Bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và tết Giáp Thìn

  • Cập nhật: Thứ hai, 4/12/2023 | 7:44:53 AM

YênBái - Vào dịp cuối năm và tết Nguyên đán, lượng hàng hóa tiêu thụ luôn có xu hướng gia tăng. Để đáp ứng nhu cầu của người dân, các doanh nghiệp có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, phương án cung ứng hàng hóa bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường. Cùng đó, các lực lượng chức năng của tỉnh tăng cường các hoạt động, kiểm tra, kiểm soát, triển khai các giải pháp bình ổn thị trường.

Nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng cao vào dịp gần tết Nguyên đán.
Nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng cao vào dịp gần tết Nguyên đán.

Theo Sở Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa 11 tháng ước đạt 19.766,3 tỷ đồng, tăng 6,44% so với cùng kỳ, đạt 100,34% kịch bản, bằng 90,9% so với kế hoạch. CPI tháng 11 tăng 0,69% so với tháng trước; tính trung bình 11 tháng năm 2023, CPI tăng 1,38% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả trên cho thấy, thị trường hàng hóa trong tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế chung toàn tỉnh. 

Tuy nhiên, do khu vực sản xuất còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Do đó, ảnh hưởng đến sức mua hàng hóa. Ngành chức năng nhận định, thời gian tới, thị trường hàng hóa thế giới sẽ còn nhiều biến động do tác động của các vấn đề bất ổn chính trị đang tiếp tục gia tăng tại nhiều khu vực; giá hàng hóa thiết yếu nhóm năng lượng có xu hướng tăng; giá lương thực ở mức cao; tỷ giá, lãi suất ở mức cao; lưu thông hàng hóa, thương mại gặp trở ngại do ảnh hưởng của bất ổn chính trị, phân chia khu vực... Các nhân tố trên, sẽ ảnh hưởng đến kinh tế nói chung và thị trường trong nước nói riêng.

Để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa, Sở Công Thương có kế hoạch, phương án cung ứng hàng hóa và xử lý các biến động bất thường của thị trường. Cùng đó, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; đồng thời, triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm thay đổi dần tâm lý, thói quen sử dụng hàng ngoại của người tiêu dùng. 

Ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: "Sở theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu; những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và tết Nguyên đán”. 

Ngành công thương đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tết; triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến thời tiết, dịch bệnh, đánh giá năng lực sản xuất, nguồn cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu cho thị trường. Chủ động có phương án hoặc đề xuất phương án để bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường các mặt hàng nông sản thực phẩm thiết yếu. 

Cùng đó, phối hợp với các địa phương triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm an toàn, đặc sản vùng, miền kết hợp tạo nguồn hàng phục vụ tết; đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại; chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn dự trữ đầy đủ có phương án đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường dịp cuối năm và tết Nguyên đán; phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra việc duy trì bán hàng và thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, kiểm tra chất lượng, đo lường, giá bán xăng dầu lưu thông trên thị trường. 

Ngoài ra, phối hợp với Cục Quản lý thị trường tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát thị trường; chú trọng kiểm tra về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trên địa bàn. 

Bên cạnh sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng để bảo đảm được lượng hàng hóa phục vụ tốt nhu cầu của người dân, thời gian tới, các đơn vị kinh doanh hàng hóa phục vụ tiêu dùng cũng cần có kế hoạch phù hợp, giám sát chặt chẽ việc bán hàng trong hệ thống phân phối nhằm ngăn chặn tình trạng thiếu hàng, sốt giá do các nhà phân phối, đại lý đầu cơ hàng, nâng giá.

Nhu cầu tiêu dùng của người dân theo thông lệ sẽ tăng lên trong dịp cuối năm và những ngày giáp tết; tuy nhiên, nhu cầu mua tích trữ hàng hóa giảm dần do sự phát triển của hệ thống phân phối và thay đổi thói quen tiêu dùng. Do đó, với sự chuẩn bị nguồn hàng dồi dào của các doanh nghiệp, công tác chỉ đạo, điều hành sát sao của ngành chức năng sẽ góp phần bảo đảm ổn định thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Nguyễn Hồng

Tags Yên Bái bình ổn thị trường tết Giáp Thìn Sở Công Thương nông sản thực phẩm

Các tin khác
Anh Lương Văn Quang được vay vốn chính sách theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ.

Trên cơ sở Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Văn Yên đã chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến, giúp nhanh chóng đưa chính sách này vào cuộc sống.

Cam Văn Chấn vào vụ thu hoạch (Ảnh: T.L).

Cách đây gần chục năm, một số xã vùng ngoài của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái như Thượng Bằng La, Minh An, Nghĩa Tâm, thị trấn Nông trường Trần Phú… được coi là thủ phủ trồng cam, quýt của địa phương này. Cây cam đã đem về nguồn thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm, nhờ thế mà nhiều hộ dân trở nên giàu có.

Vàng miếng SJC bày bán tại Công ty Vàng bạc Agribank.

Chuyên gia của trang giavang.net dự báo giá vàng trong nước có thể chạm tới mốc 76 triệu đồng, sau khi lập đỉnh của thời đại 74,6 triệu đồng/lượng.

Giá vàng nhẫn và vàng miếng SJC đồng loạt điều chỉnh giảm.

Giá vàng thế giới hôm nay (2/12) tăng phi mã sau bài phát biểu về lãi suất của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. Ngược chiều, giá vàng nhẫn điều chỉnh giảm tới 300.000 đồng/lượng, giao dịch quanh mức 72,30 triệu đồng/lượng mua vào và 73,50 triệu đồng/lượng bán ra. Giá vàng miếng SJC cũng điều chỉnh giảm từ 100.00 - 300.000 đồng/lượng, giao dịch quanh 73,5 triệu đồng/lượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục