Văn Yên vào vụ trồng rừng

  • Cập nhật: Thứ tư, 28/3/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trồng và phát triển rừng đã trở thành phong trào rộng khắp đối với bà con nông dân huyện Văn Yên. Kinh tế đồi rừng đã và đang trở thành một nghề để tăng thu nhập cứ mỗi độ xuân về, người dân Văn Yên lại hăng hái lên đồi cuốc hố trồng cây. Chỉ sau hai tháng đầu năm bà con đã trồng được trên 1.670 ha rừng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Trung Hiền - Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết: Để thực hiện kế hoạch trồng mới trên 2.800 ha rừng trong năm 2007 huyện đã chỉ đạo lâm trường, các chủ vườn ươm, chuẩn bị cây con giống, giao đất, kế hoạch cụ thể cho các xã và bà con nông dân. Cho nên, từ đầu năm nay dù trời ít mưa, giá cây giống, vật tư phân bón tăng cao hơn cùng kỳ, nhưng bà con nông dân và các thành phần kinh tế vẫn trồng mới trên 1.670 ha. Trong đó có 800 ha quế, 450 ha keo, 420 ha bồ đề và cây lâm nghiệp khác.

Mặc dù so với kế hoạch huyện đề ra mới đạt trên 80% kế hoạch, song thật vui là bà con nông dân rất hăng hái trong việc trồng và tu bổ rừng. Người dân trồng rừng với một niềm tin và hy vọng làm giàu. Bởi vì, giá cây nguyên liệu ổn định, đặc biệt trong thời gian gần đây thị trường quế Văn Yên đã có chỗ đứng trên thị trường. Đồng thời, họ đã coi việc trồng và phát triển vốn rừng là một nghề không chỉ giải quyết việc làm, tăng thu nhập mà còn góp phần quan trọng vào cân bằng môi trường sinh thái.

Những năm trước đây vận động rất nhiều và thậm chí huyện còn cho cả cây giống mà người dân vùng cao, vùng dân tộc thiểu số đâu có trồng bởi vốn chỉ quen chặt phá khai thác là chính. Thế mà trong vài năm trở lại đây, nhất là trong năm 2006 và 2007 bà con đã trồng rừng, tu bổ rừng với một ý thức rất tự giác. Người Dao ở Đại Sơn, Viễn Sơn, Xuân Tầm… chỉ quen có trồng quế thì nay cũng đã trồng cây nguyên liệu. Từ một huyện mỗi năm chỉ trồng vài chục ha cây nguyên liệu, đến nay toàn huyện đã có trên 22 ngàn ha rừng kinh tế, trong đó có 8 ngàn ha cây nguyên liệu. Các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn cũng đã có nhiều nỗ lực trồng rừng và còn trồng được diện tích lớn như xã: Xuân Tầm gần 100 ha, Dụ Thượng, Dụ Hạ trên 93 ha, Lâm Giang, An Bình, Yên Hưng đều trên 60 ha…

Ông Trưởng phòng Kinh tế huyện dẫn chúng tôi đi tìm hiểu phong trào trồng rừng ở một số địa phương: Đông An, An Bình, Lang Khay và Lang Thíp… Rừng trồng ở những nơi này xanh tít tắp trên các triền núi. Dừng chân ở Lang Thíp một khí thế lao động rất khẩn trương, đi từ bản Đăng đến bản xa nhất là Làng Khoan cách trung tâm xã hàng chục km, đi đến đâu cũng thấy đồng bào Mông, Dao, Kinh tấp nập chở phân bón, cây giống lên đồi. Tiếng cười, tiếng nói rộn ràng cả vùng đồi.

Anh Tráng Phi Hùng, bản Đam I đang cùng gia đình đào hố trồng rừng nói: "Bây giờ mình đã nhận ra rồi! Trồng rừng mang lại kinh tế cao lại bảo vệ môi trường, tránh lũ quét. Năm nay gia đình sẽ trồng 0,7 ha rừng kinh tế, chủ yếu bằng giống keo. Trước đây mình tưởng trồng rừng khó lắm nhưng được cán bộ xã, cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật thì trồng rừng còn dễ hơn trồng lúa. Nhờ trồng rừng mà kinh tế gia đình mình và một số hộ trong bản đã xóa được nghèo rồi đấy!". Qua tìm hiểu và đi thực tế cho thấy, cơ cấu giống trồng rừng năm nay của bà con chủ yếu tập trung vào keo, quế và bồ đề. Qua đánh giá sơ bộ của huyện cơ bản trồng đúng kỹ thuật, tỷ lệ cây sống đạt trên 80% đối với bồ đề và keo, quế đạt tỷ lệ trên 90%. Không chỉ chú trọng trồng rừng, công tác quản lý bảo vệ rừng cũng được triển khai hiệu quả.

Hiện nay, huyện đang vận động nhân dân làm cỏ và trồng nốt diện tích còn lại, phấn đấu hết năm 2007 toàn huyện trồng mới 3 ngàn ha. Phong trào trồng rừng Văn Yên đã tốt song về cơ cấu giống huyện vẫn chưa mạnh dạn chuyển đổi ngoại trừ giống quế còn đối với giống cây nguyên liệu vẫn là bồ đề trắng và keo địa phương. Đây là những loại cây không còn phù hợp với trồng rừng nguyên liệu bởi năng suất thấp, chu kỳ sinh trưởng dài gần gấp đôi với keo lai, keo nhập nội và bạch đàn mô. Thiết nghĩ trong những năm tiếp theo huyện Văn Yên cần mạnh dạn áp dụng những giống cây con mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.

   Ngọc Trúc

Các tin khác
Bà con nông dân Trấn Yên đang thu hái chè xuân.
(Ảnh: Tô Anh Hải)

YBĐT - Huyện Trấn Yên hiện có trên 2500 ha chè, trong đó có 2300 ha chè kinh doanh. Cũng giống như nhiều huyện, thị khác trong tỉnh, diện tích chè của Trấn Yên được trồng chủ yếu bằng giống chè trung du. Một số diện tích đã trồng cách đây 30 - 40 năm nay đã già cỗi và cho năng suất thấp.

Nộp thuế qua Kho bạc tại Kho bạc Nhà nước huyện Trấn Yên. (Ảnh: Linh Nhung)

YBĐT - Đến trung tuần tháng 3/2007, ngành thuế đã thu thuế môn bài đạt 2,5 tỷ đồng, bằng 86% dự toán quí I và bằng 68% dự toán cả năm.

YBĐT - Vụ chiêm xuân năm 2006-2007, theo kế hoạch, huyện Yên Bình được giao trồng 2.005 ha lúa trong đó có 80% lúa lai, 15% lúa thuần và lúa chất lượng cao. Tính đến thời điểm này, toàn bộ diện tích đã gieo cấy xong.

YBĐT - Là đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn miền núi, sản xuất công nghiệp nhỏ bé, việc khai thác của các cửa hàng bán lẻ cạnh tranh khá lớn với các đại lý của tư nhân; nhưng với quan điểm vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị, vừa điều tiết lợi ích người tiêu dùng và lợi ích của doanh nghiệp, trong nhiều năm qua, Công ty Xăng dầu Yên Bái luôn đã tạo được những kết quả đáng khích lệ trong sản xuất kinh doanh; đời sống của trên 120 cán bộ công nhân viên được ổn định và cải thiện rõ rệt.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục