Trấn Yên từng bước hình thành vùng lúa chất lượng cao

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/4/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Từ năm 2001, huyện Trấn Yên đã bắt đầu sản xuất lúa chất lượng cao (CLC) bằng việc xây dựng các mô hình trình diễn gieo cấy bằng các giống lúa thuần như AYT 01, LT2.

Cán bộ kỹ thuật đang kiểm tra sự sinh trưởng của lúa chất lượng cao ở cánh đồng Mường Lò.
Cán bộ kỹ thuật đang kiểm tra sự sinh trưởng của lúa chất lượng cao ở cánh đồng Mường Lò.

Qua khảo nghiệm cho thấy giống lúa thuần CLC dễ thâm canh, chi phí đầu tư thấp, thời gian sinh trưởng ngắn, chủ động thời vụ để sản xuất cây màu vụ 3 trên đất 2 lúa. Thêm vào đó, chất lượng gạo ngon, giá thành tiêu thụ cao gấp 1,5 lần so với lúa thường. Vì vậy, mô hình thâm canh lúa CLC đã được huyện cùng với các địa phương chỉ đạo nông dân ứng dụng, nhân ra diện rộng và kết quả thật đáng mừng là diện tích được tăng nhanh theo từng năm. Nếu như năm 2003 tổng diện tích gieo lúa CLC cả năm mới chỉ đạt 750 ha thì đến năm 2005 đã đạt 1262 ha và đến năm 2006 đã lên đến 1400 ha với các giống được gieo chủ yếu như Chiêm Hương, HT1. Cũng trong năm 2006, cùng với việc mở rộng diện tích, huyện đã tiếp tục khảo nghiệm thành công 2 giống lúa mới là Thiên Hương và Hương Cốm trên diện tích 7,5 ha. Từ đó đã bổ sung vào cơ cấu giống lúa thuần CLC chủ yếu là Chiêm Hương, HT1, Thiên Hương và Hương Cốm. Ngay ở vụ chiêm xuân 2006 - 2007 tổng diện tích gieo cấy lúa CLC của huyện đã lên đến 814 ha đạt 110% kế hoạch. Một số xã có diện tích gieo cấy đạt và vượt kế hoạch như Quy Mông, Hợp Minh, Việt Thành...

Đến thăm xã Tân Đồng, được đồng chí Phí Văn Chí - Phó chủ tịch UBND xã đưa chúng tôi đi thăm cánh đồng lúa CLC được quy hoạch thành vùng tập trung tại thôn 1,2 và thôn 4, anh Chí phấn khởi cho chúng tôi biết: “Với 103 ha lúa gieo cấy 2 vụ thì hàng năm Tân Đồng không những đảm bảo an ninh lương thực mà còn tạo ra một lượng hàng hóa trong sản xuất. Đặc biệt từ năm 2004, Tân Đồng mạnh dạn chỉ đạo nhân dân gieo cấy được 40 - 50% diện tích lúa CLC, trong đó có 5 ha được quy hoạch thành vùng tập trung tại thôn 1, 2 và thôn 4 với 45 hộ dân tham gia. Đồng thời, để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm lúa ở vùng tập trung, xã đã ký hợp đồng với HTX dịch vụ tổng hợp Báo Đáp để bao tiêu sản phẩm cho bà con. Ngoài ra, để chủ động được giống lúa CLC đúng chủng loại và đảm bảo chất lượng giống, xã Tân Đồng quy hoạch vùng tập trung 1 ha tại thôn 3 để sản xuất giống lúa tại chỗ góp phần phục vụ cho việc mở rộng diện tích lúa CLC trong toàn huyện. Thấy rõ được giá trị kinh tế từ sản xuất lúa CLC nên nhiều hộ nông dân ở Tân Đồng đã mạnh dạn đưa vào gieo cấy trên toàn bộ diện tích. Điển hình như gia đình anh Đỗ Văn Thạch ở thôn 3, với trên 4 sào lúa cấy bằng các giống HT1 và Chiêm Hương; nhờ có sự đầu tư chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật và thường xuyên kiểm tra nên năng suất lúa luôn đạt 170 - 180 kg/sào. So sánh và hiệu quả kinh tế của giống lúa CLC với giống lúa thường, anh Thạch phấn khởi cho biết: “Mặc dù năng suất lúa CLC thấp hơn so với lúa lai nhưng hiệu quả kinh tế lại cao hơn gấp 1,5 lần, chất lượng gạo ngon và dễ tiêu thụ”.

