Triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về công tác y tế - dân số, giáo dục và đào tạo

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/6/2009 | 12:00:00 AM

Ngày 25-6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp Ban Cán sự Ðảng các bộ Y tế, Giáo dục và Ðào tạo tổ chức hội nghị triển khai các Kết luận của Bộ Chính trị về công tác y tế - dân số, giáo dục - đào tạo.

Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo; Phùng Hữu Phú, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư;  Nguyễn Quốc Triệu, Bộ trưởng Y tế; Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phụ  trách  khối  văn hóa  -  xã  hội; Trưởng Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc T.Ư.

Quán triệt Kết luận của Bộ Chính trị về công tác y tế - dân số, đồng chí Nguyễn Quốc Triệu trình bày tổng quan về công tác y tế - dân số trong ba năm qua, các nhiệm vụ chủ yếu cần phải thực hiện để triển khai các Kết luận của Bộ Chính trị.

Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Ðảng, Quốc hội và Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, các địa phương, sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, sự tham gia của nhân dân cùng sự nỗ lực, quyết tâm của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong ngành, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt những kết quả tích cực đóng góp quan trọng vào việc bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện được các nhiệm vụ về phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Kết quả quan trọng nhất của ngành y tế đạt được trong ba năm qua là: kiểm soát chặt chẽ và khống chế thành công dịch bệnh, đặc biệt là dịch bệnh nguy hiểm như SARS, cúm A (H5N1)...; hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh được tập trung đầu tư, nâng cấp, xây dựng mới. Nhiều dịch vụ chuyên khoa sâu đã được chuyển giao xuống tuyến y tế địa phương thông qua thực hiện Ðề án 1816 cử cán bộ y tế luân phiên đi công tác ở các tuyến để hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo và nâng cấp chất lượng y tế cơ sở.

Ðến nay đã có 55 bệnh viện trực thuộc bộ, một số bệnh viện loại I của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cử 603 cán bộ luân phiên đi cơ sở, 53 tỉnh, thành phố đã nhận được sự hỗ trợ từ dự án này; mạng lưới y tế cơ sở đã triển khai tốt các chương trình, mục tiêu y tế quốc gia, tạo điều kiện để người dân tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản có chất lượng, nhất là người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số; các chỉ số dịch vụ y tế cũng như chỉ số về sức khỏe nhân dân được cải thiện đáng kể.

Với các kết quả về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ về giảm hai phần ba tỷ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi trước 2015 và có thể hoàn thành mục tiêu giảm ba phần tư tỷ lệ chết bà mẹ. Tuy vậy, công tác y tế hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đó là: hệ thống tổ chức y tế địa phương chưa nhất quán, hiệu quả hoạt động thấp.

Các vùng cao, vùng xa khó khăn vẫn thiếu nhiều cán bộ y tế; các vấn đề dịch bệnh, bệnh không lây nhiễm, điều kiện vệ sinh môi trường còn nhiều phức tạp. Quản lý và đầu tư vệ sinh an toàn thực phẩm chưa đáp ứng được đòi hỏi của nhân dân; chính sách viện phí và cơ chế tài chính cho các đơn vị sự nghiệp y tế còn chậm đổi mới...


Ðể triển khai thực hiện tốt các Kết luận của Bộ Chính trị, trong thời gian tới, ngành y tế phải thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm là: hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, phát triển hệ thống y tế; giám sát, phòng và dập các dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra; nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường chăm sóc sức khỏe cho người có công, người nghèo, nhân dân vùng khó khăn...

Mục tiêu toàn ngành cần tập trung sức đạt được là: số giường bệnh đạt 26,85 trên 10 nghìn dân; giảm tỷ lệ trẻ em dưới năm tuổi bị suy dinh dưỡng xuống dưới 19%; mức giảm tỷ lệ sinh là 0,2% và tỷ lệ chất thải rắn y tế được xử lý đạt 75%. Ðể đạt được các nhiệm vụ, mục tiêu nêu trên, ngành y tế cần tập trung thực hiện tốt sáu giải pháp lớn.

Trọng tâm là tổ chức triển khai tốt và đồng bộ các giải pháp kỹ thuật phòng, chữa bệnh, nghiệp vụ y dược, đẩy mạnh thông tin truyền thông giáo dục sức khỏe để đạt các chỉ tiêu của ngành năm 2009; thực hiện tốt công tác đầu tư phát triển, bảo đảm đầu tư đúng và trúng với hiệu quả thật sự; kiện toàn tổ chức hệ thống y tế, nhất là y tế địa phương và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống y tế từ T.Ư đến địa phương; đổi mới cơ chế hoạt động và cơ chế tài chính trong ngành y tế...

Tại hội nghị, các đại biểu còn được nghe một số tham luận về hệ thống tổ chức dân số - kế hoạch hóa gia đình, hiện trạng và giải pháp, vai trò của tài chính y tế trong việc bảo đảm một nền y tế mang tính chất công bằng, góp phần an sinh xã hội...

Phát biểu ý kiến kết luận buổi quán triệt các Kết luận của Bộ Chính trị về công tác y tế - dân số, đồng chí Phùng Hữu Phú lưu ý ba điểm: thứ nhất,  các đại biểu cần làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân hiểu rõ sự ưu việt của chế độ ta và quyết tâm to lớn của Ðảng, Nhà nước ta là trong bất cứ hoàn cảnh nào luôn cố gắng chăm lo đời sống  mọi mặt cho nhân dân. Thứ hai là, trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được thông qua tại hội nghị, các đại biểu phải căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị mình để triển khai thực hiện có hiệu quả. Thứ ba là, để các Kết luận của Bộ Chính trị được triển khai  nhanh, hiện thực hóa trong cuộc sống,  phải đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc, mà nòng cốt là đội ngũ cán bộ y tế và lực lượng làm công tác tư tưởng.

