Tú Lệ: Nhân lên những vườn đào Khau Thán

  • Cập nhật: Thứ hai, 11/5/2020 | 8:14:19 AM

YênBái - Thung lũng Tú Lệ có núi non hùng vĩ, có hang động và những mỏ nước khoáng tự nhiên nhưng chưa đủ để níu chân du khách dài ngày. Làm gì để nâng cao đời sống nhân dân, gắn phát triển kinh tế với cải tạo cảnh quan môi trường, phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới là bài toán Đảng bộ xã Tú Lệ đặt ra cho nhiệm kỳ tới. Cây đào Khau Thán đang là một trong những lời giải.

Một góc vườn đào Khau Thán.
Một góc vườn đào Khau Thán.

Trăn trở với bài toán này, thời gian qua, xã Tú Lệ đã nghiên cứu, thử nghiệm nhiều giống cây trồng bản địa có giá trị. Cây đào Khau Thán đang là một trong những lời giải. 

Khi nhiều cây trồng chưa phát huy được thế mạnh thì cây đào Khau Thán đã mở ra một hướng đi phát triển kinh tế bền vững ở địa phương.

 Chuyện kể rằng, cây đào ở Khau Thán trước đây mọc tự nhiên do chim thú và người ăn vứt hạt tự mọc. 

Dẫu vậy, có những cây đào tồn tại hơn chục năm và trở thành cây đào cổ thụ, rêu phong. Hàng năm, vào dịp tết Nguyên đán, thương lái khắp nơi đều đến tìm mua đào rừng. Có những cây được trả giá đến 30 triệu đồng mà đồng bào Mông nơi đây chưa muốn bán. 

Ông Lý A Chư rất tường tận về giống đào quý này: "Cây đào ở đây giống đào Lùng Cúng, Mù Cang Chải. Cánh thắm, dày và rất lâu tàn. Những cây đào này không được chăm sóc nhưng phát triển tốt, năm nào cũng ra hoa đúng dịp tết Nguyên đán. Đồng bào Mông ở đây cũng biết giá trị nhưng không biết nhân giống và ngại trồng vì sợ gia súc phá hoại”.

Với 34 hộ đồng bào Mông, thôn Khau Thán trước đây, nay là khu dân cư Khau Thán thuộc bản Nước Nóng vẫn còn trên 90% hộ nghèo. Ngoài diện tích đất trồng lúa nước trên 1,5 ha, người dân chủ yếu sống dựa vào chăn nuôi gia súc và nghề rừng. Có điều kiện đất đai, khí hậu và loại cây trồng có giá trị nhưng người dân chưa biết phát huy thế mạnh đó. 

Nhận thấy giá trị kinh tế, khả năng tôn tạo cảnh quan môi trường khi phát triển có quy hoạch diện tích đào Khau Thán, Đảng bộ xã Tú Lệ đã chọn làm mô hình trồng đào sinh cảnh dọc con đường từ trung tâm xã lên khu dân cư Khau Thán. 

Với chiều dài trên 3 km, hai bên đường và khu vực dân cư được trồng bằng hơn 2.300 cây đào bản địa, cây cách cây 3 mét. Để triển khai, xã đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí mua cây giống, phân bón và công chăm sóc. 

Với ý nghĩa thiết thực mô hình, con đường sinh cảnh đã nhận được sự quan tâm, đồng tình ủng hộ rất cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong tháng 3, cán bộ và nhân dân xã đã đào hố, trồng xong tuyến đường sinh cảnh. Xã cũng giao trách nhiệm cho các hộ dân nhận chăm sóc, bảo vệ và tiếp tục phát triển diện tích trồng đào. 

Ông Hoàng Văn Yêng - Trưởng thôn Nước Nóng cho biết: "Chúng tôi rất vui mừng khi được chính quyền xã cho chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng, lựa chọn cây trồng thế mạnh để phát triển kinh tế. Đào là cây trồng đang có giá trị và có khả năng thích nghi, phát triển tốt ở địa phương. Tuy nhiên, khó khăn là người dân còn có thói quen thả rông gia súc, chưa biết cách chăm sóc. Việc trồng đào và các mô hình kinh tế sẽ đòi hỏi người dân phải thay đổi thói quen, tập quán canh tác để có phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”.



Nhân dân Khau Thán tham gia rào bảo vệ cây đào mới trồng. 

Con đường hoa Khau Thán nằm phía trên Le Champ Tú Lệ Resort và nhìn xuống dòng Nậm Lung, sẽ là điểm nhấn tôn tạo cảnh quan, là địa chỉ thu hút khách du lịch đến tham quan, thưởng ngoạn vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của vùng đất này. Trên thực tế, đào là cây đang có nhiều lợi ích về kinh tế. 

Với mỗi gốc đào, nếu chăm sóc tốt có thể cho thu hoạch sau 3 năm. Ngoài bán cành hoa vào dịp tết, cây đào rừng có thể cho thu hoạch quả vào tháng 7, tháng 8. Nhưng cao hơn cả là từ cây đào, người dân nơi đây biết cách trồng, chăm sóc, bảo vệ và từng bước phát triển các loại cây có thế mạnh và giá trị ở địa phương. 

Ông Lò Văn Viện – Bí thư Đảng ủy xã Tú Lệ cho biết: "Mô hình đường sinh cảnh Khau Thán là công trình được Đảng bộ xã chọn làm công trình chào mừng đại hội đảng bộ các cấp. Chúng tôi nhận thức rằng, đây là  hướng đi mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Vì vậy, chúng tôi tích cực vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân sớm hoàn thành công trình để xem xét, rút kinh nghiệm nhân rộng thêm những con đường sinh cảnh, những mô hình kinh tế khác trên địa bàn”.

Từ con đường hoa đào, hiện nay, xã Tú Lệ đang vận động nhân dân các thôn, bản phát triển những con đường trồng hoa, trồng cây ban, trồng cây dong riềng. Với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, sự đồng tâm, gắng sức của nhân dân, rồi đây những con đường hoa sẽ được nhân rộng làm rực rỡ thêm những bản làng người Mông, người Thái Tú Lệ.

Trần Van

Tags Tú Lệ Văn Chấn vườn đào

Các tin khác
Người lao động trong Công ty TNHH Doanh Mùi ở xã Hưng Thịnh, Trấn Yên được trả lương từ 4 - 7 triệu đồng/người/tháng, tuỳ vào vị trí công việc. (ảnh tư liệu)

Đó là câu chuyện của một doanh nghiệp "không tiến lên cũng chẳng còn đường lui” bắt buộc phải thay đổi để phù hợp và cách mà doanh nghiệp đã làm để vượt qua khó khăn.

Cán bộ y tế phường Đồng Tâm kiểm tra thân nhiệt người dân trước khi vào chợ.

Sau một thời gian tạm nghỉ để thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, đến đầu tháng 5, một số loại hình kinh doanh dịch vụ đã được phép hoạt động trở lại.

Sắn củ thu hoạch trên các đảo ở hồ Thác Bà.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn ước đạt 1,02 triệu tấn, trị giá tương đương với 349 triệu USD (tăng 11,5% về khối lượng và giảm 0,01% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tại Hội nghị.

Bộ Tài chính đang có nhiều giải pháp, đề xuất về chính sách tài khóa, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế ứng phó với dịch COVID-19.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục