Trân trọng đồng vốn chính sách

  • Cập nhật: Thứ năm, 7/12/2017 | 8:19:12 AM

YBĐT - Phần lớn bà con vay vốn để mua trâu, trồng quế, có nhà vay vốn mua được 2 trâu nái và 5 năm sau bán được mấy trâu nghé, dồn tiền trồng được hơn 2 ha quế và cơ hội thoát nghèo, vươn lên giàu có đã trở thành hiện thực. 


Nậm Mười là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn. Người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào Dao nên nhiều phong tục, tập quán vẫn còn nhiều nét lạc hậu, trình độ dân trí còn thấp, đặc biệt là tiềm năng phát triển kinh tế không nhiều. Những yếu tố ấy, khiến Nậm Mười trở thành xã nghèo nhất của huyện Văn Chấn, với 74% năm 2016.
 
Do đó, đẩy mạnh phát triển kinh tế, giúp dân xóa đói, giảm nghèo trở thành nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền và người dân trong xã. Một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện nhiệm vụ này, chính là tranh thủ nguồn vốn chính sách để mua trâu giống và trồng quế.

Cây quế gắn bó với người Dao, điều này ai cũng biết. Người Dao ở Nậm Mười cũng trồng quế khá sớm, nhưng diện tích, năng suất, hiệu quả còn kém xa các xã bạn như An Lương, Đại Sơn. Nghề nuôi trâu cũng khá phát triển. Toàn xã có trên 1.000 con và có nhà nuôi vài chục con trâu, nhưng nhiều nhà khác lại không có trâu cầy kéo, sinh sản.
 
Khi cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện về xã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với hộ nghèo và vùng đặc biệt khó khăn, cán bộ và nhân dân trong xã Nậm Mười đã nhận thấy, đây là cơ hội để người nghèo Nậm Mười vươn lên trong cuộc sống.
 
Đảng bộ xã quán triệt nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo các tổ chức chính trị, xã hội gồm Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ và Đoàn thanh niên, kiện toàn tổ chức, xây dựng bộ máy và chuẩn bị mọi điều kiện để nhận ủy thác vay vốn cho hội viên, tuyệt đối tuân thủ mục tiêu an toàn, hiệu quả.

Cùng với cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Chấn vượt đèo cao, suối sâu để lên vùng cao Nậm Mười, chúng tôi thấu hiểu nỗi khó khăn, vất vả của người cán bộ tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội. Đường rất khó đi, nhiều đoạn anh chị em phải đi bộ dưới màn sương trắng đục. Anh Đinh Công Thái - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Văn Chấn vừa đi vừa kể câu chuyện 359 hộ nghèo Nậm Mười được vay vốn chính sách. Dư nợ hiện nay 9,3 tỷ đồng, cả xã Nậm Mười không có nợ xấu, không có lãi tồn chưa thu.
 
Ông Bàn Kim Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn chia sẻ với chúng tôi: "Người dân Nậm Mười trân trọng đồng vốn chính sách lắm, bởi đây là nguồn lực quan trọng giúp bà con trong xã vươn lên”. Phần lớn bà con vay vốn để mua trâu, trồng quế, có nhà vay vốn mua được 2 trâu nái và 5 năm sau bán được mấy trâu nghé, dồn tiền trồng được hơn 2 ha quế và cơ hội thoát nghèo, vươn lên giàu có đã trở thành hiện thực. 

Niềm vui của cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội và người dân Nậm Mười đã khiến chúng tôi quên đi mệt mỏi và đoạn đường như ngắn lại. Xe đã đến đầu bản La Háo Pành, Tổ trưởng tổ Tiết kiệm và vay vốn Bàn Hữu Thanh đã đứng đợi bên hiên nhà.
 
Buổi làm việc diễn ra nhanh, gọn. Ông tổ trưởng không cần sổ sách gì mà nắm tường tận từng con số: Hội Nông dân Nậm Mười có 630 hội viên, trong đó có 80 hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. Sở dĩ số hộ vay không nhiều vì hội viên nông dân đồng thời là thành viên tổ chức chính trị xã hội khác như hội phụ nữ, thanh niên, cựu chiến binh nên họ đã tiếp cận với nguồn vốn từ các tổ chức ấy. Thôn La Háo Pành có 41 hộ vay vốn, tổng dư nợ hiện nay là 1,147 tỷ đồng.
 
Nông dân La Háo Pành vay vốn chủ yếu để mua trâu và trồng quế, nhờ vậy mà rừng quế và đàn trâu trong thôn tăng rất nhanh. Ông Bàn Hữu Thanh liệt kê nhiều thành viên trong tổ vay và sử dụng hiệu quả đồng vốn chính sách như nhà ông Viên, ông Ninh, ông Vượng...
 
Ngay như gia đình ông Bàn Hữu Thanh - một hộ nghèo trong thôn năm 2015 được vay 40 triệu đồng và ông mua 2 trâu nái, đầu năm 2017 bán đi 2 con trâu con để mua bãi quế 3 năm tuổi, rộng hơn 5.000 m2. Có đàn trâu, có rừng quế, vợ chồng ông Thanh có việc làm, thu nhập và chắc chắn sẽ vươn lên trở thành hộ khá của thôn.

Đánh giá của lãnh đạo xã Nậm Mười và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho thấy, 10 tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn ở xã Nậm Mười đều rất thạo việc; công tác hội và phong trào các đoàn thể cũng nhờ thế mà khá lên. Vị thế, vai trò của chị em phụ nữ trong gia đình người Dao cũng được nâng lên nhờ chị em đã biết quản lý tài chính, chi tiêu tiết kiệm và có kế hoạch. Hội viên, đoàn viên được nâng cao kiến thức khi tham gia các buổi tập huấn chuyển giao kỹ thuật, công nghệ; phong tục tập quá lạc hậu vơi dần, đó là cơ sở để người dân Nậm Mười bớt nghèo.
 
 Lê Phiên

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị

YBĐT - Chiều 6/12, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị sơ kết sản xuất nông, lâm nghiệp năm 2017; triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2017 – 2018.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Yên Bái.

YBĐT - Ngày 6/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới phát triển Kinh tế tập thể chủ trì Hội nghị trực tuyến sơ kết thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) 2012. 

Toàn cảnh buổi làm việc.

YBĐT - Ngày 5/12, UBND tỉnh Yên Bái phối hợp với Công ty cổ phần EDGE GLASS (Hàn Quốc) họp bàn về việc tổ chức lễ khởi công Dự án Nhà máy linh kiện điện tử tại xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

Ảnh minh họa.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư 20/2017/TT-BNNPTNT hướng dẫn chi tiết một số nội dung của Nghị định số 39/2017/NĐ-CP ngày 4/4/2017 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi, thủy sản. Trong đó quy định về việc sử dụng thuốc thú y có thành phần kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục