Mù Cang Chải là huyện vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 98% nhưng lại có nhiều tiềm năng, lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, cảnh quan thiên nhiên cùng những giá trị văn hoá truyền thống, tập quán sản xuất đặc sắc của đồng bào. Bởi vậy, từ nhiều năm nay, huyện đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, HTX thành lập và đi vào hoạt động trên cơ sở khai thác tiềm năng và thế mạnh sẵn có của địa phương.
Năm 2019, nhìn ra lợi thế về khí hậu, nguồn đất đai dồi dào, anh Trần Văn Vỹ đến từ huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc cùng những người bạn của mình đã quyết tâm chọn Nậm Khắt là nơi dừng chân để phát triển
mô hình trồng hoa hồng - một giống cây lần đầu tiên được trồng quy mô ở nơi này. HTX Hoa hồng Nậm Khắt cũng được thành lập ngay sau đó với 9 thành viên.
Anh Trần Văn Vỹ - Giám đốc HTX Hoa hồng Nậm Khắt chia sẻ: "Khi đến Nậm Khắt, chúng tôi được huyện và chính quyền địa phương rất quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ rất nhanh chóng, thuận lợi; đồng hành cùng HTX trong công tác tuyên truyền, vận động bà con khi chúng tôi làm thủ tục thuê đất của người dân, san ủi, tạo mặt bằng cho đến tìm nguồn nước tưới, dẫn nước về ruộng… Cho đến bây giờ, bất cứ khi nào gặp khó khăn, chúng tôi đều nhận được sự quan tâm, tháo gỡ rất nhiệt tình từ chính quyền địa phương. Điều này khiến những người từ xa tới đây lập nghiệp như chúng tôi rất yên tâm phát triển, mở rộng sản xuất”.
Quả thực, chỉ từ 9 thành viên, 10 ha sản xuất, đến nay, HTX Hoa hồng Nậm Khắt đã có 16 thành viên, diện tích mở rộng lên tới 60 ha, tạo việc làm cho trên 300 lao động địa phương với mức thu nhập từ 150 - 200 nghìn đồng/ngày công, tạo thu nhập cho hơn 100 hộ gia đình bằng cách thuê đất của dân với mức 40 triệu đồng/ha/năm. HTX cũng đã thực hiện chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa cho người dân địa phương để mô hình trồng hoa có thể nhân rộng ra các hộ gia đình. Được biết, người dân địa phương trên địa bàn xã Nậm Khắt đã phát triển được hơn 22 ha hoa hồng sau thành công của HTX này.
Không chỉ HTX Hoa hồng Nậm Khắt, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn đều được chính quyền các cấp quan tâm, đồng hành. Hàng năm, huyện Mù Cang Chải đã tổ chức gặp mặt doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn, qua đó biểu dương những đóng góp cũng như trực tiếp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Huyện cũng tập trung kiên cố hóa các tuyến đường giao thông từ xã đến các thôn, bản và kiên cố hóa các tuyến đường kết nối chính giữa các vùng trên địa bàn huyện; tận dụng các nguồn lực, tích cực mời gọi, thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng đô thị, du lịch; phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan lập các quy hoạch theo hướng phát triển thành huyện du lịch. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất về vay vốn, mặt bằng… để doanh nghiệp, HTX phát triển bền vững.
Nhờ đó, đến nay huyện Mù Cang Chải đã thu hút được 128 doanh nghiệp, HTX. Riêng năm 2023, đã có 19 doanh nghiệp, HTX được thành lập mới. Tiêu biểu có thể kể đến như: Công ty cổ phần đầu tư PALEX Việt Nam đầu tư 10 tỷ đồng xây dựng trang trại và trồng thành công sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu và nhiều loại dược liệu có giá trị kinh tế cao tại xã Kim Nọi, tạo việc làm cho 10 - 15 lao động với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/tháng. Công ty cũng đang tích cực mở rộng sản xuất và có định hướng sẽ chuyển giao kỹ thuật cho bà con triển khai. Hay Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Hello Mù Cang Chải đã xây dựng các tour du lịch trong huyện, hình thành hệ thống dịch vụ bổ trợ như: hướng dẫn viên, xe ôm, lễ tân buồng phòng…, góp phần xây dựng thương hiệu cho du lịch Mù Cang Chải.
Các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn Mù Cang Chải đã và đang phát triển trên nhiều lĩnh vực, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của huyện. Các doanh nghiệp, HTX về nông - lâm nghiệp còn đưa những mô hình mới, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa tư duy sản xuất theo chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm đến bà con nhân dân.
Hoài Anh