Có thể khẳng định, việc đưa giống lúa CLC vào gieo cấy và nhanh chóng nhân ra diện rộng đang là một hướng đi đúng góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Không chỉ xã Tân Đồng mà đối với Báo Đáp là một trong những đầu tiên gieo cấy thử nghiệm giống lúa CLC từ năm 2001 đến nay, tổng diện tích đã lên đến trên 120 ha và trở thành vùng trọng điểm sản xuất tập trung gắn với chế biến và bao tiêu sản phẩm. Cho biết về hướng phát triển sản xuất lúa CLC theo vùng tập trung trong những năm tiếp theo, đồng chí Phùng Ngọc Hải - Phó chủ tịch UBND xã Báo Đáp cho biết: “Nghị quyết HĐND xã đã xác định, mở rộng diện tích lúa CLC gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm là một chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng trọng tâm nhằm nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác và nâng cao thu nhập cho người dân”.

Để sản phẩm gạo CLC có sức cạnh tranh trên thị trường, trong thời gian tới huyện Trấn Yên sẽ xây dựng kế hoạch để đăng ký nhãn hiệu hàng hóa gạo CLC. Đồng thời, để mở rộng diện tích và đảm bảo nguồn giống tại chỗ huyện đang xây dựng các điểm nhân giống lúa thuần CLC tại một số địa phương như Tân Đồng, Báo Đáp, Hợp Minh, Âu Lâu, Quy Mông; phấn đấu mỗi năm sản xuất được từ 40 - 50 tấn lúa giống đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo đáp ứng cho việc sản xuất lúa CLC hàng năm trên diện tích từ 1400 ha năm 2007 và 2000 ha vào năm 2010. Để thực hiện được mục tiêu này, Phòng Kinh tế huyện Trấn Yên tập trung vào một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới như: tiếp tục vận động nhân dân quy hoạch thành vùng tập trung, hàng năm bổ sung cơ cấu lúa CLC vào sản xuất, hướng dẫn nhân dân áp dụng các biện pháp KHKT vào thâm canh, chủ động nguồn nước tưới, đảm bảo năng suất và chất lượng, tiếp tục tổ chức cho nhân dân ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp.

Chủ trương phát triển sản xuất lúa CLC tập trung gắn với chế biến và bao tiêu sản phẩm đang là một hướng đi đúng được nhiều người dân đồng tình hưởng ứng. Đây cũng là một trong 8 nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế của Đảng bộ huyện Trấn Yên lần thứ 19 nhiệm kỳ 2006 - 2011. Từ đó góp phần đưa Trấn Yên ngày càng vững bước trên con đường CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn.

Hoàng Thủy - Thu Phượng

Các tin khác
Trồng quế đem lại thu nhập cao cho nông dân miền núi.
Trong ảnh: Cây quế hơn 20 năm tuổi của một hộ nông dân xã Nậm Mười, huyện Văn Chấn.

YBĐT - Là một tỉnh có diện tích rừng, đất rừng rộng lớn, phong phú về chủng loại và trữ lượng gỗ cao. Tuy nhiên, toàn bộ diện tích rừng thuộc các huyện thị phía Tây thường xuyên chịu ảnh hưởng của gió lào thổi và mùa đông thì sương muối, khí hậu khô hanh kéo dài. Đặc biệt, ở vùng cao nhân dân sống xen vào diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và lại có tập quán canh tác nương rẫy.

Nông dân xã Khai Trung (Lục Yên) chăm sóc đậu tương.

YBĐT - Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh Yên Bái đã trồng được 1.175 ha đậu tương, vượt gần 18% so với kế hoạch, trong đó chủ yếu tập trung ở các huyện Văn Yên, Lục Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu và Mù Cang Chải.

Nhiều doanh nghiệp đổi mới dây chuyền công nghệ chế biến theo hướng hiện đại.

YBĐT - Theo dự báo trong những năm tới, sản phẩm chè có nhiều cơ hội xâm nhập vào khu vực mậu dịch tự do và WTO, song về chất lượng sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn quốc tế. Chính vì vậy, thực hiện kế hoạch phát triển ngành chè giai đoạn 2006 - 2010, tỉnh đang chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục đổi mới dây chuyền công nghệ chế biến theo hướng hiện đại, để có những sản phẩm phù hợp yêu cầu thị trường và đảm bảo chất lượng, xây dựng được thương hiệu.

YBĐT - Năm 2007, huyện Trạm Tấu được giao chỉ tiêu kế hoạch trồng 700 ha rừng phòng hộ tập trung và 300 ha rừng kinh tế. Đến hết quý I-2007, huyện đã hoàn thành công tác khảo sát ngoại nghiệp, hoàn thiện các thủ tục hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tiến hành theo đúng tiến độ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục