Chúng tôi đến xã Xà Hồ vào những ngày cuối năm giữa tiết trời se lạnh đặc trưng của miền núi Tây Bắc. Giữa ánh nắng ban mai trên cánh đồng Tàng Ghênh, bà con nơi đây ai ai cũng khẩn trương làm cỏ ruộng đồng, nhà nhà, người người tập trung đẩy nhanh tiến độ để chuẩn bị gieo cấy lúa xuân khiến cho chúng tôi không khỏi bồi hồi nhớ lại trước đây ít ai biết rằng cánh đồng này chỉ cấy vụ mùa, còn vụ xuân thì bị bỏ hoang. Do đó, người dân luôn thiếu thóc, thiếu gạo, phải nhờ sự hỗ trợ cứu đói của Nhà nước.
Chị Thào Thị Dở ở thôn Tàng Ghênh phấn khởi chia sẻ: "Vụ trước thu hoạch được mùa mình vui lắm nên mình tranh thủ làm cỏ ruộng sớm để chuẩn bị gieo cấy lúa vụ xuân”.
Nhà chị Dở có 2 ha ruộng lúa nước, năm nay thu hoạch được 1-1,5 tấn lúa. Chị Dở còn chia sẻ thêm: "Bây giờ có facebook, zalo nên mấy đứa em, đứa cháu trong nhà đang đi học cấp 3 ở trường trung học phổ thông huyện cùng với mấy đứa bạn nó quảng cáo bán sản phẩm nông nghiệp tốt lắm, một hai năm trở lại đây cứ thu hoạch lúa vụ nào là có người đặt hay đến tận nhà mua ngay, lắm lúc chưa gặt lúa về nhà đã có người điện thoại đặt trước rồi”.
Nghe cái giọng phổ thông lơ lớ của chị cùng với ánh mắt biết cười khiến chúng tôi cảm nhận rằng cuộc sống bà con nơi đây đang dần thay đổi theo từng ngày và Tết này hứa hẹn nhiều ấm no hơn.
Xã Xà Hồ có 743 ha đất sản xuất, trong đó 313 ha được đưa vào sản xuất 2 vụ trong năm. Năm 2019 đạt 2.695 tấn sản lượng lương thực, riêng 2 vụ lúa đạt 1.381 tấn thóc, đạt 101% Nghị quyết. Các chương trình chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp được thực hiện đúng quy định. Điều đáng nói là người dân đã nâng cao ý thức chủ động về sản xuất các vụ trong năm.
Ông Nguyễn Văn Hòe - Chủ tịch xã Xà Hồ cho biết: "2019 là năm có ý nghĩa then chốt quyết định đến việc thực hiện mục tiêu nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng ủy xã đã xây dựng kế hoạch chi tiết trong việc thực hiện các mục tiêu nghị quyết đề ra. Bên cạnh đó, bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật, biết chuyển đổi từ một vụ sang hai vụ. Người dân đã tự giác đầu tư hơn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất và sản lượng năm sau luôn cao hơn năm trước”.
Đồng thời, Đảng ủy xã phát huy vai trò của người đứng đầu địa phương, tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên với phương châm "Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp mà trong năm 2019, Đảng bộ xã Xà Hồ đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội cho người dân.
Hát Lừu cũng là xã luôn dẫn đầu và có diện tích gieo cấy lúa lớn nhất huyện với 444 ha. Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 2.426 tấn, đạt 100% kế hoạch giao. Để đạt được chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, xã Hát Lừu đặc biệt quan tâm đến việc thâm canh tăng vụ, trong đó lấy cây lúa làm chủ đạo. Hàng năm phấn đấu sản xuất lúa thắng lợi trên cả 3 mặt: diện tích, năng suất và sản lượng.
Bằng sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, nhận thức của người dân về thâm canh tăng vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã được cải thiện ngày càng rõ nét. Đặc biệt, xã đã đạt 17 tiêu chí nông thôn mới trở lên và đạt chuẩn nông thôn mới, từ đó tạo thêm nguồn lực để sản xuất lương thực ở Hát Lừu vươn lên một tầm cao mới.
Năm 2019 là năm then chốt thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Trạm Tấu lần thứ XV đã đề ra 25 chỉ tiêu trên các lĩnh vực, trong đó sản lượng lương thực có hạt đạt 23.460 tấn.
Nhằm cụ thể hóa chỉ tiêu này, huyện Trạm Tấu tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020.
Trên cơ sở đó, huyện luôn xác định sản xuất lương thực là hướng đi chủ đạo trong phát triển nông lâm nghiệp; xây dựng, vận động bà con nhân dân thực hiện đúng khung lịch thời vụ và lựa chọn giống phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương; thực hiện tốt công tác cung ứng giống, vật tư cho các xã, thị trấn, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ, tiến tới xóa hộ đói, giảm hộ nghèo.
Ông Nguyễn Thành Hưng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trạm tấu chia sẻ: "Để đạt và vượt chỉ tiêu về tổng sản lượng lương thực, Phòng sẽ tiếp tục cử cán bộ chuyên môn về cơ sở cùng với bà con thực hiện các mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật tại chân ruộng, giúp đồng bào tích lũy kinh nghiệm trong áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Thắng lợi trong mỗi vụ của từng hộ gia đình là thắng lợi của cả huyện trong thực hiện mục tiêu tăng sản lượng lương thực có hạt, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn huyện”.
Một mùa xuân mới sắp về nơi vùng cao Trạm Tấu. Nỗi lo cơm áo gạo tiền giờ đây đã không còn thường trực mỗi dịp tết đến xuân về. Xuân này không chỉ là niềm vui của ngô lúa đầy nhà mà đi cùng với đó còn là áo mới, ấm no và hạnh phúc. Những thắng lợi trên mặt trận sản xuất lương thực đã giúp cho bà con Trạm Tấu vững bước vào xuân, hưởng niềm vui trọn vẹn.
Đẩy mạnh thực hiện các mô hình chăn nuôi
Thực hiện mô hình chăn nuôi theo Đề án của tỉnh, huyện Trạm Tấu đăng ký thực hiện các mô hình: chăn nuôi 10 con trâu bò/cơ sở, kết hợp nuôi 5 lợn nái và 50 lợn thịt và chăn nuôi 1.000 con gia cầm.
Đến nay, mô hình chăn nuôi 10 con trâu bò/cơ sở đã thực hiện đăng ký được 5/5 mô hình, đạt 100%. Mô hình nuôi lợn kết hợp 5 lợn nái và 50 lợn thịt đã triển khai thực hiện 3 mô hình tại xã Hát Lừu; tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên có 2/3 mô hình đang thực hiện, một mô hình đang xin ý kiến UBND tỉnh chuyển đổi sang thực hiện mô hình chăn nuôi gà.
Đối với mô hình chăn nuôi 1.000 con gia cầm, đã có 3 mô hình đăng ký tham gia, đến nay đã làm xong chuồng trại và tiến hành nhập giống gà.
|
Trung Quân - Thu Hằng - Lộc Chầm(Trung tâm TT&VH huyện Trạm Tấu)