Trần Phú thắng lớn vụ cam
- Cập nhật: Thứ năm, 4/1/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Thị trấn Nông trường Trần Phú (Văn Chấn) năm nay cam vừa được mùa vừa được giá. Và những ngày cuối năm này, đến thị tứ Ba Khe thường bắt gặp hinh ảnh quen thuộc là rất nhiều xe máy phân khối lớn, ô tô vận tải nhỏ vận chuyển cam.
Anh Nguyễn Văn Diện (bên phải) đang giới thiệu với khách, cây cam đường canh bán được
3 triệu đồng.
|
Toàn thị trấn có 140 ha cam và về sản lượng, niên vụ 2005 - 2006 thu khoảng 1500 tấn quả. Còn năm nay nhờ diện tích cam tăng và người dân thấy được lợi ích kinh tế do cây cam mang lại nên nhà nhà thi đua bón phân, tưới nước và phòng trừ sâu bệnh khiến cây nối cây đều rất sai quả và mọng nước, sản lượng cam ước đạt 1550 đến 1600 tấn. Điều đáng mừng là trong số ba giống cam đã được trồng chủ lực ở Trần Phú năm nay, gồm cam sành, cam chanh và cam đường canh, giống nào cũng cho năng xuất cao. Được mùa, dân đã mừng và còn mừng hơn khi năm nay giá cam còn tăng hơn hẳn năm trước. hiện tại thương lái vào tận vườn thu mua với giá 5 nghìn đồng/kg cam sen; 4 nghìn đồng/kg cam chanh và đặc biệt là giống cam Đường Canh, một loại giống mới đưa vào trồng từ 5 - 6 năm nay có giá bán 18 nghìn đồng/kg.
Chúng tôi về khu dân cư số 8, là nơi có diện tích cam lớn nhất Trần Phú, khoảng 30 ha và có nhiều gia đình thu mỗi năm vài trăm triệu đồng từ vườn cam. Đi xuyên qua những cây cam trĩu quả, chúng tôi đứng giữa một thung lũng cam. Hai bên mé đồi được cải tạo thành các đường lô trồng cam đều tăm tắp, hệ thống bể nước, ống dẫn nước tưới tiêu lên tận đỉnh đồi. Điều lạ lùng là có nhiều cây, một gốc nhưng mỗi cành lại cho ra một giống quả khác nhau như cam chanh, cam sen, cam sành, cam Đường Canh. Anh cán bộ xã giải thích: “Một gốc nhiều giống quả không phải ai cũng ghép được, đa dạng quả ngay trên một gốc cây trồng không chỉ độc đáo mà tránh được rủi ro nếu mất mùa một giống nào đó”. Rất tiếc chủ nhân của thung lũng cam này - anh Nguyễn Văn Thông không có nhà. Một cán bộ xã cùng đi cho biết: “Gia đình anh Thông có diện tích, năng suất và sản lượng cam luôn đứng đầu thị trấn này. Năm trước, gia đình anh thu được trên 40 tấn cam các loại, năm nay năng chắc chắn còn cao hơn nhiều, nhất là số tiền thu về, chỉ riêng một hợp đồng bán 10 tấn cam Đường Canh, anh đã có số thu 180 triệu đồng”. Ra khỏi thung lũng cam, chúng tôi bất ngờ gặp anh Thông đang chỉ huy hoàn thiện ngôi nhà hai tầng, to đẹp trị giá không dưới 300 triệu đồng. Anh Thông cho biết: “Làm thêm cái nhà này để ở cho tiện”. Rất kiệm lời, rất kín đáo nhưng anh Thông vẫn phải thừa nhận, gia đình mình có diện tích cam lớn nhất, thu vài trăm triệu mỗi năm và nhờ cam mà chuyện mua sắm phương tiện, vật dụng cũng không còn là điều gì ghê gớm.
