Mù Cang Chải chuyển dịch sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

  • Cập nhật: Thứ hai, 24/4/2023 | 1:56:26 PM

YênBái - Là huyện vùng cao, Mù Cang Chải có trên 90% dân số là đồng bào Mông, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp với tập quán canh tác lạc hậu nên những năm trước đây, giá trị kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng.

Mô hình chăn nuôi lợn lai lợn rừng của ông Thào A Phổng, bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.
Mô hình chăn nuôi lợn lai lợn rừng của ông Thào A Phổng, bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt mang lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Trước thực tế đó, cùng với triển khai kịp thời các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đến với bà con, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức trong tiếp thu các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trong sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp tiềm năng, thế mạnh địa phương, nhiều hộ đã mạnh dạn thử nghiệm các loại cây trồng, vật nuôi mới, mở rộng quy mô sản xuất cho hiệu quả thiết thực. 

Điển hình là mô hình trồng thử nghiệm hơn 100 gốc hồng giòn không hạt của các hộ ông Thào Nhà Của, ông Thào A Phổng ở xã Nậm Khắt; mô hình trồng lê Đài Loan, táo ghép của các hộ ông Mùa A Mạnh, Mùa A Tòng ở xã Púng Luông; mô hình trồng hơn 2 ha mía của ông Mùa A Của, xã Hồ Bốn... Mỗi mô hình sau khi trừ chi phí cho thu nhập từ 20 - 50 triệu đồng/năm. 

Ông Thào A Phổng, bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt cho biết: Sau hơn chục năm chăm sóc và nhờ cây hồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nên phát triển nhanh, cho chất lượng tốt. Giờ mỗi năm vườn hồng cho thu hoạch trung bình mỗi cây đạt từ 20 - 30 kg, giá bán dao động từ 20 - 30 nghìn đồng/kg, tính ra 100 gốc hồng cũng cho thu nhập trên 60 triệu đồng/năm, chưa trừ chi phí. 

Về lĩnh vực chăn nuôi, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư xây dựng, nâng cấp chuồng trại, chuyển đổi con giống phát triển những loại vật nuôi chất lượng theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung. Tiêu biểu như ông Giàng A Lu, xã Lao Chải trồng hơn 3 ha cỏ voi và đầu tư hơn 300 triệu đồng để xây dựng chuồng trại thực hiện mô hình chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả quy mô 30 con; ông Giàng A Cheo, xã Lao Chải đầu tư hơn 200 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua giống thực hiện mô hình chăn nuôi lợn lai lợn rừng quy mô từ 20 con trở lên; ông Giàng A Páo, xã Khao Mang đầu tư hơn 20 triệu đồng sửa chữa, nâng cấp lại chuồng trại thực hiện mô hình nuôi 2 lợn nái, 20 lợn thịt/lứa... cho thu nhập ổn định. 

Đối với cây nông nghiệp ngắn ngày là các mô hình chuyển đổi diện tích ruộng kém hiệu quả sang trồng hoa hồng, rau, su su ở xã Nậm Khắt, thị trấn Mù Cang Chải; chuyển diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô, khoai sọ ở xã Hồ Bốn; chuyển đổi diện tích ruộng cấy lúa thường sang cấy lúa Sén cù, nếp Tan chất lượng cao ở xã Hồ Bốn, Cao Phạ... 

Ông Hoàng Văn Hân - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải cho biết: Để từng bước nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp, chúng tôi luôn chủ động phổ biến, hướng dẫn, khuyến khích nhân dân áp dụng khoa học và công nghệ vào trong sản xuất, chăn nuôi để tạo ra sản phẩm có giá trị cao, có tính cạnh tranh trên thị trường cũng như xây dựng các mô hình liên kết trong sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất các sản phẩm đặc sản, chất lượng cao như: gạo Sén cù Hồ Bốn, quả su su non Lao Chải, nấm hương Nậm Khắt, mật ong hoa rừng Mù Cang Chải...

Với sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, phổ biến, tư duy của người dân đã từng bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp. Nhờ đó, năng suất, sản lượng, chất lượng sản phẩm được nâng cao, tăng thu nhập trên mỗi đơn vị diện tích canh tác, góp phần nâng tổng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp, thủy sản huyện Mù Cang Chải năm 2022 ước đạt 570,5 tỷ đồng; số hộ nghèo giảm còn 6.344 hộ... 

Đây là tiền đề quan trọng để huyện Mù Cang Chải thực hiện thắng lợi chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, phấn đấu đến năm 2025 là huyện cơ bản thoát nghèo.

Châu Á

Tags Mù Cang Chải sản xuất nông nghiệp kinh tế nông nghiệp ruộng bậc thang gạo Sén cù mật ong hoa rừng

Các tin khác
Quang cảnh Hội nghị.

Từ nay đến cuối năm, huyện Văn Yên sẽ thành lập 2 hợp tác xã, 4 tổ hợp tác để hình thành 2 chuỗi liên kết sản xuất trồng dâu nuôi tằm tại 3 xã; xây dựng kế hoạch phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với phát triển du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm sinh thái về dâu tằm tại các địa phương có lợi thế.

Giá vàng miếng SJC tăng mạnh sau phiên đấu thầu vàng.

Sau hơn 3 tiếng giao dịch buổi sáng, giá vàng SJC bật tăng lên mốc 85 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tăng mạnh hơn sau khi Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng lần 1.

Người dân xã Giới Phiên, thành phố Yên Bái sản xuất miến đao

Phát triển tiểu thủ công nghiệp (TTCN) đang là hướng đi hiệu quả, giúp đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi bộ mặt nông thôn. Nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Yên Bái được duy trì, phát triển, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác thăm Nhà máy ươm tơ tự động của Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái đóng tại thôn Làng Qua, xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Trong 3 năm qua (từ 2021 – 2023), tỉnh Yên Bái đã thu hút được 20 dự án vào lĩnh vực chế biến nông lâm, thủy sản với tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục