Trạm Tấu phát triển kinh tế đồi rừng
- Cập nhật: Thứ sáu, 5/10/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái, Trạm Tấu có tổng diện tích trên 743 km2, trong đó đất lâm nghiệp chiếm trên 90% và có tới 43% là đất trống, đồi núi trọc.
Rừng trồng phòng hộ ở Trạm Tấu.
|
Điều kiện sản xuất của huyện cũng rất khó khăn do địa hình đồi núi cao, độ dốc lớn; đất bạc màu do canh tác nương nhưng không có đầu tư trở lại vào đất; nhất là thời tiết khắc nghiệt, chịu ảnh hưởng nhiều của gió Lào. Nhưng rừng Trạm Tấu lại có vị trí hết sức quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn sông Đà cùng sông Hồng. Đồng thời lại là nơi dự trữ nguồn thuỷ năng lớn cho các suối Tung, suối Hát để có thể phát triển làm thuỷ điện. Tuy thế, Trạm Tấu là địa phương nghèo, chậm phát triển và có đến 64% hộ nghèo.
Nghị quyết 03 - NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong phát triển kinh tế - xã hội huyện Trạm Tấu giai đoạn 2006 - 2010 cũng xác định: “ Phát triển mạnh kinh tế đồi rừng, đưa kinh tế rừng trở thành ngành kinh tế chủ yếu của huyện. Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng. Thực hiện trồng rừng phòng hộ kết hợp đẩy mạnh trồng rừng kinh tế. Phấn đấu đến năm 2010 trồng mới 4.500 ha rừng phòng hộ, 1.500 ha rừng kinh tế, đưa độ che phủ của rừng lên 52%”.
Từ năm 1994, huyện đã tổ chức giao đất rừng cho các hộ và có quy hoạch lại đất rừng, giao cho Hạt Kiểm lâm quản lý 18.542 ha; Lâm trường Trạm Tấu quản lý 22.209 ha.
Song thực tế các diện tích trên đều xen với diện tích canh tác lúa nương, ngô, khu vực chăn thả gia súc của các hộ đồng bào nên khó quản lý. Cũng do diện tích ruộng nước ít, sản phẩm thu từ rừng không có, cùng với tập quán quảng canh chưa được xoá bỏ hẳn nên hàng năm rừng tự nhiên, rừng tái sinh vẫn bị chặt phá làm nương rẫy, diện tích rừng cháy chưa giảm, tình trạng khai thác lâm sản không thể kiểm soát được, nguy cơ chặt phá và cháy rừng còn tiềm ẩn.
Mặt khác, tập quán thả rông gia súc và phương thức hợp đồng giao khoán không cụ thể với các hộ dẫn đến trồng rừng song lại bị phá, diện tích cháy rừng nhiều hơn diện tích trồng làm cho diện tích rừng không tăng mà có xu hướng giảm. Để thực hiện mục tiêu nghị quyết đề ra, tỉnh cấp hỗ trợ 2 triệu đồng/ha đối với trồng rừng kinh tế và 200.000 đồng/ha bảo vệ rừng phòng hộ. Đây là điều kiện để đồng bào các dân tộc trong huyện tăng thu nhập từ rừng, góp phần cải thiện đời sống. Nhưng mức thu nhập này chỉ bảo đảm bình quân 200.000 đồng/người/năm và người dân chưa thể sống được từ việc bảo vệ rừng. Do đó, cùng với chiến lược an ninh lương thực, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã có nghị quyết về đổi mới nâng cao chất lượng quản lý, bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế đồi rừng.
Mục tiêu là phát triển kinh tế đồi rừng, đưa kinh tế rừng trở thành ngành kinh tế chủ yếu của huyện, tạo việc làm cho người lao động, sau 5 năm có sản phẩm phi lâm sản trở thành vùng nguyên liệu hàng hoá và đồng bào tham gia bảo vệ rừng có khoản thu nhập ổn định, bền vững từ kinh tế đồi rừng ngoài khoản kinh phí Nhà nước chi trả, góp phần xoá đói giảm nghèo. Đến năm 2010, độ che phủ của rừng phải đạt 52%, rừng Trạm Tấu sẽ góp phần ngăn chặn hạn hán, lũ lụt; tăng độ phì của đất, cải thiện môi sinh, môi trường trong vùng.