Rời nhà anh Thông, biết chuyện có gia đình bán một cây cam được 3 triệu bạc, chúng tôi đề nghị cán bộ xã đưa đến gia đình đó thì được anh Nguyễn Hợp Đoàn - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “Không phải một nhà mà nhiều nhà có cây cam thu được vài triệu đồng”. Xe dừng lại tại một gia đình có vườn cam không lớn lắm và chủ nhân là anh Nguyễn Văn Diện. Đưa chúng tôi đi một vòng quanh vườn, vừa đi anh kể: “Nhà ít lao động lại không có nhiều đất nên cũng không trồng được nhiều, năm nay giỏi cũng chỉ thu được trên dưới 130 triệu”. Anh dừng lại ở một cây cam sai trĩu quả ở góc vườn và cho biết: “Đây là giống Đường Canh, cây này bán ngay từ đầu vụ. Hớ quá, được có ba triệu đồng, gia đình ước thu khoảng 2 tạ quả, vậy là giá bán có 15 nghìn đồng một cân, để lại bây giờ mà bán thì phải cầm chắc 3,6 triệu”. Anh cho biết thêm, tại khu này nhiều gia đình bán một cây cam Đường Canh thu được trên dưới 4 triệu đồng và rất may nhà anh còn nhiều cây khác, tuy không lớn bằng cây đã bán nhưng cũng phải được đôi triệu. Chúng tôi ngắm nhìn cây cam đường canh chĩu chịt quả và ước tính cây cam này chiếm diện tích khoảng 7m2. Đây chắc chắn là cây trồng đem lại thu nhập lớn nhất ở nơi này.
Từ những vườn cam này, thị trấn Nông trường Trần Phú đã trở thành địa phương có đời sống cao nhất khu vực nông thôn Yên Bái với tỷ lệ hộ gia đình có nhà xây, xe máy, máy thu hình cao nhất. Đứng giữa “thị trấn cam” với những tòa nhà đẹp đẽ thấp thoáng trong vườn quả ngọt, chúng tôi thấy vui trước thành quả lao động của bà con và phấn khởi khi nghị quyết xây dựng vùng chuyên canh cây ăn quả của Đảng bộ Văn Chấn đã thành sự thật, nhất là việc cải tạo giống cam cũ, thay thế những cây thoái hóa, sâu bệnh bằng giống Đường Canh năng suất cao, chất lượng tốt và bán được giá gấp ba lần giá bán giống thường. Từng đoàn xe máy, ô tô chạy vào Trần Phú mang theo phân bón, chuẩn bị cho một vụ cam mới và chở ra những thùng cam chín mọng. Trái cam Trần Phú tự hào có mặt trên những bàn tiệc và mâm ngũ quả ngày tết của mọi nhà.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Chỉ cách đây vài năm, việc trồng và phát triển vốn rừng chủ yếu là của các nông lâm trường quốc doanh, còn đối bà con nông dân vẫn không mấy mặn mà, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số.
YBĐT - Sau gần 3 năm hoạt động, HTX dịch vụ tổng hợp xã Báo Đáp (Trấn Yên) đã từng bước khẳng định được vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong cơ cấu kinh tế địa phương. HTX chỉ có 20 xã viên, vốn điều lệ 73 triệu đồng. nhưng bằng sự năng động của Ban chủ nhiệm và sự đồng thuận của các xã viên, HTX đã xây dựng cho riêng mình một chiến lược sản xuất kinh doanh đa ngành nghề: dịch vụ kinh doanh điện năng, dịch vụ thủy nông, quản lý chợ, kinh doanh vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản… Những ngành nghề trên, bình quân mỗi năm doanh thu đạt 800 - 1 tỷ đồng, đảm bảo mức lương tối thiểu của xã viên đạt từ 600 - 700.000 đ/tháng.
YBĐT - Trước sự chứng kiến của các quan chức, bạn bè doanh nghiệp và nhất là hàng trăm nhà đầu tư sáng 29/12/2006, tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Công ty cổ phần Yên Sơn chính thức đánh tiếng chiêng tham gia vào thị trường sôi động và tiềm năng nhất Việt Nam - thị trường chứng khoán.
YBĐT - Phải đến lần thứ ba tôi mới đến được Tân Phượng, một xã vùng 3 của huyện Lục Yên. Từ thị trấn Yên Thế đến Tân Phượng chỉ hơn 30km nhưng phải vượt qua con đèo quanh co dốc đá nghiêng nghiêng. Những tảng đá trên cao cứ như sắp rơi xuống đường, phải mất hơn 2 giờ chiếc xe U-oát mới đưa đoàn công tác của Điện lực Yên Bái đến được trung tâm xã, con đường nhầy nhụa bùn đất bởi cơn mưa đêm trước.