Để đảm bảo tiến độ trồng rừng theo kế hoạch, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn, đôn đốc người dân khẩn trương tiến hành phát dọn, xử lý thực bì, chuẩn bị cây giống để tập trung trồng rừng trong khung thời vụ tốt nhất.
Anh Nguyễn Thiện Ngọc, xã Vân Hội, huyện Trấn Yên cho biết: "Năm nay, gia đình tôi trồng gần 8.000 cây keo trên diện tích gần 1 ha khai thác cuối năm trước. Sau khai thác, gia đình đã tiến hành xử lý thực bì, đào hố và đặt mua cây giống ngay trước tết. Ăn tết xong, tranh thủ thời tiết mưa, ẩm gia đình đã huy động toàn bộ nhân lực tham gia trồng rừng và đến nay, hoàn thành công tác trồng rừng vụ xuân”.
Năm 2023, huyện Trấn Yên phấn đấu trồng mới 2.700 ha rừng. Để hoàn thành mục tiêu này, huyện đã xây dựng kế hoạch trồng rừng tới từng địa phương; đồng thời, tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn chỉ đạo các địa phương tập trung hoàn thành công tác thiết kế, chuẩn bị tốt cây giống để phục vụ nhu cầu trồng rừng của nhân dân.
Đến thời điểm này, toàn huyện trồng mới được 1.014 ha rừng và 356.640 cây phân tán, đạt 37,6% kế hoạch. Không chỉ huyện Trấn Yên mà phong trào trồng rừng sôi nổi ở khắp các địa phương trong tỉnh. Ngay từ mùng 6 tết, trên các nương, đồi ở các xã vùng ngoài huyện Văn Chấn, người dân đã tích cực trồng rừng.
Ông Đinh Trọng Quyết - Chủ tịch UBND xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn cho biết: "Năm nay, xã Cát Thịnh có kế hoạch trồng mới 200 ha rừng. Để hoàn thành kế hoạch, trong tết Nguyên đán, xã đã tuyên truyền các hộ chuẩn bị tốt cây giống, hiện trường để khi thời tiết thuận lợi sẽ tiến hành trồng ngay; đồng thời, phát động phong trào "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Ngay trong tuần đầu phát động, toàn xã đã trồng được 7 ha rừng và dự kiến trong tháng phát động người dân sẽ trồng mới được 34 ha rừng”.
Những năm qua, phong trào trồng rừng tại huyện Văn Chấn được người dân tích cực hưởng ứng. Bình quân hàng năm, toàn huyện trồng mới trên 3.100 ha, đưa độ che phủ rừng đạt 58,6%, đứng thứ 4 toàn tỉnh. Nhiều hộ có thu nhập lớn từ rừng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Ông Nguyễn Văn Quỳnh - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn cho biết: "Năm 2022, huyện Văn Chấn phấn đấu trồng mới 3.200 ha rừng. Để hoàn thành kế hoạch trồng rừng trên địa bàn, Hạt đã tham mưu với chính quyền các xã xây dựng kế hoạch trồng rừng tới các thôn, bản; tích cực tuyên truyền, vận động người dân, các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư trồng rừng, chăm sóc rừng; tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn các xã hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Nhờ tích cực chuẩn bị cây giống, hiện trường, đến nay, huyện trồng mới được 381,2 ha và phấn đấu trong quý I/2023, toàn huyện trồng mới được 1.600 ha rừng”.
Năm 2023, tỉnh Yên Bái phấn đấu trồng mới trên 15.500 ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng ổn định 63%. Để hoàn thành kế hoạch, UBND tỉnh đã sớm giao chỉ tiêu, kế hoạch và chỉ đạo các địa phương chủ động chuẩn bị địa điểm, cây giống, vật tư lâm nghiệp phục vụ công tác trồng rừng.
Đồng thời, để thực hiện tốt phong trào tết trồng cây, tỉnh đã tổ chức phát động các ngành, các đoàn thể tham gia trồng cây; tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân về mục đích và ý nghĩa của tết trồng cây.
Không khí trồng rừng thật sôi động ngay từ mùng 6 tết Nguyên đán, các địa phương trong tỉnh đồng loạt ra quân hưởng ứng phong trào trồng cây, trồng rừng. Ngay ngày đầu ra quân, các địa phương đã trồng mới được trên 346 ha rừng tập trung và 110.009 cây phân tán, quy diện tích được 110 ha.
Đến ngày 2/2/2022, toàn tỉnh đã trồng được trên 2.469 ha, đạt 15,9% kế hoạch, trong đó trồng rừng tập trung 1.481 ha, trồng cây phân tán quy diện tích 987,4 ha. Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo các hạt kiểm lâm tích cực phối hợp với chính quyền địa phương hoàn thành công tác thiết kế, quản lý chặt chẽ chất lượng giống để đảm bảo hoàn thành mục tiêu trồng rừng vụ xuân.
Cùng với đó, gắn việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trồng rừng với bảo vệ tài nguyên rừng hiện có, ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng, khai thác rừng trái phép; đặc biệt chú ý công tác phòng cháy, chữa cháy khi người dân xử lý thực bì để trồng rừng.
Thông Nguyễn