Yên Bái: Trồng và phát triển vốn rừng đã trở thành nghề
- Cập nhật: Thứ tư, 3/1/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Chỉ cách đây vài năm, việc trồng và phát triển vốn rừng chủ yếu là của các nông lâm trường quốc doanh, còn đối bà con nông dân vẫn không mấy mặn mà, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm 2007, tỉnh Yên Bái phấn đấu trồng mới 15 ngàn ha rừng.
|
Nguyên nhân là do từ xa xưa của đồng bào chỉ biết khai thác tài nguyên rừng là chính. Bên cạnh đó, nhiều người dân vẫn có ý nghĩ việc trồng rừng là nhiệm vụ của Nhà nước, cho dù Nhà nước đã có chính sách giao khoán đất đai, tài nguyên cho nhân dân nhận, quản lý. Với quyết tâm lấy trồng rừng kinh tế để giải quyết việc làm xoá đói nghèo trong nông nghiệp nông thôn tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách thông thoáng, hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, giống cây; cử cán bộ về xã, thôn bản vận động tuyên truyền người dân nhận đất trồng rừng và phát triển vốn rừng. Nhờ đó bây giờ việc trồng và phát triển vốn rừng đã và đang trở thành nghề chính của bà con nông dân Yên Bái.
Trồng và phát triển vốn rừng đã không chỉ của các nông lâm trường. Người dân từ vùng thấp đến vùng cao từ Yên Bình, Trấn Yên lên Trạm Tấu, Mù Cang Chải bất cứ chỗ nào có đất trống đồi núi trọc là được trồng rừng. Nếu như những năm 1990 toàn tỉnh có hàng trăm ngàn đất trống bỏ hoang chỉ toàn lau lách thì nay được phủ xanh bằng bạch đàn, keo, bồ đề. Bình quân mỗi năm bà con và các lâm trường đã trồng mới từ 10 đến 13 ngàn ha rừng, trong đó có 7 - 9 ngàn ha rừng kinh tế. Đến nay toàn tỉnh đã có 253.707 ha rừng sản xuất, chiếm 52,9% diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh. Kinh tế đồi rừng đã thực sự trở thành nguồn thu chính của nông dân. Bình quân mỗi năm khai thác tiêu thụ trên 150 ngàn m3 gỗ rừng trồng, trên 100 ngàn tấn tre, nứa, vầu đáp ứng cho sản xuất công nghiệp chế biến.
Chỉ tính riêng năm 2006, toàn tỉnh đã trồng mới 13 ngàn ha rừng tập trung, đạt 100% kế hoạch năm, trong đó có 6.129 ha cây keo, 799 ha cây bạch đàn mô, 1.539 ha quế… Điều đáng nói hơn cả là các lâm trường quốc doanh trồng được 4.030 ha còn lại bà con nông dân trồng 8.969 ha rừng kinh tế (huyện Lục Yên 1.495 ha, Văn Chấn 1.813 ha, Trấn Yên 1.531 ha, Văn Yên 1.800 ha, Nghĩa Lộ 234 ha, Trạm Tấu 205 ha còn lại là của Mù Cang Chải và thành phố Yên Bái). Bên cạnh việc trồng mới, các tổ chức giao khoán bảo vệ hết diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng… cho bà con nông dân và các lâm trường. Giá trị thực hiện bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ thuộc Dự án 661 đạt 20.752 triệu đồng, trồng rừng kinh tế đạt giá trị gần 60 tỷ đồng, trồng rừng kinh tế phần lớn do dân tự đầu tư vốn, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần vật tư, phân bón và cây giống.
Ông Kiều Tư Giang - Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh cho biết: “Trồng rừng ở các địa phương Yên Bình, Trấn Yên, Lục Yên, Văn Yên, thành phố Yên Bái đã trở thành nghề và một nguồn thu chính”. Nhưng với các huyện thị phía Tây thì việc trồng rừng kinh tế là rất mới mẻ, vậy mà năm 2006 nơi đây đã trồng được 2.468 ha (Văn Chấn 1.813 ha, Nghĩa Lộ 243 ha, Trạm Tấu 205 ha, Mù Cang Chải 207 ha). Đây được coi là bước đột phá trong phát triển kinh tế lâm nghiệp phía tây của tỉnh Yên Bái, cũng là tiền đề xóa đói giảm nghèo nông nghiệp nông thôn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng gặp không ít khó khăn bởi đây là năm đầu tiên thực hiện phát triển trồng rừng kinh tế đối với ba huyện vùng cao. Người dân chưa quen với trồng rừng kinh tế, khí hậu thời tiết khắc nghiệt, khô hanh kéo dài thời vụ trồng rừng chỉ bắt đầu từ tháng 6 đến hết tháng 9 (vụ hè thu). Quỹ đất chưa được chuẩn bị chu đáo, hầu hết diện tích đã qua canh tác nương rẫy nhiều năm đã bị bạc mầu, thoái hóa. Qua đó kết quả làm được cho thấy sự chỉ đạo sát sao của Chi cục Lâm nghiệp, các huyện thị và sự nỗ lực của nông dân. Nông dân đã biết kết hợp sản xuất nông nghiệp với lâm nghiệp và chăn nuôi, trồng rừng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần cải thiện môi trường sinh thái, chống xói mòn đất đai, giảm lũ lụt.
Kinh tế đồi rừng đã và đang là một thế mạnh và là nguồn thu lớn cho nông dân, giá trị thu nhập từ rừng năm 2006 đạt hàng trăm tỷ đồng. Phát huy kết quả đã đạt được sang năm 2007, toàn tỉnh phấn đấu trồng mới 15 ngàn ha rừng, trong đó có 12.400 ha rừng sản xuất, 1.600 ha rừng phòng hộ; khai thác và tiêu thụ 160 ngàn m3 gỗ rừng trồng, giá trị thu nhập từ rừng đạt trên 500 tỷ đồng; bảo vệ tốt diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, khoanh nuôi có hiệu quả diện tích rừng vùng cao… Những con số đó không vượt quá khả năng của bà con nông dân và các lâm trường bởi trồng rừng, bảo vệ rừng đã trở thành nghề và thu nhập chính của bà con nông dân Yên Bái.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Sau gần 3 năm hoạt động, HTX dịch vụ tổng hợp xã Báo Đáp (Trấn Yên) đã từng bước khẳng định được vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong cơ cấu kinh tế địa phương. HTX chỉ có 20 xã viên, vốn điều lệ 73 triệu đồng. nhưng bằng sự năng động của Ban chủ nhiệm và sự đồng thuận của các xã viên, HTX đã xây dựng cho riêng mình một chiến lược sản xuất kinh doanh đa ngành nghề: dịch vụ kinh doanh điện năng, dịch vụ thủy nông, quản lý chợ, kinh doanh vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản… Những ngành nghề trên, bình quân mỗi năm doanh thu đạt 800 - 1 tỷ đồng, đảm bảo mức lương tối thiểu của xã viên đạt từ 600 - 700.000 đ/tháng.
YBĐT - Trước sự chứng kiến của các quan chức, bạn bè doanh nghiệp và nhất là hàng trăm nhà đầu tư sáng 29/12/2006, tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Công ty cổ phần Yên Sơn chính thức đánh tiếng chiêng tham gia vào thị trường sôi động và tiềm năng nhất Việt Nam - thị trường chứng khoán.
YBĐT - Phải đến lần thứ ba tôi mới đến được Tân Phượng, một xã vùng 3 của huyện Lục Yên. Từ thị trấn Yên Thế đến Tân Phượng chỉ hơn 30km nhưng phải vượt qua con đèo quanh co dốc đá nghiêng nghiêng. Những tảng đá trên cao cứ như sắp rơi xuống đường, phải mất hơn 2 giờ chiếc xe U-oát mới đưa đoàn công tác của Điện lực Yên Bái đến được trung tâm xã, con đường nhầy nhụa bùn đất bởi cơn mưa đêm trước.
YBĐT - Đường từ thị xã Nghĩa Lộ lên xã Tú Lệ (Văn Chấn) dài quãng năm sáu chục cây số. Nhưng cách đây mấy năm, khi tuyến đường này chưa được nâng cấp thì lên Tú Lệ bằng xe khách phải đi mất vài tiếng đồng hồ. Ai đã từng đi xe khách lên đây vào thời kỳ ấy, hẳn không thể nào quên được hình ảnh xe chạy cứ lắc lư, ì ạch và trong khoang xe tựa như thùng bụi.Và người ta càng cảm thấy buồn và mệt mỏi hơn khi đằng đẵng đi qua các xã: Nậm Lành, Gia Hội, Nậm Búng đến Tú Lệ thì họa hoằn mới thấy vài bóng người qua lại hoặc một chiếc ô tô hiếm hoi chạy ngược chiều.