Những giải pháp tạo việc làm cho người lao động
- Cập nhật: Thứ tư, 7/2/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Theo số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tỉnh Yên Bái có khoảng 460 nghìn người trong độ tuổi lao động, trong đó 430 nghìn người có khả năng lao động (80% tập trung ở khu vực nông thôn, 20% ở thành thị), số lao động trẻ chiếm hơn 60%; tỷ lệ lao động có trình độ đại học, cao đẳng và lao động có tay nghề kỹ thuật rất thấp. Số lao động này phần đông đã có việc làm ổn định, đúng chuyên môn đào tạo.
Làm tranh đá quý ở cơ sở Hồng Ngọc, thị trấn Yên Thế, Lục Yên.
(Ảnh: Đoàn Ngọc Lâm)
|
Hàng năm, có thêm từ 18.000 - 20.000 lao động cần việc làm. Số lao động thiếu việc làm trong thời gian nông nhàn ở nông thôn ngày càng gia tăng. Đơn cử như Văn Chấn, mặc dù hàng năm huyện đã giải quyết cho khoảng 2.700 lao động có việc làm, nhưng số thiếu việc làm hiện nay vẫn còn khoảng 5.000 người.
Với nhiều yếu tố như: số lao động tăng thêm, bộ đội hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, số người mất việc làm và dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, lao động nông nghiệp ở nông thôn thiếu đất sản xuất… đã đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Xuất phát từ tình hình trên, trong nhiều năm qua, vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động luôn được sự quan tâm của tỉnh, các cấp, các ngành, các đoàn thể. Thông qua chương trình kinh tế trọng điểm, bằng các hình thức cho vay vốn theo các dự án nhỏ như: phát triển tiểu thủ công nghiệp, kinh tế trang trại, xây dựng các vùng kinh tế trọng điểm, phát triển trồng rừng, nghề dệt thổ cẩm, mây tre đan, tranh đá quí… đã tạo những chuyển biến tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn. Năm 2006, tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ giải quyết cho 17.150 lao động có việc làm, trong đó giải quyết việc làm từ chương trình phát triển kinh tế - xã hội cho gần 9.000 lao động. Bên cạnh đó, được sự quan tâm và đầu tư đúng mức trong việc đưa lao động đi làm việc ở các tỉnh bạn cũng như xuất khẩu lao động ra nước ngoài đều tăng. Nhiều hoạt động thiết thực đã tạo cầu nối giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với người lao động. Đặc biệt, qua tổ chức Hội chợ Lao động việc làm lần đầu tiên tại Yên Bái đã thu hút 31 đơn vị tham gia với 50 gian hàng, có khoảng 12.000 người tham gia tìm hiểu, tư vấn việc làm, học nghề và xuất khẩu lao động. Đây cũng là cơ hội để người lao động tiếp nhận các thông tin về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, các doanh nghiệp có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với người lao động, định hướng cho các cơ sở dạy nghề, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu tuyển dụng.
Giải quyết việc làm tuy có những chuyển biến tích cực, song nhìn một cách tổng thể thì chất lượng nguồn lao động trong tỉnh còn thấp, thị trường lao động chưa phát triển, người lao động thiếu việc làm còn cao. Mặc dù toàn tỉnh hiện có khoảng 13 cơ sở dạy nghề nhưng số lao động chưa qua đào tạo còn lớn, tỉ lệ lao động được đào tạo dài hạn còn ít, cơ cấu đào tạo chưa phù hợp với yêu cầu sử dụng.
Theo ông Đỗ Đình Ương, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Yên Bái cho biết: “Trên 60% số học sinh học tại các cơ sở dạy nghề khi ra trường có đủ kiến thức và trình độ chuyên môn được các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tiếp nhận vào làm việc, một bộ phận khác tự lập vươn lên. Đồng thời chương trình xây dựng, phát triển các cụm và khu công nghiệp phía nam đã thu hút và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động”. Những năm tới, khi diện tích đất canh tác có khả năng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa, số người đến tuổi lao động bình quân tăng thì vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động là hết sức khó khăn. Thời gian tới, tỉnh chú trọng đến công tác giải quyết việc làm cho người lao động và coi đây là ưu tiên số một trong các chính sách kinh tế - xã hội. Trước mắt, đẩy mạnh và tăng cường công tác tuyên truyền, thông tin thị trường lao động; tiếp tục thực hiện và ban hành các cơ chế, chính sách mới để giải quyết việc làm ở từng địa phương; thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đầu tư phát triển nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, mở mang và khôi phục ngành nghề truyền thống; thực hiện nhanh và hiệu quả chương trình trồng 5 triệu ha rừng; tổ chức các hoạt động giới thiệu, tư vấn, cho vay vốn tạo việc làm…
Với những chủ trương, định hướng và các giải pháp thực hiện khả thi, năm 2007 tỉnh Yên Bái phấn đấu sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 17.000 lao động, trong đó tăng tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp - xây dựng lên 11,03%; thương mại - dịch vụ lên 18,24%; giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống 3,5%, nâng tỷ lệ lao động khu vực nông thôn lên 81% và tăng tỷ lệ lao động được đào tạo lên 28,6%, trong đó đào tạo nghề đạt 11,9%.
Quang Thiều
Các tin khác
YBĐT - Là tỉnh miền núi, hiện Yên Bái còn gần 359.000 ha đất có rừng. Thời gian qua Yên Bái đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý và bảo vệ rừng; hạn chế được các vụ việc vi phạm lâm luật, người dân vùng cao dần ý thức được việc bảo vệ rừng là bảo vệ chính cuộc sống của mình.
YBĐT - Là xã vùng thấp của huyện Văn Yên, địa hình trải dọc theo tuyến đường Yên Bái - Khe Sang và bờ tả ngạn sông Hồng, Yên Hưng có nhiều lợi thế: đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, giao thông tiện lợi. Bên cạnh đó, xã cũng có không ít khó khăn: đất chật, người đông, trình độ dân trí còn hạn chế. Nhưng vượt lên trên tất cả là tinh thần đoàn kết cộng đồng, đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo cùng với một Đảng bộ và chính quyền cơ sở vững mạnh đã đưa Yên Hưng trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở của huyện.
YBĐT - Tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội đi qua địa bàn tỉnh Yên Bái với gần 100 cây số, qua 10 ga thuộc các huyện Văn Yên, Trấn Yên và thành phố Yên Bái từ lâu đã là huyết mạch thông thương hàng hoá từ cửa khẩu Lào Cai về Yên Bái và đi các tỉnh miền xuôi. Bên cạnh việc vận chuyển những lô hàng hợp pháp, không ít hàng Trung Quốc nhập lậu đã thẩm thấu vào nội địa thông qua tuyến đường này.
YBĐT - Xã Lâm Giang thuộc vùng thượng huyện Văn Yên, có tổng diện tích tự nhiên 10.374 ha, trong đó đất sản xuất nông - lâm nghiệp chỉ có 1/3 còn lại là đất rừng. Địa hình ở đây khá phức tạp do đồi núi cao và dốc, giao thông đi lại khó khăn. Vì vậy, đã được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, đất đai màu mỡ, có nguồn nhân lực dồi dào, song nhiều năm qua đời sống của bà con vẫn rất khó khăn.