Trong khi đó, Hiệp hội chăn nuôi gia súc lớn cũng kiến nghị các cơ quan chức năng cần kiểm tra trên toàn quốc về việc có cơ sở nào nuôi bò trước giết mổ cho ăn Salbutamol (chất tạo nạc) hoặc các chất cấm khác.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, trong thời gian gần đây, hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép trâu bò qua biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia diễn ra khá phức tạp, làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục... không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm, có nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước, sức khỏe người dân.
Để kịp thời ngăn chặn hoạt động buôn bán vận chuyển trái phép trâu bò qua biên giới, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu đường mòn lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán vận chuyển trái phép trâu bò, sản phẩm từ trâu bò vào Việt Nam theo quy định.
Tổng cục Quản lý thị trường cũng yêu cầu các đơn vị chủ động tăng cường công tác phối hợp trao đổi cung cấp thông tin với cơ quan thú y và các lực lượng chức năng trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn việc buôn bán vận chuyển trái phép trâu bò qua biên giới.
Theo PGS.TS Hoàng Kim Giao - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia súc lớn, việc trâu bò nhập khẩu không kiểm soát ồ ạt tuồn vào Việt Nam thời gian qua là nguyên nhân làm lây lan dịch bệnh cho đàn vật nuôi trong nước, thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi và công tác phòng chống dịch.
Hiệp hội chăn nuôi gia súc lớn cũng vừa kiến nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), kiểm tra thông tin về việc đàn vật nuôi nhập từ nước ngoài vào không được kiểm tra, kiểm dịch, tiêu trùng, khử độc mà vẫn có giấy kiểm dịch. Đặc biệt, các cơ quan chức năng cần kiểm tra trên toàn quốc về việc có cơ sở nào nuôi bò trước giết mổ cho ăn Salbutamol hoặc các chất cấm khác; xử lý nghiêm các cơ sở và cá nhân vi phạm luật Chăn nuôi, luật Thú y cũng như các quy định của pháp luật.
Trước đó, theo phản ánh trên của truyền thông, hàng loạt trâu bò từ Campuchia, Lào vào Việt Nam....đang có dấu hiệu tuồn lậu về Việt Nam. Chỉ cần gọi đặt, trong 2 ngày, trâu bò sẽ có ngay. Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, mỗi năm có khoảng 100 nghìn con trâu bò ngoại vào Việt Nam, chưa kể số trâu bò nhập lậu.
(Theo TPO)