Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XII thành công tốt đẹp
- Cập nhật: Thứ bảy, 20/6/2009 | 12:00:00 AM
Quốc hội đã xem xét và thông qua 11 dự thảo luật, góp phần tiếp tục tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn bế mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XII
|
Sau 26 ngày làm việc khẩn trương trong không khí dân chủ và với tinh thần đổi mới, trách nhiệm cao, chiều 19/6, Quốc hội họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XII. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008, việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2009; tiến hành công tác xây dựng pháp luật, hoạt động giám sát và quyết định một số vấn đề quan trọng khác. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, tại kỳ họp này, Quốc hội đã tiến hành chất vấn 6 vị Bộ trưởng và nghe Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề lớn về công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, của các Bộ, ngành về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội. Tiếp tục thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm (2006-2010) Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đánh giá: Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XII đều là những vấn đề quan trọng mà cử tri cả nước và đại biểu Quốc hội rất quan tâm. Việc chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có những đổi mới, cải tiến theo hướng tập trung hơn và có chiều sâu hơn, thực chất hơn. Qua chất vấn và trả lời chất vấn đã làm rõ thêm nhiều vấn đề lớn, quan trọng, góp phần thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đất nước. Các thành viên Chính phủ đã trả lời chất vấn nghiêm túc, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến xác đáng của các đại biểu Quốc hội. Quốc hội yêu cầu các thành viên Chính phủ sớm triển khai thực hiện các giải pháp, lời hứa và nhiệm vụ thuộc chức trách của mình, tích cực khắc phục những hạn chế, tồn tại và báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau.
Các đại biểu Quốc hội làm lễ chào cờ
Các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát, đôn đốc việc thực hiện.
Quốc hội giao Uỷ ban thường vụ Quốc hội trên cơ sở tổng hợp chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này, lựa chọn một số vấn đề bức xúc, kết hợp với chất vấn của đại biểu Quốc hội giữa hai kỳ họp Quốc hội để tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Trong thời gian qua, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với những nguyên nhân nội tại, nền kinh tế nước ta gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với sự tập trung lãnh đạo của Trung ương Đảng; sự linh hoạt, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ; sự cố gắng, nỗ lực của các ngành, các cấp, của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước; sự tích cực giám sát của Quốc hội, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã bước đầu hạn chế được ảnh hưởng tiêu cực của suy thoái kinh tế thế giới và đạt được những kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; sản xuất công nghiệp, xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực có xu hướng tăng; sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản phát triển khá; lạm phát tiếp tục được kiềm chế; an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững, đối ngoại được mở rộng; những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm và đời sống nhân dân đang từng bước được tháo gỡ...
Tuy nhiên, đến nay, tình hình kinh tế - xã hội nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu, tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để đạt được mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, giữ ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động phòng ngừa lạm phát cao trở lại; bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Nhiệm vụ đặt ra cho những tháng còn lại của năm 2009 và năm tiếp theo là rất nặng nề. Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, phát huy thuận lợi, vượt qua khó khăn, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010.
Trước phiên bế mạc, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về điều chỉnh mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu kinh tế, ngân sách Nhà nước, phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ năm 2009 và miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân với 444/462 đại biểu tán thành (chiếm 90,06%); Thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề Đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm với 461/464 đại biểu nhất trí (chiếm 93,51%).
Quang cảnh phiên bế mạc |
Bội chi ngân sách năm 2009 không quá 7% GDP
Quốc hội đã thông qua việc điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2009 khoảng 5%; chỉ số giá tiêu dùng dưới 10%; chỉ tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu 3%; mức bội chi ngân sách Nhà nước không quá 7%GDP. Căn cứ vào tình hình thực tế, Chính phủ điều hành bội chi ngân sách Nhà nước ở mức thấp nhất và giảm dần trong một số năm tiếp theo.
Phát hành bổ sung 20.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án, công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục theo mục tiêu đã được Quốc hội quyết định. Đồng thời, bổ sung mục tiêu đầu tư xây dựng ký túc xá cho sinh viên và các dự án cấp bách, nhất là ở các địa phương nghèo, kinh tế chậm phát triển. Chính phủ xây dựng phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi quyết định theo quy định của pháp luật.
Đối với việc miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân, Quốc hội thông qua miễn toàn bộ số thuế thu nhập cá nhân từ tháng 1/2009 đến hết tháng 6/2009 đã giãn cho các đối tượng.
Tiếp tục miễn số thuế thu nhập cá nhân từ ngày 1/7/2009 đến hết năm 2009 đối với thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn, từ bản quyền, nhượng quyền thương mại.
Tăng đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm
Về Nghị quyết giám sát chuyên đề Đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, Quốc hội giao cho Chính phủ thực hiện việc sớm trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật An toàn thực phẩm; sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để điều chỉnh toàn diện, đồng bộ và thống nhất các vấn đề về quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Xây dựng chiến lược quốc gia đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm giai đoạn từ năm 2011 đến 2020 và xác định việc bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm là Chương trình mục tiêu quốc gia. Có lộ trình và giải pháp cần thiết để giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại trong công tác quản lý và bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; quy hoạch cơ sở sản xuất, kinh doanh đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, chợ đầu mối thực phẩm; kiểm soát ô nhiễm vi sinh vật và tồn dư hoá chất trong thực phẩm, ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm; quản lý chặt chẽ thực phẩm có nguy cơ cao, thực phẩm chức năng và thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt là thực phẩm nhập khẩu tiểu ngạch.
Trong dự toán ngân sách Nhà nước hằng năm, bố trí kinh phí đảm bảo đủ mức cần thiết để thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm tăng dần hằng năm cùng với tăng thu của ngân sách nhà nước. Trong đó chú trọng tăng kinh phí cho công tác quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm ở các địa phương, đặc biệt là ở cấp xã.
Từ năm 2010 tăng đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm.
(Theo VOV)
Các tin khác
YBĐT - Đó là yêu cầu của đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái trong chuyến công tác tại huyện Văn Yên ngày 17 và 19/6.
Quốc hội biểu quyết thông qua 4 nội dung quan trọng, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự và Nghị quyết về Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009-2014.
Báo chí vừa làm nhiệm vụ chính trị, tư tưởng lại vừa phải đảm bảo cơ chế tự hạch toán kinh tế. Chính vì thế, rất cần tháo gỡ một số vướng mắc cho các cơ quan này về cơ chế, luật pháp.
YBĐT - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Hoàng Xuân Lộc – Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái trong chuyến đi nghiên cứu Hang Thẩm Dương tại xã Liễu Đô và xem xét tình hình triển khai xây dựng cụm Công nghiệp huyện Lục Yên, tiến độ thi công Thuỷ điện Ngòi Hút ở xã vùng cao Phong Dụ Thượng (Văn Yên); làm việc với lãnh đạo huyện Lục Yên, Văn Yên trong ngày 16 và 17/6/2009.