Cần xã hội hoá công tác phòng chống cháy rừng
- Cập nhật: Thứ tư, 11/4/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Là một tỉnh có diện tích rừng, đất rừng rộng lớn, phong phú về chủng loại và trữ lượng gỗ cao. Tuy nhiên, toàn bộ diện tích rừng thuộc các huyện thị phía Tây thường xuyên chịu ảnh hưởng của gió lào thổi và mùa đông thì sương muối, khí hậu khô hanh kéo dài. Đặc biệt, ở vùng cao nhân dân sống xen vào diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và lại có tập quán canh tác nương rẫy.
Trồng quế đem lại thu nhập cao cho nông dân miền núi.
Trong ảnh: Cây quế hơn 20 năm tuổi của một hộ nông dân xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn.
|
Do vậy công tác phòng chống cháy rừng (PCCCR) luôn là vấn bức xúc. Mặc dù đã có nhiều cố gắng, song năm nào Yên Bái cũng xảy ra cháy rừng gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng về môi trường.
Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 18 vụ cháy rừng với diện tích hàng trăm ha. Điều đáng nói là tất cả các vụ cháy đều xảy ra tại huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải mà nguyên nhân chính vẫn là ý thức của một số người dân và tình trạng đốt nương làm rẫy. Ông Nguyễn Quang Vinh-Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh bức xúc: "Nhìn lửa thiêu cháy từng khu rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi mà xót xa. Trong vòng hơn ba mươi năm trở lại đây thì năm nay là cháy rừng lớn nhất". Mặc dù nguyên nhân gây ra cháy rừng là do một số người thiếu ý thức, tình trạng phát nương làm rẫy gây ra. Song, ông Vinh cũng thẳng thắn thừa nhận để xảy ra cháy rừng lớn như vậy, trách nhiệm đầu tiên là thuộc về ngành kiểm lâm! Bởi vì, lực lượng kiểm lâm địa bàn mỏng trong khi diện tích rừng lại quá lớn, địa hình phức tạp dẫn tới kiểm lâm viên không làm tròn trách nhiệm được giao. Nghiệp vụ kiểm lâm viên còn yếu, không biết tiếng địa phương, không nắm bắt được phong tục tập quán dẫn đến công tác tuyên truyền, phổ biến tới dân không sâu sắc. Tờ rơi về PCCCR còn rườm rà, khó hiểu, trong khi người dân vùng cao không phải ai cũng biết đọc. Không phải đến nay khi diện tích rừng đã bị cháy để rồi ta ngồi quy trách nhiệm cho nhau, nhưng có vấn đề không thể không nói đến là công tác quản lý bảo vệ rừng ở vùng cao đang còn nhiều bất cập. Toàn bộ diện tích rừng đã cháy ở Trạm Tấu và Mù Cang Chải đều là diện tích rừng phòng hộ, rừng tự nhiên do Lâm trường Trạm Tấu và Lâm trường Púng Luông quản lý, bảo vệ khai thác.
Vậy, việc quản lý, bảo vệ của các đơn vị này ở đâu? Khi đã xảy ra cháy rồi lại quy hết trách nhiệm cho xã, thôn bản là điều không đúng. Một vấn đề nữa đã tồn tại từ bao nhiêu năm qua là, những hộ dân đốt nương làm rẫy gây cháy rừng chưa lần nào bị mức xử lý hình sự mà chỉ phạt vi phạm hành chính. Lực lượng kiểm lâm, xã lập biên bản xử phạt hành chính nhưng người dân vùng cao còn rất khó khăn lấy gì mà nộp phạt ? Khi không có tiền nộp phạt, yêu cầu họ trồng lại diện tích rừng đã cháy là một giải pháp kiên quyết nhưng nguồn cây giống lại không biết lấy ở đâu. Từ đó dẫn đến hạn chế hiệu quả của việc xử lý, răn đe nên người dân vẫn tiếp tục vi phạm. Một tình trạng nữa là việc giao rừng cho dân quản lý, song đơn vị chủ quản lại không giao tiền trực tiếp cho dân mà thông qua xã, số ít lại nợ dân hoặc trả thiếu tiền gây bất bình trong nhân dân. Vừa qua tại xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải xảy ra cháy rừng, ông Vàng A Lử - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm xuống xã Púng Luông yêu cầu xã chi viện người đi dập lửa cứu rừng, nhưng người dân không đi vì lý do Lâm trường chưa thanh toán hết tiền bảo vệ rừng cho dân!
Hàng trăm ha rừng đã bị thiêu rụi, thiệt hại rất lớn không thể tính được bằng tiền. Thiết nghĩ, các ngành chức năng, mỗi địa phương và mỗi cán bộ đảng viên, người dân phải có cái nhìn thấu đáo để rút ra những bài học kinh nghiệm. Nếu chúng ta cứ làm như hiện nay, người dân vẫn thiếu ý thức trong công tác PCCCR thì lửa rừng vẫn mãi cháy theo năm tháng. Để công tác PCCCR hiệu quả chúng ta phải xã hội hoá công tác này. Tất cả các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân cùng vào cuộc làm tốt công tác PCCCR và chúng ta lấy phòng là chính. Bởi thực tế khi rừng đã cháy khó có thể khống chế được lửa. Rừng gắn liền với cuộc sống con người, không chỉ nuôi sống chúng ta về kinh tế mà còn bảo vệ môi trường, giữ nước, tránh lũ quét, trôi rửa đất... Vì vậy, đã đến lúc các cấp, ngành và mọi người dân phải có những biện pháp ứng xử thật nghiêm túc, tích cực trong công tác bảo vệ phát triển rừng.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh Yên Bái đã trồng được 1.175 ha đậu tương, vượt gần 18% so với kế hoạch, trong đó chủ yếu tập trung ở các huyện Văn Yên, Lục Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu và Mù Cang Chải.
YBĐT - Theo dự báo trong những năm tới, sản phẩm chè có nhiều cơ hội xâm nhập vào khu vực mậu dịch tự do và WTO, song về chất lượng sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chính vì vậy, thực hiện kế hoạch phát triển ngành chè giai đoạn 2006 - 2010, tỉnh đang chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục đổi mới dây chuyền công nghệ chế biến theo hướng hiện đại, để có những sản phẩm phù hợp yêu cầu thị trường và đảm bảo chất lượng, xây dựng được thương hiệu.
YBĐT - Năm 2007, huyện Trạm Tấu được giao chỉ tiêu kế hoạch trồng 700 ha rừng phòng hộ tập trung và 300 ha rừng kinh tế. Đến hết quý I-2007, huyện đã hoàn thành công tác khảo sát ngoại nghiệp, hoàn thiện các thủ tục hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tiến hành theo đúng tiến độ.
YBĐT - Để làm tốt công tác phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn, trong những năm qua huyện Văn Chấn đã đầu tư mua xe lu và xe ô tô vận tải hỗ trợ các xã, thị trấn trong huyện làm đường giao thông.