Năm 2023, tỉnh đặt chỉ tiêu TNS Nhà nước đạt 5.200 tỷ đồng tại Nghị quyết số 61/NQ - HĐND ngày 9/12/2022; dự toán giao theo Chương trình 135 - CTr/TU của Tỉnh ủy là 5.355 tỷ đồng; mục tiêu phấn đấu theo kịch bản là 5.900 tỷ đồng. So với mức thu năm 2022, mức tăng thu năm nay khá cao (trên 15%). Bên cạnh đó, các chính sách miễn, giảm thuế ban hành trong năm 2022 vẫn còn hiệu lực sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu năm 2023 như: giảm thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 của Quốc hội.
Hiện tại, Chính phủ đang nghiên cứu tiếp tục trình Quốc hội một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, điều này có thể sẽ làm giảm thu nội địa năm 2023 so với dự toán đã giao, tạo áp lực lớn lên mục tiêu nhiệm vụ TNS. Dù vậy, đầu tháng 1, ngay trước kỳ nghỉ tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ngành thuế đã tích cực triển khai các biện pháp nhằm hoàn thành dự toán thu lệ phí môn bài năm 2022.
Đây là khoản thu giữ vai trò kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế; tạo tiền đề cho việc thực hiện tốt công tác TNS Nhà nước trong cả năm. Do vậy, sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, toàn ngành thuế tỉnh đã tập trung triển khai ngay những nhiệm vụ đã đề ra. Theo đó, hết tháng 1/2023, số TNS Nhà nước toàn tỉnh đạt 241,8 tỷ đồng; trong đó, thu hải quan đạt 16 tỷ đồng; thu nội địa đạt 225,7 tỷ đồng.
Trên cơ sở nhận định về tình hình kinh tế và sản xuất, kinh doanh tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do một số vấn đề về dòng vốn của doanh nghiệp, sức mua, đơn hàng của một số ngành bị suy giảm…
Ông Nông Xuân Hùng - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: sau một tháng triển khai nhiệm vụ năm 2023, Cục Thuế tỉnh yêu cầu toàn ngành phải tập trung phân tích, đánh giá sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp, của thị trường và dự báo những ảnh hưởng đến công tác thu thuế thời gian tới để đảm bảo chất lượng công tác dự toán thu sát thực tế. Cùng đó, ngành thuế đẩy mạnh hiện đại hóa, hoàn thiện, bổ sung các ứng dụng, nền tảng mới, bảo đảm mục tiêu cải cách hành chính theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021 - 2030, trọng tâm là quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử theo các lĩnh vực quản lý thuế.
Tiếp tục rà soát, cải cách thủ tục hành chính thuế, chú trọng giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người nộp thuế thuận lợi trong thực hiện chính sách thuế, nghĩa vụ thuế theo quy định.
Tăng cường đảm bảo cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin về hóa đơn điện tử; triển khai hiệu quả hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; duy trì và mở rộng các dịch vụ thuế điện tử; thực hiện điện tử hóa, số hóa các khâu trong quản lý thuế.
Quản lý chặt chẽ, khai thác tốt các nguồn thu; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, kiểm soát việc kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế, việc khai báo tên hàng, mã hàng, thuế suất, trị giá, số lượng... để phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ, gian lận thuế. Tăng cường quản lý thu, chống thất thu; trong đó, tập trung vào các lĩnh vực thu từ đất đai, khoáng sản...
Các sở, ban, ngành, đoàn thể và các huyện, thị, thành phố chú trọng triển khai đầy đủ, kịp thời Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật; tập trung chỉ đạo hoàn thiện các thủ tục để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất tại các dự án đầu tư hạ tầng khu đô thị, khu dân cư tập trung, các khu đất nhỏ lẻ, xen kẹt đủ điều kiện theo quy định; thực hiện nghiêm quy định về đấu giá khi bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản công, giao đất, cho thuê đất theo pháp luật; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp.
Đôn đốc các doanh nghiệp Nhà nước nộp đầy đủ vào ngân sách Nhà nước phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định; chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước đôn đốc doanh nghiệp nộp kịp thời vào ngân sách Nhà nước số thu cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, ngành chức năng cũng tập trung các nhóm giải pháp nhằm nuôi dưỡng nguồn thu và mở rộng cơ sở thu.
Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ gắn với đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, đổi mới các hình thức sản xuất nông nghiệp, gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản, hàng hóa theo chuỗi; triển khai đồng bộ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với xây dựng thương hiệu để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế các sản phẩm đặc trưng của các địa phương. Thực hiện hiệu quả các chính sách, quy định của Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển…
Quang Thiều