Rừng xanh mang ấm no
- Cập nhật: Thứ ba, 1/11/2016 | 8:05:47 AM
YBĐT - Văn Chấn là huyện miền núi nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái có diện tích đất lâm nghiệp trên 70.000 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là hơn 47.000 ha, diện tích rừng trồng là hơn 20.000 ha còn lại là diện tích cây công nghiệp và cây đặc sản.
Lực lượng kiểm lâm huyện hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng cho bà con.
|
Chúng tôi đến thăm mô hình trồng rừng của gia đình anh Phạm Hữu Khánh ở tổ dân phố 1, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (Văn Chấn) đúng vào lúc gia đình anh Khánh đang huy động nhân lực để trồng chu kỳ rừng mới.
Với trên 200 ha rừng nguyên liệu ở các xã: Phù Nham, Suối Giàng, Suối Quyền và thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, anh Khánh hiện là người sở hữu diện tích rừng lớn nhất, nhì trong huyện. Anh Khánh cho biết: “Ngay sau khi thu hoạch xong diện tích keo lai, gia đình đã huy động nhân lực phát dọn thực bì, đào hố, lót phân để chuẩn bị trồng chu kỳ mới. Năm nay gia đình phấn đấu trồng khoảng 70 ha, nhưng vẫn muốn trồng thêm nhiều nữa nếu được giao đất, giao rừng”.
Không được sở hữu nhiều đất rừng như gia đình anh Khánh nhưng chị Đoàn Thị Cậy - thôn 5, xã Đại Lịch lại là điển hình thâm canh rừng kinh tế hiệu quả. Không trồng rừng quảng canh như trước đây mà trong chu kỳ sinh trưởng của cây gia đình chị chú trọng định kỳ theo dõi, chăm sóc, tỉa thưa, bón phân và phòng trừ sâu bệnh. Vì vậy, diện tích rừng đảm bảo mật độ và rút ngắn chu kỳ sinh trưởng. Trồng rừng kinh tế đã thực sự trở thành một nghề của gia đình chị cũng như của bà con nhân dân nơi đây.
Chị cho biết: “Trồng rừng kinh tế khi thu hoạch sẽ được một món tiền lớn, có thể làm nhà, mua xe máy hay nhiều vật dụng khác trong gia đình. Do vậy gia đình đã tận dụng trồng hết 4 ha diện tích đồi rừng bằng các loại cây như: keo, quế, mỡ và bồ đề. Lần thu hoạch gần đây nhất được hơn 30 triệu đồng, dự tính vài năm sẽ là từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng”.
Với giá trị gỗ nguyên liệu ngày càng cao, hiện nay phong trào trồng rừng để phát triển kinh tế đã phát triển rộng khắp từ vùng thấp đến vùng cao của huyện. Phát huy thế mạnh đồi rừng, những năm qua Văn Chấn đã rà soát lại 3 loại rừng; tăng quỹ đất phục vụ trồng rừng sản xuất, khuyến khích xã hội hóa nghề rừng thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển rừng, nhất là kinh tế hộ gia đình; khuyến khích các hình thức liên doanh liên kết và thành lập các trang trại nông lâm nghiệp. Nhờ đó, tốc độ trồng rừng diễn ra khá mạnh và kinh tế vườn rừng đã giúp cho nhiều hộ thoát nghèo.
Cùng với đó, hàng năm, lực lượng kiểm lâm huyện đã tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch trồng rừng tới các thôn, bản; tuyên truyền, vận động nhân dân, các tổ chức doanh nghiệp tích cực tham gia trồng rừng; tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn đôn đốc chỉ đạo các địa phương tập trung hoàn thành công tác thiết kế chuẩn bị tốt các điều kiện, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho người trồng rừng. Vào vụ trồng rừng, cán bộ kiểm lâm xuống tận các thôn, bản để giao cây giống, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Nhờ đó, hàng năm, trồng rừng trên địa bàn huyện đều đạt kế hoạch đề ra.
Theo kế hoạch, mỗi năm toàn huyện trồng mới trên 3.500 ha rừng, bằng các giống cây lâm nghiệp như: keo, mỡ, quế, bồ đề, trẩu, đưa độ che phủ rừng trên địa bàn huyện năm 2016 đạt trên 54,33 %. Tính riêng từ đầu năm tới nay, nông dân và các doanh nghiệp đã trồng mới được trên 1.720 ha rừng. Một số xã có phong trào trồng rừng mạnh như: Thượng Bằng La, Chấn Thịnh, Sơn Thịnh, Tân Thịnh, Đại Lịch. Kinh tế đồi rừng đang trở thành hướng đi tích cực trong xóa đói nghèo cho người dân. Nhiều hộ đã chuyển từ canh tác nương sang trồng rừng sản xuất.
Ông Vũ Đình Trường - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết: "Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu với UBND huyện xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu tập trung, bảo đảm cung cấp cho công nghiệp chế biến; từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, áp dụng các giải pháp lâm sinh hữu hiệu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng rừng, rút ngắn chu kỳ kinh doanh, nâng cao thu nhập cho người dân. Cùng với đó, thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông - lâm nghiệp, huyện đã xây dựng vườn ươm với khoảng 3 triệu cây quế giống để cung ứng giống cho bà con. Song song với đó Hạt Kiểm lâm đã lựa chọn 3.000 cây mỡ để trồng rừng mỡ giống, phục vụ cho việc nhân giống sau này".
Tích cực thực hiện công tác tổ chức, quản lý, sản xuất kinh doanh, bảo vệ và phát triển rừng theo định hướng, quy hoạch nên lĩnh vực lâm nghiệp không chỉ đóng vai trò phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái mà còn đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống người dân.
Với thị trường lâm sản đang phát triển mạnh, việc quản lý và phát triển rừng chuyển từ tự phát sang tự giác, theo định hướng sản xuất lâm nghiệp hàng hóa đã và đang làm thay đổi thói quen, nhận thức của nhân dân về kinh tế đồi rừng. Đây là cơ sở để người dân Văn Chấn có thu nhập từ trồng rừng, nâng cao hiệu quả, giá trị những khu rừng, từ đó góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển xanh và bền vững hơn.
Nguyễn Nghĩa (Đài TT-TH Văn Chấn)
Các tin khác
YBĐT - Vụ đông năm 2016, thành phố Yên Bái xây dựng kế hoạch gieo trồng 303,5 ha rau, đậu các loại trên đất soi, đất màu, đất ruộng. Diện tích này phần lớn tập trung ở các xã: Tuy Lộc, Tân Thịnh, Văn Phú, Âu Lâu, Phúc Lộc, Minh Bảo...
YBĐT - Công tác quản lý thuế; thanh tra, kiểm tra thuế thời gian qua được Cục Thuế tỉnh đặc biệt chú trọng.
YBĐT - Nhận thấy được nhu cầu rất lớn của thị trường với các sản phẩm trái cây sạch có thương hiệu như: cam Đường canh, cam sành, bưởi Diễn, chanh tứ thời..., Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh tổng hợp xã Hưng Thịnh đã ra đời, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho các hộ dân.
YBĐT - Trong 9 tháng của năm 2016, tình hình sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn huyện Lục Yên duy trì ổn định. Giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) đạt 864,93 tỷ đồng, bằng 75,2% kế hoạch, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2015.