Cảm Nhân: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp

  • Cập nhật: Thứ bảy, 2/6/2007 | 12:00:00 AM

YBĐT - Nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thâm canh, tăng vụ, phát triển dịch vụ buôn bán nhỏ mà ở Cảm Nhân, huyện Yên Bình đã xuất hiện nhiều cánh đồng cho thu nhập 40 triệu đồng/ha, nâng cao thu nhập giúp nhiều hộ thoát nghèo.

Cảm Nhân nằm ở Khu trung tâm của vùng Đông hồ Thác Bà, có trường cấp 3, chợ trung tâm, giao thông thuận lợi. Xã có 237 ha lúa nước, năm 2006, năng suất lúa bình quân đạt 9,4 tấn/ha, sản lượng đạt 2.200 tấn/năm, bình quân lương thực đầu người 290 kg, là một trong những xã thuộc tốp đầu của huyện Yên Bình về năng suất lúa.

 

Từ năm 2004 xã đã quy hoạch và đưa giống lúa Chiêm hương, Nhị ưu 838 là những giống cao sản có giá trị vào gieo cấy với diện tích ban đầu chỉ là 10 ha đến nay đã phát triển lên 100 ha. Cảm Nhân có những cánh đồng rộng và khá bằng phẳng, nguồn nước tưới dồi dào và một hệ thống kênh mương kiên cố, đây là điều kiện thuận lợi để địa phương áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất.

 

Trao đổi với chúng tôi đồng chí Lý Xuân Quyết - Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Hiện nay cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp của xã đang diễn ra mạnh mẽ. Có những thôn đã cơ giới hoá 55%. Việc đưa máy cày, máy bừa, máy tuốt lúa vào đồng ruộng đã giải phóng sức lao động cho người nông dân, đồng thời tiết kiệm thời gian, tạo điều kiện để thâm canh các loại rau mầu vụ đông đạt hiệu quả cao hơn”.

 

Cơ cấu cây trồng vụ đông của Cảm Nhân khá phong phú: lạc, ngô, rau xanh, dưa chuột... Vụ đông vừa qua, Cảm Nhân gieo cấy được 65 ha, chủ yếu là ngô đông và lạc. Trong đó, lạc là một loại cây có quả kinh tế rất cao, năng suất đạt 1,4 tạ/sào, với giá trên thị trường như hiện nay người dân cũng thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/ sào.

 

Bên cạnh thành công trong việc sản xuất lúa hàng hoá, thâm canh tăng vụ góp phần xoá đói giảm nghèo, thì chăn nuôi và trồng rừng cũng là hướng làm giàu của người dân. Nhờ những điều kiện thuận lợi về đồng cỏ, diện tích mặt nước, xã tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi đại gia súc, thuỷ sản theo hướng hàng hoá. Nhờ chăm sóc tốt, đàn trâu hàng năm luôn duy trì ở 1.300 con, đàn bò trên 550 con, đàn lợn 3.000 con. Là xã nằm trong vùng hồ Thác Bà, thuận lợi cho trồng rừng kinh tế và vận chuyển gỗ rừng trồng. Phát huy thế mạnh này, những năm qua xã tập trung phát triển rừng nguyên liệu.

 

Toàn xã hiện có 370 ha rừng trồng, người dân được vay vốn trồng rừng, mỗi năm thu từ khai thác rừng trồng hàng trăm triệu đồng. Lợi thế 22 ha mặt nước ao, hồ được nhân dân khai thác phát triển nghề nuôi cá lồng, mở rộng diện tích nuôi thả. Đáng chú ý, Cảm Nhân đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hộ làm ăn hiệu quả có thu nhập ổn định từ 15-20 triệu đồng/năm.

 

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Cảm Nhân bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan. Bằng việc sản xuất vụ đông trên đất lúa 2 vụ, cơ giới hoá nông nghiệp, lựa chọn những giống cây, con có năng suất, chất lượng cao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị canh tác, góp phần giảm hộ nghèo năm 2006 xuống còn 7,8% theo tiêu chí cũ, 25% số hộ có thu nhập khá, 70% hộ có xe máy, 65% số hộ có nhà xây kiên cố, không còn hộ đói giáp hạt.

 

Anh Dũng

Các tin khác

YBĐT - Hiện nay Nhà máy chính của công ty đặt tại xã Việt Cường, huyện Trấn Yên mới chỉ đảm bảo nguyên liệu để sản xuất 4- 6 tấn/ngày, đạt khoảng 25% công suất thiết kế. Nguyên nhân chính là do công ty chưa có đủ nguồn nguyên liệu cho hoạt động chế biến.

YBĐT - Cây cao su được di nhập và trồng ở Việt Nam từ năm 1897. Trong lý thuyết loại cây này chỉ có thể trồng được ở những nơi có nhiệt độ nóng ẩm (từ 170 vĩ Bắc trở xuống), nhưng qua khảo sát thực tế nhận thấy rằng không phải như vậy.

YBĐT - Vụ xuân 2007, huyện Văn Yên được Trung tâm Giống cây trồng Yên Bái cung ứng 1000kg giống lúa lai Nghi Hương 2308 để đưa vào gieo cấy tại 21 xã. Đây là giống lúa lai 3 dòng thuộc nhóm lúa lai chất lượng cao, khả năng thích ứng rộng được sản xuất tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Khoa học kỹ thuật giống cây trồng Đắc Nguyệt, Tứ Xuyên (Trung Quốc), được phân phối độc quyền tại Việt Nam bởi Công ty TNHH dịch vụ nông nghiệp Trọng Tín (Sơn Tây), Ba Đình (Hà Nội).

Ảnh minh họa. (Thanh Chi)

YBĐT - Tôi có dịp trở lại Lâm Thượng, một trong những xã vùng cao của huyện Lục Yên (Yên Bái). Là xã vừa ra khỏi chương trình 135 của Chính phủ, nhưng việc phát triển kinh tế không bền vững, thiếu quy hoạch vùng sẽ là một trong những vấn đề đáng phải bàn của xã vùng cao này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục