Lan tỏa phong trào hiến đất làm đường ở Văn Chấn

  • Cập nhật: Thứ hai, 18/9/2023 | 8:10:34 AM

YênBái - Xác định phát triển hạ tầng giao thông là yếu tố nền tảng quan trọng tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, thời gian qua, huyện Văn Chấn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất, mở đường và tích cực hưởng ứng phong trào thi đua, ra quân làm đường giao thông nông thôn (GTNT).

Người dân tổ dân phố số 5, thị trấn Nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn tích cực tham gia làm đường GTNT.
Người dân tổ dân phố số 5, thị trấn Nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn tích cực tham gia làm đường GTNT.

Ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025, với mục tiêu tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, trọng tâm là hạ tầng giao thông, huyện Văn Chấn phấn đấu kiên cố hóa đường giao thông nông thôn đạt từ 300km trở lên. 

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình cũng như huy động nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, huyện Văn Chấn đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông với phương châm "giải phóng mặt bằng đến đâu thì làm đường giao thông đến đó”.

Sau nhiều năm thực hiện chủ trương bê tông hóa đường GTNT, đường nội đồng, đường vào các khu sản xuất của các tổ dân phố, đến nay thị trấn Nông trường Liên Sơn đã hoàn thành bê tông hóa được 39/42 km đường GTNT, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nhân dân đi lại lao động sản xuất, giao thương hàng hóa được dễ dàng. 


Ông Trương Văn Dậu - Tổ trưởng tổ dân phố 5, thị trấn Nông trường Liên Sơn phấn khởi: "Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, người dân tổ dân phố chúng tôi rất đồng tình ủng hộ chủ trương triển khai làm đường GTNT. Khi bà con hiểu đường GTNT sẽ mang lại những lợi ích cho chính mình, tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại, giao thương hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao cho đất cũng như nông sản của người dân nên khi được tuyên truyền, vận động, ai cũng tích cực tham gia ủng hộ sức người sức của, hiến đất, tạo điều kiện để sớm có những tuyến đường sạch, đẹp”. 

Ông Đoàn Quang Kỳ - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Liên Sơn cho biết: "Nhờ có sự dân chủ bàn bạc, tham gia đóng góp ý kiến của đông đảo cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nên phong trào làm đường GTNT đã được cán bộ, nhân dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia, đã trở thành phong trào có sức lan tỏa rộng khắp các địa phương. Từ năm 2020 - 2022, thị trấn đã triển khai làm trên 7 km đường GTNT. Năm 2023, thị trấn cũng hoàn thành mở rộng 650m đường và 1.400m đường 3m mở mới”. 

Bên cạnh những dự án làm đường giao thông, được bố trí kinh phí từ ngân sách để thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư, trên địa bàn huyện có những dự án làm đường giao thông không được bố trí kinh phí thực hiện công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư. Từ đó, dẫn đến việc người dân có sự so sánh, có ý kiến thắc mắc với chính quyền địa phương, một số hộ gia đình chưa đồng thuận, nhất trí hiến đất làm đường. 

Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tự huyện đến cơ sở, thông qua các buổi gặp gỡ, trao đổi, làm việc, tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị, xã hội huyện nên nhận thức của người dân đã thay đổi, ý thức được tầm quan trọng cũng như những lợi ích của việc làm đường giao thông mang lại, do đó sẵn sàng tự nguyện hiến đất và tài sản trên đất để làm đường. 

Từ năm 2020 đến nay, UBND huyện Văn Chấn đã chỉ đạo 21 xã, thị trấn thực hiện tuyên truyền, vận động người dân hiến đất để làm đường giao thông. Qua đó, đã có 64 tuyến đường giao thông đã được nâng cấp và làm mới với tổng chiều dài 185,89 km. Có trên 2.580 hộ gia đình, cá nhân đã hiến đất tương ứng với diện tích đã hiến gần 446.000 m vuông, trên 126.800 cây hoa màu các loại và các công trình trên đất khác; tổng giá trị lên tới gần 29 tỷ đồng.

Đối với các dự án làm đường giao thông trên địa bàn huyện không được bố trí kinh phí thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, nhờ sự đồng thuận ủng hộ của người dân nên việc bàn giao mặt bằng sạch đều đúng thời hạn cam kết để triển khai thi công, nhiều dự án trọng điểm đã hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng như: Tuyến đường Sơn Lương - Sùng Đô - Nậm Mười; tuyến đường Đại Lịch - Chấn Thịnh - Bình Thuận - Nghĩa Tâm - Minh An.

Ông Đinh Văn Trường - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho hay: Với mục tiêu cứng hóa hệ thống đường GTNT, bảo đảm cho 100% các xã, thị trấn có đường giao thông đi lại thuận lợi 4 mùa, cùng với nguồn lực của tỉnh kết hợp với nguồn lực của huyện và huy động nguồn lực trong dân cư, trên địa bàn huyện Văn Chấn đã cứng hóa được trên 500 km đường giao thông. Qua đó, đã góp phần tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế hộ, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế cũng như tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm hiểu về thế mạnh của địa phương và nghiên cứu các giải pháp đầu tư trong các khu vực, các xã, thị trấn của huyện Văn Chấn. 

Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông; để phong trào "Hiến đất làm đường” tiếp tục được triển khai rộng khắp, có sức lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn huyện”. 

Thanh Chi

Tags Yên Bái giao thông làm đường hiến đất Văn Chấn đường 0 đồng nông thôn mới

Các tin khác
Giá vé dao động từ 2,7 - 3,9 triệu đồng/vé/chặng

Tính đến ngày 17/9, các hãng hàng không đã mở bán vé máy bay sớm phục vụ đi lại Tết Nguyên đán 2024 của người dân trên một số đường bay.

Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Toàn An, xã Đông An.

Trong những năm qua, Hội Nông dân xã Đông An, huyện Văn Yên đã phối hợp tốt với các ngành chuyên môn của huyện và xã mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; phối hợp với ngân hàng thực hiện ủy thác cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững.

Khách chọn mua các sản phẩm trong “Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan 2023”. Ảnh: Đinh Trường

Sản xuất và tiêu dùng xanh - bền vững là một trong những xu hướng tất yếu không chỉ ở nước ta mà còn ở các nước trên thế giới. Nó đang tác động mạnh mẽ đến doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, làm sao để sản phẩm và dịch vụ của mình đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay. Vấn đề được đặt ra lúc này là cần thêm những trợ lực từ phía cơ quan quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy việc sản xuất và tiêu dùng bền vững tại Việt Nam.

Báo Kinh tế & Đô thị dẫn số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt 515,4 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục