Hát Lừu sản xuất lương thực để giảm nghèo
- Cập nhật: Thứ năm, 22/3/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Là xã có diện tích lúa nhiều nhất huyện Trạm Tấu lại gần trung tâm huyện, nên Hát Lừu đã tận dụng lợi thế đó để đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp phát triển kinh tế địa phương.
Đường về bản Lừu 2, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu. (Ảnh minh họa)
|
Thực hiện nghị quyết của Đảng uỷ, HĐND xã và chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện, xã Hát Lừu đã tích cực tìm cách đưa đời sống của đồng bào từng bước nâng lên. Trước hết là chủ động chỉ đạo các ngành, đoàn thể triển khai xuống bản hướng dẫn nhân dân làm vụ 2, tích cực khai hoang diện tích lúa nước; giúp bà con chuẩn bị nước tưới, giống, phân bón. Đặc biệt, chọn giống địa phương có năng suất cao đưa vào trồng. Nhờ vậy, bà con đã thích ứng nhanh với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, tích cực thâm canh tăng vụ, tăng năng suất cây trồng, góp phần tăng sản lượng lương thực, ổn định đời sống từng bước đẩy lùi đói nghèo. Do có thuận lợi hơn nhiều xã khác của huyện về diện tích cấy lúa, nước tưới… chính quyền xã chỉ đạo nhân dân tận dụng hết diện tích đất đai thâm canh tăng vụ, khai hoang lúa nước. Năm 2005, tổng diện tích 2 vụ lúa của xã chỉ đạt trên 352 ha, đến năm 2006 đã tăng thêm 18,6 ha. Với diện tích đó, xã đã tập trung chỉ đạo nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, do đó thu hoạch cả năm tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 1.206 tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ; năng suất lúa xuân bình quân đạt 45 tạ/ha; so với cùng kỳ tăng 1,7 tạ/ha, sản lượng tăng 30 tấn. Đối với lúa ruộng, năng suất đạt 40 tạ/ha, sản lượng tăng 66 tấn. Với năm 2005 diện tích cây ngô tăng 6 ha, đưa tổng diện tích trồng ngô cả năm lên trên 32 ha, đạt sản lượng 76,9 tấn. Ngoài ra, nhân dân còn tích cực trồng thêm cây mầu như: đậu tương 34 ha, sắn 28 ha, khoai các loại… đảm bảo bình quân lương thực đầu người của xã đạt 430 kg/năm. Nhìn chung, về năng suất, sản lượng lương thực của xã đều tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng theo kế hoạch của huyện một số chỉ tiêu vẫn còn chưa đạt.
Để đảm bảo chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong năm 2007 như: tổng sản lượng lương thực có hạt là 1.310 tấn, riêng sản lượng thóc là 1.290 tấn; lương thực đầu người đạt 454 kg trở lên; duy trì diện tích ngô, lúa 2 vụ; tổng đàn gia súc tăng 3%... giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 6%, ngay từ đầu năm 2007, xã chủ trương huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế nhanh, tạo bước chuyển biến rõ về chất lượng, hiệu quả đổi mới và đẩy mạnh xã hội hoá các lĩnh vực. Đặc biệt, vụ chiêm xuân 2006- 2007, xã đã huy động nhân dân cấy hết 100% diện tích, đảm bảo trong khung thời vụ tốt nhất. Trước đó, cán bộ nông nghiệp huyện, xã đã xây dựng mô hình trình diễn, hướng dẫn bà con thực hiện từ khâu làm đất, ngâm ủ, gieo mạ, che ni lon… đảm bảo đúng kỹ thuật. Nhân dân tích cực sửa chữa, khắc phục kênh mương hư hỏng nhỏ đảm bảo lượng nước tưới cho vụ xuân.
Trong đẩy mạnh phát triển kinh tế, việc chăn nuôi tăng nhanh đàn gia súc, gia cầm cũng là một thế mạnh của xã do địa bàn thuận lợi, đất đai phù hợp phát triển nguồn thức ăn cho gia súc, chính quyền xã chú trọng nên tổng đàn gia súc của xã đã tăng lên đáng kể. Nhiều hộ nông dân được quan tâm tạo điều kiện để vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư vào chăn nuôi. Mặt khác, công tác triển khai tiêm phòng chống dịch cho gia súc và phun thuốc khử trùng tại các hộ ở tất cả 5 thôn bản được thực hiện triệt để. Vì vậy, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về số trâu bò chết do mắc bệnh, dập tắt kịp thời 1 ổ dịch bệnh lở mồm long móng xảy ra ở khu vực Bản Hát. Hiện nay, toàn xã có đàn trâu 690 con, bò 241 con, lợn 1259 con; trên 10 ngàn con gia cầm. Chị Lò Thị Bút- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã tâm sự: “Mấy năm gần đây, nhờ có sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, Hát Lừu đã có sự đổi thay đáng kể. Kinh tế nông nghiệp tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã có bước phát triển mạnh và đúng hướng. Nhiều gia đình đã có cuộc sống khá và ổn định và nhờ tích cực sản xuất lúa 2 vụ, đầu tư chăn nuôi trâu, bò, dê…”.
Hát Lừu đang ngày một đổi thay nhờ đi đúng hướng, biết tận dụng thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, điều mà xã cũng như nhiều cán bộ ở đây còn băn khoăn khi hiện nay xã còn tới 128 hộ đói nghèo (chiếm 1/3tổng số hộ) mà nguyên nhân là do không có ruộng hoặc ruộng cạn chỉ làm được một vụ, chưa có được điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế... Để giảm dần số hộ nghèo xuống 6% trong năm nay, đòi hỏi chính quyền xã, huyện tiếp tục quan tâm hơn nữa, trước mắt tạo điều kiện để đồng bào có đất đai sản xuất, nguồn nước canh tác lúa ruộng, ổn định cuộc sống hàng ngày, cùng với tìm những biện pháp, hướng đi mới cho đồng bào thoát nghèo.
Huy Văn
Các tin khác
YBĐT - Toàn xã Y Can hiện có trên 9 ha dâu, chủ yếu được trồng bằng giống Sa Nhị Luân. Vụ tằm năm 2006, nông dân các thôn Hòa Bình, Bình Minh, Thắng Lợi, Quyết Tiến đã bán cho Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Trấn Yên trên 3.600 kg kén, với giá thu mua ổn định 45.000 đồng/kg, thu về trên 160 triệu đồng.
YBĐT - Để hoàn thành kế hoạch trồng 15 ngàn ha rừng trong năm 2007, ngay từ ngày đầu năm các huyện thị đã tổ chức đồng loạt ra quân trồng rừng vụ xuân. Do chuẩn bị tốt diện tích đất, cây giống và các vật tư thiết yếu cùng với khí hậu thời tiết thuận lợi bà con nhân dân và các nông-lâm trường đã trồng được trên 2.000 ha rừng.
YBĐT Trong tháng 2 năm 2007 do thời tiết khí hậu khô hanh kéo dài, kèm theo sương muối cùng với gió Lào thổi mạnh đã làm cho thảm thực bì khô trụi, hơn nữa lại đúng vào mùa đốt nương làm rẫy của nhân dân nên trong một tháng trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã xảy ra 4 vụ cháy rừng, làm thiệt hại 219 ha rừng.
YBĐT - "Mười bảy năm ra đời và phát triển, KBNN huyện Yên Bình với chức năng quản lý nguồn ngân quỹ Nhà nước, thu chi tiền mặt... đã khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn, bám sát sự chỉ đạo của ngành cấp trên, của Đảng bộ chính quyền huyện để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp ngày càng nhiều vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương" - Đó là nhận định của đồng chí Triệu Đức Hùng - Phó bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Yên Bình khi nói về ngành kho bạc.