn, nhiều nhà báo bị người phát ngôn từ chối cung cấp thông tin mà không biết lý do…

Theo ông Nguyễn Đình Xuân (đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh) thì có những cơ quan cử người phát ngôn sau đó họ không giao cho người phát ngôn những thẩm quyền, thông tin cần thiết. Thậm chí, cơ quan đó còn không chỉ đạo tốt để họ hoàn thành chuyên môn của mình. Điều này đã làm ảnh hưởng đến giá trị của một luật, mà luật này lại ảnh hưởng đến công việc của báo chí. Báo chí có nhiệm vụ quan trọng là tuyên truyền chính sách, thực hiện quyền của người dân là được biết, được bàn, được kiểm tra những công việc của Nhà nước.

Còn theo PGS. TS Tạ Ngọc Tấn - Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản thì cần có qui định cụ thể, chặt chẽ về quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm của người phát ngôn. Việc phân công người phát ngôn là rất cần thiết. Ông Tạ Ngọc Tấn đưa ra dẫn chứng: ở Anh, qui định về phát ngôn rất chặt chẽ, đặc biệt là trong ngành ngân hàng, tài chính. Chỉ người có trách nhiệm đặc biệt mới có quyền phát ngôn chính thức. Và chỉ những thông tin ấy mới được coi là chính thức. Những thông tin được đưa ra từ nguồn khác thì những người liên quan hoàn toàn có thể kiện ra toà.

Bao giờ cũng vậy, trách nhiệm chính trị-xã hội của nhà báo cũng đặt lên như một vấn đề đặc biệt quan trọng. Nhà báo phải có trách nhiệm với nhân dân, nghề nghiệp. Trong sự phát triển của kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế đòi hỏi  nhà báo phải có tính chuyên nghiệp cao hơn. – PGS.TS Tạ Ngọc Tấn - Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản.

Bên cạnh đó, trong quá trình tác nghiệp, nhiều nhà báo bức xúc về việc bị từ chối trả lời phỏng vấn mà không biết rõ lý do.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, vì chúng ta chưa có chế tài nên việc thực hiện các qui định về người trả lời phỏng vấn chưa được thực hiện nghiêm túc. “Chuyện này rất bình thường, ngay cả báo chí nước ngoài cũng có chuyện các chính khách từ chối trả lời. Tất nhiên,  khi họ từ chối thì phải nói lý do, thời hạn sẽ trả lời. Nếu được như vậy thì đó cũng là việc làm có trách nhiệm. Từ chối trả lời, bình luận về một vấn đề gì đó cũng là quyền của người được hỏi. Tuy nhiên, quyền này được cụ thể hoá đến đâu và phải có lý do chính đáng. Nếu để bảo vệ cho chính bản thân mình mà bất chấp các thiệt hại xã hội thì cũng là sai trái” – ông Nguyễn Đình Xuân nói.

Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá-Giáo dục thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết, sắp tới, nên đưa quy định về người phát ngôn vào luật, nhưng cần quy định cụ thể hơn về chế độ tiếp xúc định kỳ và không định kỳ của người phát ngôn với báo chí và về một số trường hợp như: Người phát ngôn bận thì ai thay? Người phát ngôn không nắm sát vấn đề báo chí hỏi thì có quyền giới thiệu người khác thế nào…

 Ưu tiên về thuế cho báo chí

Theo ông Tạ Ngọc Tấn, chuyện tự hạch toán kinh doanh của đơn vị báo chí thì trước sau chúng ta cũng phải tính đến, đó là qui luật của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, hoạt động báo chí là lĩnh vực công tác tư tưởng nên Nhà nước cũng đã có chính sách để bảo đảm, ủng hộ báo chí ở một mức độ nào đó. Ví dụ như chính sách thuế, chính sách cho những người làm báo, giá giấy, công in, bảo hiểm xã hội… để bảo đảm phần ưu tiên nhất định cho báo chí. “Đây là công tác chính trị-tư tưởng chứ không phải một loại hàng hoá đơn giản”- ông Tạ Ngọc Tấn nhấn mạnh.

Để hỗ trợ tốt nhất cho cơ quan báo chí, theo ông Nguyễn Minh Thuyết là bằng các chính sách ưu đãi về thuế. “Theo tôi, thuế doanh nghiệp, giá trị gia tăng, quản lý thuế đối với cơ quan báo chí cần được chỉnh sửa”- ông Thuyết nói.

Theo ông Nguyễn Minh Thuyết, những vấn đề này Bộ Tài chính đã hứa nghiên cứu và chắc là sẽ có giải pháp thích hợp. Bởi lẽ, trong Luật doanh nghiệp cũng qui định các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục thì được hưởng ưu đãi 10% thuế hoặc các doanh nghiệp mới thành lập trong các lĩnh vực khác thì cũng được hưởng thuế 10%.

Bộ Thông tin-Truyền thông đã nhiều lần làm công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị nghiên cứu giải quyết những vướng mắc trong giải quyết thuế doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng cho các cơ quan báo chí. Bộ Tài chính cũng đã có công văn trả lời và giải thích rõ. Ví dụ, áp dụng thuế doanh nghiệp có đưa vào nhóm 10% không thì lại thuộc thẩm quyền Chính phủ. Bộ Tài chính hứa là sẽ kiến nghị Chính phủ để nghiên cứu giải quyết. Còn việc áp dụng thuế giá trị gia tăng thì lại là qui định của luật. Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu trình Quốc hội để xem xét giải quyết.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Minh Thuyết, sở dĩ các cơ quan báo chí gặp khó khăn khi thực hiện cơ chế tự hạch toán vì “Rất ít cơ quan chủ quản thực hiện đúng qui định cung cấp vốn ban đầu cho báo chí và xuất bản hoạt động. Lúc cơ quan chủ quản làm công văn xin thành lập cơ quan báo chí, xuất bản thì đều hứa hẹn rất “hoành tráng” nhưng sau đó thì không có mấy cơ quan thực hiện được. Vì thế, báo chí cũng phải “tự bơi”.

Chỉ có một số tờ báo hoạt động tốt, có đóng góp cho Nhà nước nhưng phần lớn cơ quan báo chí, xuất bản hiện nay hoạt động trong tình trạng kinh phí eo hẹp, lợi nhuận gần như không có hoặc có rất ít.

Báo chí kinh doanh đa ngành?

Trong điều kiện phải tự hạch toán, nhiều cơ quan báo chí đã phải “mày mò” tìm thêm “mảng” mới để tăng thu nhập. Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Xuân thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Tôi không ủng hộ việc cơ quan báo chí kinh doanh ra ngoài lĩnh vực của mình. Báo chí cũng là một quyền lực, vậy nếu kinh doanh thì có lạm dụng quyền lực đó không? Báo chí chỉ kinh doanh trong lĩnh vực báo chí, truyền thông”.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, cần có qui định cụ thể lĩnh vực nào cơ quan báo chí có thể tham gia.

“Luật Báo chí qui định các cơ quan báo chí hoạt động đúng chức năng của mình cho nên việc một số cơ quan kinh doanh trong lĩnh vực khác cần phải xem xét và có những qui định thích hợp. Đặc biệt, nếu các cơ quan đó kinh doanh trong lĩnh vực khác thì phải điều chỉnh theo Luật Doanh nghiệp” – ông Nguyễn Minh Thuyết phân tích rõ hơn.

Sớm sửa Luật Báo chí

Luật Báo chí được Quốc hội ban hành năm 1989, sau đó được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 1999. Tới nay, sau gần 10 năm thực hiện Luật Báo chí và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí, tình hình phát triển báo chí có những biến chuyển lớn. Nhiều hoạt động báo chí, loại hình báo chí (báo chí đa phương tiện) hiện không nằm trong sự điều chỉnh của Luật.

“Đây là xu hướng bình thường, vì đó là sự tiến bộ của công nghệ và sẽ xoá nhoà dần ranh giới giữa các loại hình báo chí. Chúng ta cũng sẽ chấp nhận nó đồng thời có những giải pháp để quản lý chặt chẽ hơn. Sự phát triển này tạo ra sự phong phú về ấn phẩm, có lợi cho độc giả. Cơ quan quản lý phải có những giải pháp đế thích ứng với những vấn đề này” – ông Nguyễn Đình Xuân nói. Trong Luật Báo chí cũng không qui định cụ thể về việc liên danh, liên kết giữa cơ quan báo chí với tổ chức không phải của Nhà nước, cá nhân. “Tuy nhiên, trong thực tế liên danh này đã có rất nhiều và đã có sai phạm. Luật báo chí cũng cần phải đưa ra những qui định cụ thể để điều chỉnh hành vi này. Luật cũng không thể qui định quá cứng nhắc nhưng liên doanh, liên kết đến mức độ nào, trong lĩnh vực nào thì cần phải qui định rõ” – ông Nguyễn Minh Thuyết nói.

“Cơ quan báo chí cần tự mình rà soát và kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội có việc sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật Báo chí và có cần phải ban hành thêm các Nghị định hướng dẫn điều khoản cụ thể nào không?” – ông Nguyễn Đình Xuân lưu ý.

(Theo VOV)

Các tin khác
Đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh xem xét quy hoạch cụm công nghiệp Lục Yên.

YBĐT - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Hoàng Xuân Lộc – Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái trong chuyến đi nghiên cứu Hang Thẩm Dương tại xã Liễu Đô và xem xét tình hình triển khai xây dựng cụm Công nghiệp huyện Lục Yên, tiến độ thi công Thuỷ điện Ngòi Hút ở xã vùng cao Phong Dụ Thượng (Văn Yên); làm việc với lãnh đạo huyện Lục Yên, Văn Yên trong ngày 16 và 17/6/2009.

YBĐT - Trong những năm qua, hoạt động tiếp xúc cử tri (TXCT) của đại biểu HĐND tỉnh Yên Bái đã được cải tiến cả hình thức và nội dung, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND.

Chiều 17/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 và bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH nhiệm kỳ khóa XII, với tỷ lệ 88,44%.

Đồng chí Bùi Anh Tuý - Tổng biên tập Báo Yên Bái trao thưởng cho các cộng tác viên xuất sắc.

YBĐT - Kỷ niệm 84 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam(21/6/1925 - 21/6/2009), ngày 17/6, Báo Yên Bái tổ chức Hội nghị Tuyên truyền - xuất bản và công tác thông tin viên, cộng tác viên năm 2009.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục