Tăng cường quản lý Quỹ đầu tư phát triển địa phương
- Cập nhật: Thứ ba, 22/7/2014 | 7:55:48 AM
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có phương án tăng cường năng lực tài chính và năng lực quản lý, hoạt động đối với các Quỹ đầu tư phát triển địa phương, đặc biệt là đối với các Quỹ chưa đáp ứng đủ mức vốn điều lệ tối thiểu theo quy định.
Ảnh minh họa.
|
Phó Thủ tướng cũng giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan thực hiện tốt các cơ chế, chính sách về tổ chức và hoạt động, chế độ báo cáo của Quỹ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để có biện pháp chấn chỉnh kịp thời các tồn tại, hạn chế, bảo đảm hiệu quả hoạt động của các Quỹ.
Bộ Tài chính xem xét tìm kiếm các nguồn vốn phù hợp và cho vay lại theo quy định hiện hành, nghiên cứu cơ chế hỗ trợ cho Quỹ huy động các nguồn vốn khác để nâng cao năng lực tài chính của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.
Theo quy định tại Thông tư 28/2014/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành, vốn điều lệ của Quỹ đầu tư phát triển địa phương không được thấp hơn mức vốn điều lệ tối thiểu là 100 tỷ đồng. Khi có nhu cầu tăng vốn điều lệ, căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược phát triển và nguồn bổ sung vốn điều lệ, Quỹ xây dựng phương án tăng vốn điều lệ trình UBND cấp tỉnh quyết định.
Quỹ được huy động vốn của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước theo nguyên tắc nguồn vốn huy động là nguồn vốn trung và dài hạn (là các nguồn vốn có thời hạn trả nợ từ 1 năm trở lên) và đảm bảo hình thức huy động, giới hạn huy động vốn theo quy định tại Nghị định 138/2007/NĐ-CP.
Quỹ được sử dụng vốn hoạt động để thực hiện các chức năng bao gồm: đầu tư trực tiếp, cho vay và góp vốn thành lập tổ chức kinh tế. Việc sử dụng vốn phải đảm bảo nguyên tắc đúng mục đích và an toàn. Việc cho vay, đầu tư trực tiếp và góp vốn thành lập doanh nghiệp được thực hiện theo hợp đồng ký kết với các bên có liên quan theo các quy chế nghiệp vụ đã được Hội đồng quản lý Quỹ phê duyệt.
Quỹ được sử dụng tối đa 10% vốn chủ sở hữu để đầu tư xây dựng mới, mua sắm và sửa chữa tài sản cố định. Quỹ được quyền cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản cố định theo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn theo quy định của pháp luật.
Quỹ có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo toàn vốn hoạt động, bao gồm: quản lý, sử dụng vốn, tài sản theo quy định của pháp luật; mua bảo hiểm tài sản, bảo hiểm rủi ro nghiệp vụ và các loại bảo hiểm khác; trích lập dự phòng rủi ro đối với hoạt động cho vay, dự phòng rủi ro đối với hoạt động đầu tư trực tiếp, dự phòng các khoản phải thu khó đòi…
(Theo Chinhphu)
Các tin khác
Ngày 21/7, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết thúc Dự án Tài chính Nông thôn III.
YBĐT - Theo Quyết định 447/QĐ-UBDT ngày 19/9/2013 của Ủy ban Dân tộc, huyện Văn Yên có 10 xã khu vực III và 39 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc các xã vùng II. Trên địa bàn có 12 dân tộc anh em sinh sống. Trong đó: đồng bào Dao 23% dân số (đứng thứ 2 sau người Kinh 56%), người Tày trên 15%, người Mông gần 4%.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã quyết định nối lại việc cung cấp vốn cho các dự án mới sử dụng nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) dành cho Việt Nam sau một thời gian tạm ngừng để xử lý vụ nhà thầu Nhật Bản hối lộ quan chức đường sắt Việt Nam.
YBĐT - Phát huy lợi thế về diện tích đất đồi rộng, tận dụng phụ phẩm từ nông nghiệp, những năm gần đây, huyện Trạm Tấu đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc, góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước cải thiện cuộc sống cho người dân.