* Cùng ngày, đồng chí Vũ Ngọc Hoàng trình bày Hướng dẫn thực hiện Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 2 (Khóa VIII), phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020. Văn bản hướng dẫn nêu rõ mục đích, yêu cầu và những nội dung cơ bản của việc tổ chức quán triệt và xây dựng chương trình hành động và bảy nhiệm vụ cụ thể mà các cấp, các ngành, các địa phương cần triển khai nghiêm túc. Trọng tâm là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, coi trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, mở rộng quy mô giáo dục hợp lý.

Ðể thực hiện tốt nhiệm vụ này, các cấp ủy đảng chỉ đạo các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể tích cực tham gia cùng với các trường học, các cơ sở đào tạo làm tốt công tác giáo dục học sinh, sinh viên trên cả ba mặt: dạy làm người, dạy chữ, dạy nghề, đặc biệt chú ý giáo dục nhân cách, lý tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống, lịch sử văn hóa, truyền thống văn hóa của dân tộc, địa phương mình. Ngăn chặn xu hướng mờ nhạt lý tưởng cách mạng, xa rời định hướng xã hội chủ nghĩa...; đổi mới mạnh mẽ quản lý nhà nước đối với giáo dục và đào tạo.

Bộ Nội vụ cùng các bộ, ngành có liên quan rà soát lại các quy định về tiêu chuẩn và chức danh cán bộ, sửa đổi và bổ sung chính sách sử dụng cán bộ theo hướng coi trọng phẩm chất và năng lực thực tế; xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng; tiếp tục đổi mới chương trình, tạo chuyển biến mạnh mẽ về phương pháp giáo dục; tăng cường nguồn lực cho giáo dục; bảo đảm công bằng xã hội trong giáo dục và tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục.

Ðể thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên, Ban Cán sự Ðảng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và cơ quan chức năng khẩn trương cụ thể hóa các nội dung của Thông báo Kết luận thành cơ chế, chính sách; xây dựng chương trình hành động, kế hoạch triển khai và chỉ đạo thực hiện. Cấp ủy đảng từ T.Ư tới địa phương, các cơ sở giáo dục sớm tổ chức nghiên cứu, quán triệt Thông báo Kết luận của Bộ Chính trị tới cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp với Ban Cán sự Ðảng các bộ có liên quan  thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện...

Thay mặt Ban Cán sự Ðảng Bộ Giáo dục và Ðào tạo, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân trình bày Chương trình hành động thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị của Bộ Giáo dục và Ðào tạo. Trong đó nhấn mạnh việc nghiên cứu quán triệt, phổ biến tuyên truyền về Kết luận của Bộ Chính trị cần tập trung vào các nội dung sau: những kết quả quan trọng mà ngành giáo dục và đào tạo đã đạt được sau 12 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 2 (Khóa VIII) về giáo dục và đào tạo đã được Bộ Chính trị khẳng định; những hạn chế, yếu kém trong ngành giáo dục và nguyên nhân đã được Bộ Chính trị đề ra; bảy nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được Bộ Chính trị chỉ đạo triển khai nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 2 (Khóa VIII). Trên cơ sở đó, Chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Ðào tạo  đã đề ra tám nhóm giải pháp cơ bản thực hiện từ nay cho đến năm 2020.

Phát biểu ý kiến kết luận  hội nghị, đồng chí Phùng Hữu Phú đề nghị các đại biểu khi tiến hành quán triệt tới cán bộ, đảng viên ở cơ quan, địa phương, đơn vị mình cần làm rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Kết luận đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước; phân tích để làm nổi bật những điểm mới trong Kết luận của Bộ Chính trị so với Nghị quyết T.Ư 2 (Khóa VIII), từ đó tạo sự đồng thuận về mọi mặt trong đội ngũ và đề ra được những biện pháp phù hợp thực tế để thực hiện có hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị, chương trình hành động của Bộ Giáo dục và Ðào tạo.

(Theo NDĐT)

Các tin khác
Đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội nghị.

YBĐT - Ngày 24/6/2009, Ban chỉ đạo (BCĐ) công tác tôn giáo tỉnh Yên Bái tổ chức hội nghị đánh giá công tác tôn giáo 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2009.

Đồng chí Hoàng Xuân Lộc trò chuyện với hộ nông dân ở xã Chế Cu Nha về thực hiện chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá.

YBĐT - Ngày 22 và 23/6, đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái đã kiểm tra tình hình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và các mục tiêu kinh tế - xã hội của Đảng bộ huyện Mù Cang Chải.

YBĐT - Hướng tới kỷ niệm 64 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Yên Bái (30/6/1945 – 30/6/2009), ngày 23/6/2009, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đã tổ chức cuộc Hội thảo khoa học với chuyên đề “Lịch sử công tác Tuyên giáo của Đảng bộ tỉnh”.

Bộ Nội vụ vừa hoàn chỉnh dự thảo nghị định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức để lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân. Điểm đáng chú ý của dự thảo này là việc thi nâng ngạch công chức được tổ chức theo nguyên tắc cạnh tranh trong từng bộ, địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục