Với tiềm năng của huyện vùng cao, phần lớn diện tích tự nhiên là đồi núi, lau lách, cỏ dại nên Trạm Tấu rất thuận lợi để tận dụng làm bãi chăn thả đại gia súc tự nhiên theo mùa. Vì vậy, cùng với vận động nhân dân mở rộng quy mô chăn nuôi từ tăng đàn, tăng con/lứa, huyện tăng cường nhiều biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động đầu tư con giống chất lượng, chuyển đổi giống, loài chất lượng, phù hợp với điều kiện thực tế và trình độ lao động cũng như phòng, chống dịch bệnh, làm chuồng trại kiên cố, dự trữ thức ăn phòng chống đói rét.
Từ thực tế của huyện với phần lớn dân số là đồng bào Mông, trình độ chăn nuôi còn có những hạn chế, nên ở Trạm Tấu, chăn nuôi trâu, bò vẫn được xác định là những loại vật nuôi mũi nhọn. Bởi những loại vật nuôi này có tổng đầu con/hộ ít và cũng là những vật nuôi dễ nuôi, ít bị dịch bệnh, thức ăn dồi dào.
Để tạo vốn và động lực giúp nhân dân mạnh dạn trong đầu tư mở mới mô hình chuyển đổi, nâng cấp từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa tập trung, huyện đã chỉ đạo các ban, ngành chuyên môn, xã, thị trấn triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, các nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi; chú trọng mở các lớp tập huấn phổ biến, bồi dưỡng kiến thức khoa học, kỹ thuật về chăn nuôi đến cho bà con.
Ông Trớ A Nủ, thôn Sáng Pao, xã Xà Hồ cho biết: "Để góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình, năm 2021, với lợi thế có đất đai rộng, tôi đã vay mượn vốn, đầu tư hơn 70 triệu đồng để nâng cấp, mở rộng chuồng nuôi, trồng hơn 1 ha cỏ voi và mua thêm con giống để thực hiện mô hình chăn nuôi trâu, bò quy mô từ 10 con trở lên theo hướng bán chăn thả".
Sau hơn 2 năm hoạt động, hiện tại, ngoài việc chăn thả tự nhiên trong những ngày thời tiết thuận lợi, gia đình ông Nủ đã trồng cỏ, dự trữ toàn bộ rơm rạ sau mùa gặt để đảm bảo thức ăn cho vật nuôi; tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, nhất là phòng chống dịch bệnh, vệ sinh chuồng trại, che chắn chuồng nuôi để đảm bảo thoáng mát mùa hè, kín gió và giữ ấm về mùa đông, phun tiêu độc khử trùng chuồng nuôi định kỳ để giúp vật nuôi khỏe mạnh, sinh trưởng, phát triển tốt.
Đặc biệt, sau hơn 2 năm thực hiện, sự hỗ trợ từ Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh (NQ 69) đã trở thành động lực giúp bà con ở các xã, thị trấn ở Trạm Tấu mở rộng quy mô chăn nuôi. Xã Hát Lừu có lợi thế ở gần trung tâm huyện nên các dịch vụ thú y, cơ sở bán vật tư, thức ăn chăn nuôi thuận tiện...; do đó, nông dân chủ yếu phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm. Trong đó, xã đã xây dựng được 14 mô hình theo NQ 69 gồm 6 mô hình năm 2021 và 8 mô hình năm 2022, đều là chăn nuôi lợn với quy mô 3 lợn nái, 20 lợn thịt trở lên.
Ông Lò Văn Huấn, thôn Lừu 1 chia sẻ: "Năm 2022, được sự quan tâm của Nhà nước và địa phương, tôi cũng mạnh dạn nâng cấp chuồng trại, mua thêm con giống tham gia mô hình chăn nuôi lợn quy mô 3 lợn nái và 20 lợn thịt trở lên theo NQ 69. Để nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm bớt chi phí thức ăn, tôi tận dụng phần lớn phụ phẩm nông nghiệp, rau xanh, chuối rừng làm thức ăn cho lợn”.
Sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở, sự đồng thuận, nỗ lực của mỗi người dân trong thực hiện các chính sách hỗ trợ, xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, đói rét đã góp phần quan trọng thúc đẩy chăn nuôi của huyện phát triển mạnh mẽ theo hướng sản xuất hàng hóa và bền vững.
Đồng thời, giúp huyện duy trì tổng đàn gia súc chính hiện nay 45.894 con đạt 94% kế hoạch; trong đó, đàn trâu 9.760 con, bò 6.284 con, lợn 29.850 con, dê 7.610 con cùng đàn gia cầm các loại. Đây là tiền đề quan trọng để huyện sớm hoàn thành kế hoạch năm 2023 với tổng đàn gia súc chính 48.800 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng cả năm 700 tấn, tăng 80 tấn so với năm 2022; tạo nền tảng vững chắc để ngành chăn nuôi của huyện tiếp tục duy trì phát triển bền vững và thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của nông dân vùng cao.
A Mua