Ông Nguyễn Đức Điển - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái nhấn mạnh: "Để các mô hình, chuỗi liên kết không bị manh mún, đứt gãy, thay vì xây dựng các chuỗi giá trị thông thường, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) cần chú trọng xây dựng chuỗi giá trị theo hướng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Các khâu từ sản xuất ban đầu đến thu gom chế biến và phân phối tiêu thụ đều được kiểm soát theo hợp đồng nhằm tạo sản phẩm an toàn cho sức khỏe người dùng, có truy xuất nguồn gốc. Các đơn vị, địa phương cần tổ chức đánh giá lại tính hiệu quả của từng mô hình liên kết, các dự án quy mô nhỏ, không hiệu quả hoặc không còn phù hợp thì đưa ra khỏi quy hoạch, từ đó mới đảm bảo tính bền vững trong liên kết”.
Thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thúc đẩy chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến nông nghiệp. Chuyển mạnh từ xây dựng các "chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các "chuỗi giá trị ngành hàng”; gắn kết các tác nhân trong chuỗi theo nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm, cùng chia sẻ lợi ích theo mức độ đóng góp giá trị. Tăng cường liên kết "6 nhà” (nhà nông - Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà băng (ngân hàng) - nhà khoa học - nhà phân phối), với nòng cốt là liên kết nhà nông - nhà doanh nghiệp.
Cùng với đó, tỉnh thu hút doanh nghiệp có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị hiệu quả, phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ tại các địa phương, vùng có sản lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics, tạo điều kiện hình thành động lực tăng trưởng cho các địa phương.
Theo ông Vũ Xuân Trường - Giám đốc Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái: "Việc định hướng người nông dân sản xuất theo chuỗi và tuân thủ nghiêm các tiêu chí do doanh nghiệp đề ra còn nhiều khó khăn do nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế. Vì vậy, chúng tôi mong muốn, ngành chức năng, chính quyền địa phương phối hợp tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ sản xuất, kỹ năng quản trị đồng ruộng, kỹ thuật sản xuất ở quy mô lớn, nhất là ý thức tuân thủ các quy định đã thỏa thuận trong hợp đồng. Đồng thời, xác lập tư duy thị trường, khả năng gắn kết trong chuỗi theo mối quan hệ hữu cơ để duy trì, phát triển chuỗi liên kết một cách bền vững, hiệu quả”.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất tập trung, mô hình cánh đồng lớn; công khai quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, khuyến khích dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất; thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút mọi thành phần kinh tế đầu tư xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến với phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất theo liên kết chuỗi nhằm khai thác, tận dụng tốt các cơ hội để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Chú trọng phát triển các sản phẩm xuất khẩu như: các sản phẩm chế biến từ gỗ rừng trồng, măng, quế.
Hiện nay, tỉnh hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng quế trên 81.000 ha, sơn tra hơn 9.000 ha, cây ăn quả gần 10.000 ha, dâu tằm trên 1.000 ha; diện tích rừng trồng nguyên liệu khoảng 100.000 ha; tre măng Bát độ gần 6.000 ha; tổng diện tích đưa vào nuôi trồng khai thác thủy sản đạt 22.390 ha.
Ông Lý Hai - Giám đốc HTX Bình An, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên cho biết: "Để hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết sản xuất gắn với chế biến nông sản, ngành chức năng cần tích cực triển khai các dự án chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ vào chế biến nông sản; hỗ trợ, khuyến khích thành viên các chuỗi tham gia các chương trình, hội chợ xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Thành lập các cửa hàng nông sản an toàn tại một số địa phương nhằm giới thiệu sản phẩm nông, thủy sản an toàn, chất lượng đến đông đảo người tiêu dùng... tạo đầu ra ổn định cho các chuỗi liên kết”.
Để các chuỗi liên kết sản xuất không bị đứt gãy, phát huy được hiệu quả rất cần sự chủ động, tích cực của cả người dân và doanh nghiệp. Các địa phương cần tích cực tuyên truyền để người dân thấy được tầm quan trọng của việc tuân thủ các điều khoản trong hợp đồng liên kết; thường xuyên đánh giá, dự báo cung cầu hàng hóa nông sản của thị trường để giúp các chuỗi điều chỉnh hướng sản xuất, kinh doanh hợp lý.
Cộng đồng doanh nghiệp, HTX và người sản xuất tham gia chuỗi cần phải tuân thủ nguyên tắc bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên, tuân thủ nghiêm túc các điều khoản trong hợp đồng; cùng chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro, khó khăn trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực quản trị, xây dựng phương án sản xuất, kết nối thị trường cho các HTX để làm trung gian liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp...
Theo Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng, đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, bền vững. Hình thành và phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; thu hút, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp...
Do đó, ngành nông nghiệp tăng cường tham mưu, tuyên truyền, hướng dẫn và tập trung giải quyết những khó khăn mà các doanh nghiệp, HTX và người nông dân đang gặp phải, khuyến khích thúc đẩy việc hình thành các chuỗi liên kết, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển bền vững.
Hồng Duyên