Ông Nguyễn Văn Hà ở xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình kể lại: "Khoảng năm 2022, thi thoảng thấy một con mắc lưới. Thấy lạ, tôi lên mạng tìm hiểu thì biết đây là giống cá Hoàng đế. Thời gian sau, số lượng cá đông dần. Nhiều người tranh thủ đi câu nhằm cải thiện bữa ăn. Do con cá này khá phàm ăn nên câu cũng dễ”. Thế rồi cùng với sự xuất hiện và gia tăng giống cá ngoại lai này trên hồ Thác Bà là sự giảm sút đáng kể của số lượng tôm. Tình trạng này đòi hỏi những nhà khoa học cần lên tiếng, nhà quản lý cần vào cuộc, biến nguy cơ thành lợi thế.
Cuối tháng 7, trời nóng như đổ lửa, nước hồ đã về nhiều hơn mấy tháng trước, tình trạng cạn kiệt đã được cải thiện. Nước lên là cá về, ngư dân tranh thủ thả lưới bắt cá. Chúng tôi thuê một chiếc thuyền máy dạo quanh vùng hồ.
Ông Tiến là người lái chiếc thuyền máy chở chúng tôi đi. Với 50 năm sống trên hồ, có lẽ rất khó có thể tìm người hiểu hồ Thác Bà hơn ông. "Lát nữa kiếm mấy con Hoàng đế làm bữa trưa nhé” - giọng ông oang oang, át cả tiếng động cơ và tiếng sóng nước. Tôi gật đầu đồng ý rồi hỏi lại: "Cá Hoàng đế? Có nhiều không ạ? Có ngon không vậy?”.
Ông Tiến liền bảo: "Lát nữa các anh sẽ biết”. Gần 3 tiếng trên hồ, cho chúng tôi cảm nhận, người dân Yên Bình đang rất cố gắng khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng hồ, những điểm tham quan, những khu du lịch, những du thuyền và những nhà hàng nổi đã xuất hiện ngày càng nhiều.
Đặc biệt, rất nhiều bè cá, có những bè quy mô lớn, giá trị đầu tư cả chục tỷ đồng lênh đênh trên mặt nước xanh thắm, dấu hiệu của làm ăn lớn, của nếp nghĩ, cách làm không dựa vào đánh bắt tự nhiên đã xuất hiện.
Trở lại câu chuyện của con cá Hoàng đế. Tìm kiếm trên Google được biết: cá Hoàng đế có tên khác là cá Hoàng bảo yến, có tên tiếng Anh là Cichla Ocellaris. Vốn có nguồn gốc từ khu vực Nam Mỹ, loài cá này có thể ăn hầu hết mọi thứ vừa miệng chúng.
Cá Hoàng đế khoác trên thân mình một màu vàng óng, cùng khuôn miệng to, rộng, trên lưng cá có 3 vệt dài màu đen, đuôi cá cũng có một đốm đen to. Dòng cá này có ruột ngắn, trong miệng có răng sắc nhọn, chiều dài cơ thể có thể lên tới 70 cm. Cá Hoàng đế là loài cá sinh sản hữu tính, mỗi lần thụ tinh có thể đẻ khoảng 3.000 trứng.
Với lợi thế sức khỏe tốt nên cá Hoàng đế có khả năng sinh tồn ở điều kiện khắc nghiệt nhất. Ông Tiến lấy tay áo lau mồ hôi rồi thủng thẳng: "Con cá này ác lắm anh ơi! Nó tham lam và tợn tạo. Nó đã ăn hết tôm vùng hồ này rồi!”.
Giọng ông đầy chua xót: "Hết tôm là hết nghề đánh rọ tôm, hết nghề thu mua, chế biến. Tôm hồ Thác Bà không lớn nhưng vỏ mềm, ăn thơm. Chỉ 3 đến 5 năm trước, mỗi ngày người ta đánh được cả chục tấn tôm; hàng chục người làm nghề thu gom tôm, chưa kể vùng Đông hồ có cả nghề đan rọ tôm truyền thống. Rồi cá Hoàng đế xuất hiện, mọi chuyện mau chóng kết thúc”.
Không lẽ sau cây xấu hổ, đã có thêm cá Hoàng đế, những sinh vật ngoại lại đang tấn công mạnh mẽ vùng hồ Thác Bà, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân?
Dùng bữa trên mặt hồ lênh đênh sóng nước cho cảm giác rất thích thú. Bữa trưa nấu vội, rất ít gia vị nhưng món cá Hoàng đế nấu canh chua, cá Hoàng đế rán, chấm muối trắng nghiền cùng ớt tươi… càng hấp dẫn thêm.
Không phải là một chuyên gia ẩm thực nhưng chúng tôi cũng cảm nhận được loại cá này cá có thịt dai, thơm, trắng, rất thơm ngon, có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn. Tìm kiếm trên các trạng về ẩm thực, thật khó tin là cá Hoàng đế có thể chế biến được rất nhiều món, là đặc sản trong các nhà hàng. Tại Hà Nội, giá bán có thể lên tới 70.000 đến 90.000 đồng/kg. Vậy sao chúng ta không tổ chức nuôi giống cá này?
Hướng dẫn nhau đánh bắt dựa trên đặc tính của chúng và nhất là phát triển dịch vụ du lịch khám phá, câu cá Hoàng đế trên hồ Thác Bà. Chúng tôi đã trao đổi với lãnh đạo Chi cục Thủy sản tỉnh để biết thêm thông tin.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: "Trước hết, đây là loại cá không nằm trong danh mục cấm nhập khẩu và không được sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam. Nghề nuôi cá lồng trên hồ đang phát triển mạnh, qua công tác kiểm tra, giám sát, chưa có cơ sở nào nuôi giống cá này. Thực tế, khoảng 2 năm trở lại đây, cá Hoàng đế đã xuất hiện tại hồ Thác Bà, số lượng tăng khá nhanh”.
Chia tay hồ Thác Bà, chia tay ông Tiến khi chiều tà đã ngả về tây, nhiều người bơi thuyền ra hồ câu lua, săn cá hoàng đế. Không ít người đi câu đến từ các thành phố lớn. Người nông dân như ông Tiến sẽ biết cách vượt qua khó khăn, tôi tin là như vậy.
Lê Phiên