Bưởi lại mất mùa
- Cập nhật: Thứ năm, 18/10/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đại Minh là xã vùng hạ huyện Yên Bình (Yên Bái), không chỉ có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp mà xã còn có tiềm năng trong phát triển kinh tế đồi rừng, trong đó trồng bưởi là cây chủ đạo.
Ảnh minh hoạ.
|
Từ làng bưởi ở Khả Lĩnh, đến nay, 758 hộ ở 15 thôn trong xã đều trồng bưởi. Hộ ít nhất cũng có vài sào, hộ nhiều thì trồng được trên 2 ha. Bình quân thu nhập hàng năm từ cây bưởi của các hộ trong xã từ 5-20 triệu đồng. Sản phẩm bưởi ở Đại Minh đã thực sự trở thành hàng hoá, bưởi đã là cây xoá đói giảm nghèo cho người dân. Nhiều hộ nông dân nghèo trước đây, nay đang giàu lên từ trồng bưởi.
Đó là chuyện của những năm 2000 trở về trước, còn bây giờ, cây bưởi ở Đại Minh đang có những dấu hiệu bất thường, làm cho người dân trồng bưởi lo lắng.
Theo số liệu thống kê của xã, thì tổng thu nhập hàng năm từ bưởi đang có chiều hướng giảm sút. Nếu như năm 2000, tổng thu nhập từ bưởi trong toàn xã đạt 1,7 tỷ đồng/năm; năm 2004, giảm xuống còn 800 triệu đồng và đến nay chỉ còn 600-700 triệu đồng. Trong khi giá thành bưởi hiện nay đã tăng gấp 4 -5 lần so với những năm 2000, có thời điểm lên tới 20-25 ngàn đồng/quả. Nguyên nhân nào đã dẫn đến sản lượng bưởi hàng năm sụt giảm?
Ông Nguyễn Khắc Hiếu- Trưởng thôn Khả Lĩnh, người có nhiều năm kinh nghiệm trồng bưởi, đau xót cho biết: “Hiện trong thôn có 65/65 hộ trồng bưởi; trong đó, có 32 hộ trồng từ 100 gốc bưởi trở lên. Bà con trong thôn thấy được hiệu quả mà cây bưởi đem lại là rất lớn nên đã tích cực trồng chăm sóc như tưới nước, phủ phân rạ, làm cho đất đủ xốp để cây bưởi phát triển nhanh hơn. Nhờ vậy, mà cây bưởi phát triển khá tốt, lá xanh, tán phủ rộng, hoa ra nhiều, nhưng tình trạng chung là không đậu quả”.
Còn chị Nguyễn Thị An ở thôn Khả Lĩnh kể: “Từ những năm 2000 trở về trước, mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập từ 10-15 triệu đồng nhưng đến nay chỉ được 2 triệu đồng/năm. Nếu năm sau mà vườn bưởi không đậu quả nữa thì gia đình cũng phải phá đi để trồng keo chú ạ!”. Một điều lạ mà người dân không giải thích được, là cùng trong một vườn bưởi đất như nhau, chăm bón như nhau mà cây bưởi chua, bưởi lá hạt, bưởi lá to vẫn đậu quả bình thường còn bưởi ngọt lá nhỏ (gốc Đại Minh) thì không đậu quả. Hỏi nguyên nhân vì sao thì hầu hết các hộ dân trồng bưởi lâu năm đều không biết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Xuân Thủy-Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Hàng năm, xã đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông huyện tổ chức các lớp tập huấn cho bà con về cách chăm sóc, kỹ thuật trồng bưởi và được bà con áp dụng rất tốt theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông. Nhưng bưởi vẫn không đậu trái!”.
Để tháo gỡ cho các hộ trồng bưởi trong xã, mới đây, cán bộ thuộc Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương đã đến địa phương kiểm tra và làm mẫu thí nghiệm tại vườn bưởi của chị An ở thôn Khả Lĩnh theo quy trình, như: đào rãnh sâu (20cm) theo tán lá rồi bón phân hữu cơ, đồng thời mỗi gốc bưởi bón 0,2 kg đạm, 0,5kg phân lân; 1-2 kg vôi/1 gốc; phun thuốc bón lá, cắt tỉa cành tạo tán...
Nông dân hy vọng những nỗ lực của các nhà khoa học, những mùa bưởi sau Đại Minh lại trĩu cành nặng quả!
Văn Tuấn
Các tin khác
YBĐT - Minh bạch tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức là một trong những biện pháp quan trọng nhằm kiểm soát, đánh giá tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện tham nhũng.
YBĐT - Trong sản xuất kinh doanh và xoá đói giảm nghèo, vốn là yếu tố vô cùng quan trọng, là điều kiện cần thiết tạo nên hiệu quả của các hoạt động kinh tế. Đối với huyện vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn như Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, nhu cầu về vốn của các hộ nông dân và các đơn vị sản xuất kinh doanh là rất cần thiết.
YBĐT - Xã Cao Phạ huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) có tổng diện tích tự nhiên gần 89.000 ha, những năm 1987-1988, rừng chiếm đến 2/3 tổng diện tích.
YBĐT - Những năm qua, cơ cấu kinh tế của thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) có sự chuyển biến tích cực và rõ nét, góp phần cải thiện bộ mặt nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của 2.745 hộ nông dân.