Tránh tình trạng rừng đã giao mà không có chủ, huyện đề ra giải pháp bãi bỏ các hợp đồng giao đất từ năm 1994; thực hiện điều chỉnh lại đất rừng, lập hợp đồng giao khoán đến từng hộ dân, quy định rõ trách nhiệm, quyền lợi, nghĩa vụ của các hộ nhận khoán. Căn cứ vào quỹ đất rừng của các xã, khuyến khích các hộ có điều kiện nhận đất trống, đồi núi trọc trồng rừng theo mô hình trang trại.
Về cơ cấu cây trồng, huyện cũng đã có nhiều cuộc khảo nghiệm thực tế, hội thảo, tham khảo mô hình sản xuất của huyện bạn Bắc Yên (Sơn La) để tìm ra các loại cây thích ứng với địa phương. Cùng với bảo tồn giống măng ớt tại các khu rừng nguyên sinh sẽ trồng xen các loại cây dược liệu quý như sa nhân, thảo quả, đẳng sâm, cây mây, cây song tại các khu rừng tái sinh xa trục lộ để giảm vận xuất mà hiệu quả kinh tế cao; keo làm nguyên liệu trên các diện tích gần đường giao thông. Đối với diện tích đất trống có độ cao trên 1.000 m trồng rừng phòng hộ với cơ cấu 50% cây thông mã vĩ, tô hạp, vối thuốc cùng 50% sơn tra, chè shan ươm hạt.
Đến Trạm Tấu, câu chuyện về già làng ở xã Xà Hồ tự nguyện trồng lại rừng do mình lỡ làm cháy đến nay vẫn được người dân trong huyện lưu truyền như một tấm gương sáng để giáo dục mọi người ý thức bảo vệ rừng. Và cũng tại xã này, có gia đình trồng cây sơn tra trong rừng nhận khoanh nuôi bảo vệ từ lúc chưa có chủ trương của huyện, đến nay đã cho thu nhập. Hy hữu hơn, khi xung quanh xảy ra cháy thì rừng của gia đình vẫn an toàn do huy động được tất cả các thành viên bảo vệ.
Như vậy là quyền lợi của người dân gắn liền với rừng thì họ thay đổi nhận thức “ trồng rừng cho Nhà nước”. Tin rằng với nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách và các chương trình, dự án cộng với chủ trương đúng, Trạm Tấu sẽ làm xanh lại những cánh rừng, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị ở vùng cao.
Thế Quynh
Các tin khác
YBĐT - Vụ đông năm 2007, huyện Trấn Yên (Yên Bái) phấn đấu gieo trồng 1.800 ha cây màu các loại, trong đó có 850 ha ngô trên đất 2 vụ lúa, 150 ha ngô trên đất soi bãi và 800 ha rau, đậu, đỗ.
YBĐT - Tại Hội nghị sơ kết công tác SXKD 6 tháng đầu năm 2007, bản tham luận của Chi nhánh Điện thành phố Yên Bái về kết quả hoạt động của mô hình khoán quản đến nhóm và người lao động được hội nghị chăm chú theo dõi cách làm mới của Chi nhánh Điện thành phố Yên Bái thực sự đã mang lại hiệu quả, có giá trị thực tiễn rất cao.
YBĐT - Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp và PTNT, vụ đông năm nay nông dân tỉnh Yên Bái đăng ký gieo trồng 1 vạn ha rau màu các loại, trong đó diện tích ngô là 6000 ha, khoai lang 1.500 ha và các loại rau màu khác là 2.000 ha. Trung tâm Giống cây trồng tỉnh đã cung ứng cho nông dân được 32,5 tấn ngô giống.
YBĐT - Ngày 3/10, Thành uỷ Yên Bái đã tổ chức hội nghị phát động cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật thuế” trên địa bàn tàon thành phố.