Nuôi cá tầm không còn quá khó với người dân Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ sáu, 2/6/2023 | 1:42:06 PM

YênBái - Là loài ưa lạnh và cần nguồn nước sạch tự nhiên làm môi trường sống, cá tầm từng chỉ nuôi được ở Sa Pa (Lào Cai) và Đà Lạt (Lâm Đồng), nhưng vài năm gần đây, các mô hình nuôi cá tầm được hình thành và nhân rộng ngày càng nhiều ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, đánh dấu sự thành công trong quá trình chinh phục loài cá khó tính này.

Khu vực ươm cá tầm giống của anh Hoàng Văn Bình, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên.
Khu vực ươm cá tầm giống của anh Hoàng Văn Bình, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên.

Những trang trại tiên phong nuôi cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi) trên đỉnh Khau Phạ đã mở ra một hướng đi mới nhưng đầy triển vọng ở huyện Mù Cang Chải. Đến nay, trên địa bàn huyện có 4 trang trại nuôi cá tầm, diện tích nuôi trên 1,6 ha, hàng năm cung cấp ra thị trường gần 90 tấn cá. 

Là loài cá khá khó tính khi phải sống trong môi trường nước trong sạch và nhiều ôxy nên quá trình chăm sóc luôn phải theo dõi, kiểm tra môi trường nước đều đặn hàng ngày để đảm bảo cho cá sinh trưởng tốt. 

Theo những người nuôi cá ở đây, điều quan trọng khi nuôi cá tầm là quản lý môi trường nước bao gồm việc kiểm soát lượng oxy, điều chỉnh, duy trì nước chảy liên tục và duy trì nhiệt độ nước ở ngưỡng thích hợp. Bởi vậy, vào mùa hè khi nhiệt độ có dấu hiệu lên cao, cần có giải pháp giảm nhiệt độ nước chẳng hạn như che bằng lưới đen chống nóng. 

Ngoài ra, cũng cần kiểm tra tốc độ tăng trưởng của cá để điều chỉnh khẩu phần ăn. Việc cho ăn cũng phải căn cứ vào nhiệt độ nước, nước lạnh ăn ít, nước ấm ăn nhiều hơn. Thức ăn cho cá chủ yếu là cám công nghiệp có hàm lượng protein và lipit phù hợp. Ngoài xuất bán cho các cơ sở đầu mối tại nhiều tỉnh trên cả nước, một số trang trại còn mở thêm dịch vụ nhà hàng, cung cấp tại chỗ các món ăn bổ dưỡng từ cá cho khách du lịch, trở thành món đặc sản hút khách. 
Tại huyện Trấn Yên, cá tầm được nuôi tập trung ở xã Việt Hồng với 4 cơ sở nuôi có quy mô nhỏ và vừa, trong đó mô hình của anh Hoàng Văn Bình ở Bản Nả là lớn nhất, quy mô nhất gồm 11 bể nuôi cá thương phẩm, 24 bể ươm cá giống. 

Anh Bình chia sẻ: "Sau nhiều năm chinh phục cá tầm, chúng tôi đã làm chủ kỹ thuật ươm giống và nuôi cá tầm thương phẩm. Nghề này tuy không mất nhiều công chăm sóc, song đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, đặc biệt là phải đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước lạnh sạch, khử trùng, điều chỉnh nhiệt độ nước đúng tiêu chuẩn thì cá sẽ ít bị nhiễm bệnh và sinh trưởng phát triển tốt. Thức ăn của cá không quá cầu kỳ, chủ yếu là thức ăn công nghiệp. Ngoài ra, có thể ăn thêm tôm, tép nhỏ”. 

Cá tầm thương phẩm nuôi trong 15 tháng sẽ đạt trọng lượng từ 2 - 2,5 kg/con trở lên và có thể xuất bán. Hiện nay, mỗi lứa, cơ sở của anh Bình có thể nuôi được 5.000 con cá thương phẩm, doanh thu đạt 1,5 tỷ đồng. Thị trường tiêu thụ khá ổn định với giá bán bình quân 15.000 - 17.000 đồng/con cá giống; cá thương phẩm có giá trung bình 200.000 đồng - 250.000 đồng/kg, cao hơn hẳn so với các loại cá nuôi khác.

Cá tầm cũng đã được nuôi thành công tại xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên với sự vào cuộc, đầu tư bài bản của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu. Nghề nuôi cá tầm tại đây đã có sự kết hợp giữa 4 nhà là nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý và nhà kinh doanh. 

Theo đó, HTX đã liên kết với Viện Nghiên cứu Ứng dụng và Phát triển, Trường Đại học Hùng Vương thực hiện chuyển giao kỹ thuật nuôi cá tầm thương phẩm giúp hạn chế được các rủi ro; kỹ năng quản trị hướng tới mở rộng tiêu thụ sản phẩm ổn định, quảng bá sản phẩm. Nhờ đó, các quy trình nuôi đến đầu ra của sản phẩm đều được vận hành tốt theo chuỗi giá trị. 

Hiện, HTX có 13 thành viên với 24 bể bạt nổi, 2 ao lót bạt và 4 bể xây xi măng cốt thép, quy mô nuôi 1 vạn con/lứa, trung bình mỗi lứa HTX xuất bán khoảng 8.000 con cá thương phẩm, sản lượng bình quân đạt trên 20 tấn/năm, có đầu ra ổn định, từ đó tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động là người Mông ở địa phương. 

Sản phẩm cá tầm Nà Hẩu cũng đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2022. Để phát triển hơn nữa, HTX cũng đã tiến hành triển khai áp dụng tiêu chuẩn VietGAP cho thương hiệu cá tầm Nà Hẩu. 

Có thể thấy, nghề nuôi cá tầm trên địa bàn tỉnh đã cho thấy hiệu quả khi đem lại năng suất, chất lượng sản phẩm cao, giá trị kinh tế lớn; tạo ra sản phẩm đặc thù phục vụ du lịch địa phương, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. 

Hoài Anh

Tags Mù Cang Chải cá tầm Việt Hồng Nà Hẩu Văn Yên OCOP VietGAP

Các tin khác
Dự án xây dựng  nhà ở cho học sinh bán trú, nội trú Trường Phổ thông dân tộc Bán trú Tiểu học Khao Mang đạt trên 40% khối lượng thi công.

Huyện Mù Cang Chải đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 – 2025.

Cán bộ Điện lực Trấn Yên phát tờ rơi tuyên truyền người dân sử dụng điện an toàn và tiết kiệm mùa nắng nóng.

Điện lực Trấn Yên đã đẩy mạnh tuyên truyền vận động, khuyến khích, hướng dẫn phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sử dụng nhiều điện điều chỉnh kế hoạch sản xuất của đơn vị cho phù hợp với tình hình cung ứng điện và tham gia tự nguyện chương trình DR phi thương mại, góp phần giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện quốc gia, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải theo quy định.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, Chính phủ đã nhất trí với kiến nghị giảm 50% phí trước bạ đối với ô-tô sản xuất trong nước. Tuy nhiên, ô-tô không thuộc diện được giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% theo Nghị quyết 43 của Quốc hội.

ĐB Nguyễn Thị Như Ý nói các quy định về PCCC cần tính toán để không phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.

Nếu đặt ra quy định cao quá mức, đôi khi chi phí tuân thủ còn lớn hơn lợi ích thu được từ việc giảm cháy nổ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục