Trấn Yên: Phát triển vùng chè nhập nội gắn với chế biến
- Cập nhật: Thứ hai, 26/3/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Huyện Trấn Yên hiện có trên 2500 ha chè, trong đó có 2300 ha chè kinh doanh. Cũng giống như nhiều huyện, thị khác trong tỉnh, diện tích chè của Trấn Yên được trồng chủ yếu bằng giống chè trung du. Một số diện tích đã trồng cách đây 30 - 40 năm nay đã già cỗi và cho năng suất thấp.
Bà con nông dân Trấn Yên đang thu hái chè xuân.
(Ảnh: Tô Anh Hải)
|
Thực hiện chủ trương của tỉnh về nâng cao năng suất chất lượng chè, từ năm 2002, huyện Trấn Yên đã đưa giống chè Bát Tiên, một giống chè nhập nội có năng suất khá, chất lượng cao được đưa vào trồng thử nghiệm tại xã Nga Quán.
Gia đình anh Nguyễn Văn Hảo ở thôn Hồng Hà, xã Nga Quán là một trong số những gia đình trong xã đã mạnh dạn phá bỏ diện tích chè giống cũ, năng suất thấp để đưa chè Bát Tiên vào trồng. Với 6 sào chè, gia đình anh tập trung đầu tư chăm sóc và thu hái đúng kỹ thuật nên mỗi tháng thu được gần 4 triệu đồng từ cây chè. Với giá bán bình quân từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng 1 kg chè khô, cao gấp nhiều lần so với giống chè cũ, lại rất dễ tiêu thụ nên huyện Trấn Yên đã chủ trương mở rộng diện tích chè bằng giống nhập nội. Được tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí, huyện hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc thu hái và bao tiêu sản phẩm nên bà con nông dân nhiều xã trong huyện đã tích cực phá bỏ chè cũ, trồng các giống chè nhập nội như Bát Tiên, Phúc Vân Tiên. Đến nay, toàn huyện đã có 134 ha chè nhập nội chất lượng cao.
Năm 2006, được tỉnh giao kế hoạch trồng mới và cải tạo 100 ha chè bằng giống nhập nội, huyện đã chủ động gieo ươm giống tại chỗ, giao kế hoạch cụ thể cho các xã để các xã tổ chức vận động tuyên truyền, cho các hộ đăng ký trồng. Nhờ vậy trong vụ thu vừa qua, huyện Trấn Yên đã trồng mới và cải tạo được 137 ha chè bằng các giống Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, đạt 105% kế hoạch tỉnh giao. Năm 2006, lần đầu tiên xã Cường Thịnh tham gia vào chương trình trồng chè giống nhập nội của huyện. Mặc dù UBND huyện không giao kế hoạch nhưng chính quyền xã đã vận động nhân dân trồng được 7,6 ha chè giống Phúc Vân Tiên và Kim Tuyên.
Ông Hán Đình Đông - Chủ tịch UBND xã Cường Thịnh cho biết: Năm 2007, xã sẽ vận động nhân dân cải tạo và trồng mới 10 ha chè bằng giống nhập nội để trong vài năm tới xã có vùng chè nguyên liệu ổn định, có năng suất cao, giúp người làm chè có thu nhập cao hơn hiện nay. Gia đình chị Hoàng Phương Thảo ở thôn 7 xã Cường Thịnh nhận trồng 3 ha chè bằng giống nhập nội. Được hỗ trợ 6 triệu đồng 1 ha, đã phá bỏ diện tích chè cũ và thay bằng chè giống mới nhập nội. Chị Thảo rất hy vọng trong những năm tới, cuộc sống của gia đình chị sẽ khá lên nhờ cây chè.
Tuy nhiên, với gần 50 ha chè nhập nội đã cho thu hái, sản lượng năm 2006 đạt 200 tấn búp tươi nhưng trong mấy năm qua, trên địa bàn huyện Trấn Yên vẫn chưa có một cơ sở chế biến chè xanh nào để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Các gia đình làm chè vẫn phải thu hái và chế biến thủ công, dẫn đến chất lượng chè chưa được như mong muốn. Để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm và tiếp tục mở rộng diện tích chè bằng giống nhập nội trên địa bàn huyện trong những năm tới, mới đây Ban quản lý chương trình phát triển chè huyện Trấn Yên đã phối hợp với Công ty TNHH Hồng Nhung lắp đặt một dây chuyền chế biến chè xanh công suất 1 tấn/ngày tại xã Nga Quán. Dây chuyền này chính thức đi vào hoạt động vào tháng 3/2007, khi bà con bắt đầu thu hái chè xuân.
Năm 2007, với kế hoạch trồng mới và cải tạo 100 ha chè nhập nội tại 16 xã, huyện Trấn Yên tiếp tục tổ chức sản xuất bầu chè giống để phục vụ cho kế hoạch trồng chè của huyện. Ngay từ cuối năm 2006, Ban quản lý chương trình phát triển chè của huyện đã cùng với 8 chủ vườn ươm sản xuất 2 triệu 800 nghìn bầu chè giống, chủ yếu là các giống Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên. Hiện huyện đã giao kế hoạch trồng mới và cải tạo chè năm 2007 cho từng xã để các xã có biện pháp chỉ đạo cụ thể. Về lâu dài, huyện Trấn Yên chủ trương phát triển vùng chè nguyên liệu bằng giống nhập nội phải gắn với chế biến. Có như vậy, chất lượng chè nguyên liệu và chè thành phẩm mới được nâng cao, người trồng chè không phải lo đầu ra và yên tâm sản xuất. Huyện cũng đang xây dựng thương hiệu sản phẩm chè Bát Tiên nhằm quảng bá loại sản phẩm này của địa phương với khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Chủ trương phát triển vùng chè nguyên liệu nhập nội gắn với chế biến của huyện Trấn Yên được nhân dân rất đồng tình. Đây chính là cơ sở để Trấn Yên nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến chè, nâng cao thu nhập cho nông dân theo tinh thần Nghị quyết 02 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái.
Bạch Liên
Các tin khác
YBĐT - Đến trung tuần tháng 3/2007, ngành thuế đã thu thuế môn bài đạt 2,5 tỷ đồng, bằng 86% dự toán quí I và bằng 68% dự toán cả năm.
YBĐT - Vụ chiêm xuân năm 2006-2007, theo kế hoạch, huyện Yên Bình được giao trồng 2.005 ha lúa trong đó có 80% lúa lai, 15% lúa thuần và lúa chất lượng cao. Tính đến thời điểm này, toàn bộ diện tích đã gieo cấy xong.
YBĐT - Là đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn miền núi, sản xuất công nghiệp nhỏ bé, việc khai thác của các cửa hàng bán lẻ cạnh tranh khá lớn với các đại lý của tư nhân; nhưng với quan điểm vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị, vừa điều tiết lợi ích người tiêu dùng và lợi ích của doanh nghiệp, trong nhiều năm qua, Công ty Xăng dầu Yên Bái luôn đã tạo được những kết quả đáng khích lệ trong sản xuất kinh doanh; đời sống của trên 120 cán bộ công nhân viên được ổn định và cải thiện rõ rệt.
YBĐT - Ngày 21/3, Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư phát triển chi nhánh Yên Bái (BIDV Yên Bái) tổ chức Hội nghị khách hàng năm 2007, gần 200 đại biểu đại diện cho hàng nghìn khách hàng thường xuyên của Chi nhánh đã đến dự.