Tận dụng thế mạnh của địa phương có nhiều đồi rừng nên việc nuôi ong mật tại Mù Cang Chải đã hình thành từ lâu. Người dân nơi đây có kinh nghiệm nuôi ong mật truyền thống với giống ong địa phương kết hợp với phương thức nuôi ong trong rừng tự nhiên không sử dụng thuốc kháng sinh… đã tạo nên chất lượng đặc thù cho sản phẩm mật ong Mù Cang Chải. Hiện nay, ở Mù Cang Chải có khoảng trên 2.700 đàn ong, sản lượng mật ong bình quân hàng năm từ 4.500 - 5.000 lít mật.
Ông Nguyễn Văn Toản - đại diện Hợp tác xã (HTX) Xây dựng và Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Mù Cang Chải chia sẻ: Chúng tôi đang tiếp tục triển khai, nhân rộng mô hình, tăng số lượng đàn ong để đáp ứng nhu cầu của thị trường, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, đặc biệt là vùng đồng bào Mông. Cùng đó, chuyển giao kỹ thuật trong chăm sóc, thu hoạch để có những sản phẩm mật ong tốt nhất. Đầu tư dây chuyền hiện đại, đóng gói, mẫu mã, bao bì cho sản phẩm. Sản phẩm mật ong hoa tự nhiên được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm đã có tác động rất lớn đối với HTX. Qua đó, tạo điều kiện cho sản phẩm địa phương có chỗ đứng trên thị trường.
Hiện, sản phẩm mật ong của HTX Xây dựng và Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Mù Cang Chải được công nhận đạt chất lượng 3 sao trong chương trình OCOP; được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý; sản phẩm có mặt trong gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm của Liên minh HTX tỉnh.
Sinh ra và lớn lên ở bản Púng Luông, xã Púng Luông, từ nhỏ, anh Lù A Câu vốn thân quen với những đồi chè xanh bạt ngàn quanh năm. Nhận thấy nhu cầu sử dụng chè, nhất là chè an toàn của người dân ngày một cao nên ấp ủ suy nghĩ và ý tưởng thành lập một cơ sở sản xuất chè sạch tại địa phương.
Anh Câu cho hay: "Mình nghĩ, Púng Luông có giống chè ngon, tại sao mình lại không tận dụng lợi thế này để vừa nâng cao giá trị cho cây chè vừa phát triển kinh tế khi mà đất canh tác đang ngày càng ít đi?”.
Từ suy nghĩ đó, tháng 5/2019, anh Câu đã thành lập cơ sở sản xuất chè Shan tuyết Púng Luông. Quá trình sản xuất, nhận thấy hộ cá thể chưa thể gây dựng được thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm chè, được sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh Yên Bái, chính quyền địa phương và các sở, ngành, tháng 7/2020, anh Câu cùng 7 thành viên khác thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Púng Luông tìm hiểu về cách sản xuất, chế biến ra các sản phẩm chè thơm ngon, an toàn từ chính những đồi chè đang khai thác ở quê hương.
Đến tháng 9/2020, chè Shan tuyết của HTX đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Giám đốc Lù A Câu cho biết thêm: hiện đang làm theo kiểu truyền thống, tự phát, giờ làm theo quy chuẩn đúng là không đơn giản. Nhưng các thành viên rất vui vì sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến hơn, sức tiêu thụ tốt hơn và năm 2020, doanh thu của HTX đạt 800 triệu đồng.
Thực tế, các sản phẩm OCOP ở Mù Cang Chải đã trở thành động lực để người dân thi đua phát triển sản xuất, liên kết tạo ra những sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập, phục vụ hiệu quả cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Tham gia OCOP đã giúp các doanh nghiệp, HTX tiếp cận với phương thức sản xuất, quản lý kinh doanh khoa học, khuyến khích sáng tạo, cải thiện mẫu mã bao bì sản phẩm, thúc đẩy chế biến sâu làm đa dạng hóa và làm gia tăng giá trị hàng hóa nông sản.
Hiện nay, Mù Cang Chải có 5 sản phẩm OCOP cấp tỉnh và huyện đang đôn đốc, hướng dẫn các chủ thể xây dựng hồ sơ đối với 2 sản phẩm đăng ký sản phẩm OCOP năm 2021 là gạo nếp Tan Khau Phạ và sơn tra khô Mù Cang Chải.
Đồng thời, chỉ đạo duy trì và phát huy hiệu quả 2 dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là sản phẩm thỏ Mù Cang Chải và mật ong Mù Cang Chải; tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX đăng ký thực hiện 2 chuỗi dự án liên kết theo chuỗi giá trị đối với sản phẩm cá hồi, cá tầm, cá chép giòn, cá trắm giòn Mù Cang Chải và sản phẩm sâm Hoàng Sin cô.
Đồng chí Lê Trọng Khang - Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: điều đáng ghi nhận, khi được lựa chọn tham gia Chương trình OCOP, các HTX, hộ dân đều có ý thức sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, đạt chuẩn, thay đổi tư duy sản xuất từ manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung, quy mô lớn, nhất là liên kết chuỗi, tạo thành vùng hàng hóa bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Mỗi người sản xuất đều mong muốn sản phẩm mình làm ra được công nhận, được đánh giá, được nâng hạng, gắn sao để nâng tầm, khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng nhất định trên thị trường.
Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình OCOP gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới. Từ đó, khuyến khích các chủ thể mạnh dạn đầu tư sản xuất, phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương, đồng thời, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng sản xuất hàng hóa chủ lực, tạo vùng nguyên liệu bền vững cho chế biến sản phẩm, tạo điều kiện để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Đối với các sản phẩm đã được cấp giấy chứng nhận, huyện tăng cường phối hợp quản lý, quảng bá, xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm OCOP tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.
Quang Thiều