Mù Cang Chải thắng lợi kép từ vụ lúa mùa

  • Cập nhật: Thứ năm, 22/9/2016 | 7:06:12 AM

YBĐT - Cuối tháng 9, lúa mùa trên các thửa ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải đã chín rộ, sắc vàng óng ả của lúa chín trong tiết trời mùa thu Tây Bắc càng cuốn hút du khách gần xa.

Một số thôn bản thuộc các xã Cao Phạ, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha năng suất đạt 42 tạ/ha. Ảnh MQ
Một số thôn bản thuộc các xã Cao Phạ, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha năng suất đạt 42 tạ/ha. Ảnh MQ

Cũng là ruộng lúa nhưng từng bậc, từng bậc trên các sườn đồi, vệ núi; sự cần cù, sáng tạo cộng với sự hỗ trợ của Chính phủ trong chính sách khai hoang đã giúp người Mông ở Mù Cang Chải có được  công trình kỳ quan, trở thành danh thắng cấp quốc gia.

Lễ hội ruộng bậc thang 2016 đã khép lại nhưng lượng khách lên Mù Cang Chải để ngắm ruộng bậc thang mùa lúa chín vẫn còn đông lắm. Ai cũng đắm chìm trong sắc vàng lúa chín, nhiều người leo lên đồi, lội xuống ruộng, tham gia gặt, tuốt lúa, bê những tải thóc to để được hòa mình cùng đồng bào Mông thu hoạch lúa và trải nghiệm ngày mùa.

Sức hấp dẫn từ ruộng bậc thang, mời gọi du khách đến với Mù Cang Chải đã quá rõ, nhưng chuyến đi này, chúng tôi lên huyện vùng cao để ghi nhận một vụ lúa thắng lợi, góp phần bảo đảm an ninh lương thực cho đồng bào.

“Hội vui lắm các anh ạ, giờ các anh lên không còn không khí lễ hội nữa nhưng sẽ chung niềm vui với bà con vì thắng lợi vụ lúa mùa cả về diện tích và sản lượng” - Chủ tịch UBND xã Chế Cu Nha Nguyễn Cao Thắng phấn khởi chia sẻ. Được biết, vụ lúa mùa năm 2016 này toàn huyện Mù Cang Chải gieo cấy 4.300 ha lúa, tăng 1.420 ha so với vụ trước, con số tăng đột biến ấy đến từ kết quả điều tra đất đai năm 2015 và là công lao của 5 năm đẩy mạnh khai hoang ruộng nước.

Nói như những người hiểu biết về nông nghiệp vùng cao thì ruộng trên đồi, trên núi phần lớn là ruộng bậc thang hoặc “đầu hươu”, “mõm nai” cả, diện tích bờ bao đã chiếm tỷ lệ rất lớn; dù vậy, diện tích tăng là con số thật và khi đã có con số thống kê chính xác thì sẽ thuận lợi, chính xác và phù hợp hơn khi áp dụng những chính sách hỗ trợ, những chỉ đạo, điều hành trong sản xuất của nhà quản lý, nhà kỹ thuật.

Trước những thiếu thốn, vất vả chung của đồng bào vùng cao và khó khăn trong sản xuất nông lâm nghiệp nói riêng, Đảng, Chính phủ vẫn dành sự quan tâm lớn thông qua hỗ trợ thóc giống và phân bón. Với đồng bào Mông, việc sản xuất vụ mùa đã quá thạo nhưng các cán bộ trong khối nông lâm nghiệp vẫn tỏa về các xã, tổ chức các lớp tập huấn cho bà con, nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, nhất là phân bổ thời vụ nhằm hạn chế thiệt hại do thời tiết cực đoan ở vùng núi và phù hợp với tiểu vùng khí hậu của từng xã, từng điểm cao.

Theo đó, vụ mùa năm nay bà con sử dụng ba bộ giống chính gồm: Nhị ưu 838, C.ưu đa hệ số 1 và VL 20. Mạ đủ tuổi, đất làm kỹ, bón đầy đủ phân, nước từ 695 công trình thủy lợi và nhờ có mưa nên không có diện tích nào bị hạn hán, nhờ thế mà cây lúa cắm xuống là lên xanh, quá trình sinh trưởng và phát triển tốt. Nói như vậy không hẳn là vụ lúa này bà con chỉ có thuận lợi, đánh giá cho thấy, thời tiết năm nay mưa nhiều, đúng vào thời điểm lúa sớm trỗ bông, đặc biệt, bão số 3 đã gây hư hại 28 ha lúa, trong đó 8 ha mất trắng, ruộng bị đất đá lấp kín, phải khôi phục nhiều.

Một số diện tích bị nhiễm bệnh đạo ôn, bạc lá, sâu đục thân đã được kịp thời phát hiện, khuyến cáo sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng liều lượng nên không ảnh hưởng nhiều đến năng suất.

Đến thời điểm giữa tháng 9 trà mùa sớm, tập trung ở Nậm Khắt đã chín, bà con đã kịp thời thu hoạch để phòng mưa lũ gây thiệt hại, đánh giá sơ bộ cho thấy, năng suất lúa ở Nậm Khắt đạt 38 đến 39 tạ/ha, đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra và theo cán bộ kỹ thuật nông lâm nghiệp huyện thì “Năng suất vậy là chấp nhận được vì đồng đất ở Nậm Khắt chua phèn, tiểu vùng khí hậu rất khắc nghiệt, tỷ lệ ngày nắng trong năm rất thấp”.

Cuối tháng 9 những diện tích còn lại lúa cũng chín rộ, những thửa ruộng, những cánh đồng ở La Pán Tẩn, Zế Xu Phình, Chế Cu Nha là điểm thăm quan du lịch, bà con ưu tiên gặt muộn để phục vụ du khách, những diện tích còn lại, lúa chín tới đâu, bà con thu hoạch ngay tới đó; năng suất bình quân 40 tạ/ha, một số thôn bản thuộc các xã Cao Phạ, La Pán Tẩn, Chế Cu Nha năng suất đạt 42 tạ/ha. Cùng với lúa mùa, vụ ngô xuân hè cũng vừa kết thúc, tổng diện tích 4.200 ha, năng suất 41,6 tạ/ha, giá ngô từ 6.000 đồng đến 7.000 đồng/kg, đây là vụ ngô thắng lợi toàn diện của đồng bào Mù Cang Chải.

Khi nhà nông Mù Cang Chải còn đang tích cực thu hoạch lúa mùa thì các ngành trong khối nông lâm nghiệp của huyện đã tích cực triển khai vụ lúa xuân. Vụ đông xuân tới, toàn huyện phấn đấu gieo cấy 1.600 ha lúa, tăng 100 ha so với vụ trước. “Làm lúa xuân ở Mù Cang Chải không dễ bởi thời tiết rất khắc nghiệt, nhưng lúa xuân luôn cho năng suất cao, ít sâu bệnh, chi phí sản xuất thấp... đó là những cái hay, cái lợi để huyện và các xã quyết tâm vận động, chỉ đạo bà con làm” - đó là lời của kỹ sư Phạm Tiến Lâm đã trao đổi với chúng tôi.

Lê Phiên

Các tin khác
Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung chăm sóc vườn mía của gia đình.

YBĐT - Những năm gần đây, xã Phúc Lộc (thành phố Yên Bái) có nhiều chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; nhiều mô hình cây, con cho hiệu quả kinh tế cao được triển khai, nhân rộng.

Các thành viên Câu lạc bộ Nuôi cá nước ngọt xã Quy Mông kiểm tra cá giống.

YBĐT - Câu lạc bộ (CLB) Nuôi cá nước ngọt của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) xã Quy Mông (Trấn Yên) đã trở thành địa chỉ tin cậy cho thanh niên có ý chí, nghị lực vươn lên làm giàu.

YBĐT- Sáng 21/9, tại thôn Làng Lớn, xã An Thịnh, huyện Văn Yên, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua sản xuất cây vụ đông năm 2016.

Ảnh minh họa.

Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các địa phương về việc quản lý đồng hồ tổng trên các phương tiện đo xăng dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục